Back to E-magazine
e magazine
10:00 | 10/07/2021
Đại sứ Ngô Quang Xuân: Việt Nam và Hội đồng Bảo an - Phía trước vẫn còn cả chặng đường dài

10:00 | 10/07/2021

Trò chuyện với phóng viên TG&VN, Đại sứ Ngô Quang Xuân vẫn còn nguyên cảm xúc như hồi làm Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (1993-1999) và Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (2003-2008).
Đại sứ Ngô Quang Xuân: Việt Nam và HĐBA - Phía trước vẫn còn cả chặng đường dài

ĐI CÙNG CON THUYỀN
CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Đại sứ từng nói rằng chúng ta phải “xếp gạch” để vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) từ 10 năm trước khi trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA lần đầu tiên (2008-2009). Nhìn lại cả chặng đường từ đó đến nay, khi nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021 chúng ta đã đi được ba phần tư chặng đường, ông có cảm nghĩ và đánh giá như thế nào về những đóng góp của Việt Nam trong tổ chức toàn cầu này, cũng như về sự trưởng thành của ngoại giao đa phương thời gian qua?

Có thể khẳng định một điều, ngoại giao đa phương của Việt Nam đã tiến một bước khá dài và đi cùng với sự phát triển, xây dựng, củng cố và phát huy uy tín và vị thế vững chắc của Việt Nam trên trường quốc tế. Song hành cùng con thuyền cách mạng Việt Nam, ngoại giao đa phương cũng đã trưởng thành vượt bậc qua nhiều giai đoạn.

Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của LHQ vào ngày 20/9/1977. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh. Lệnh bao vây cấm vận Việt Nam không chỉ tác động nghiêm trọng đến cuộc sống yên bình và sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn có tác động rất tiêu cực đến hòa bình, ổn định trong khu vực.

Sang thập niên 1990, Việt Nam đã có bước hội nhập sâu rộng đầu tiên, ghi dấu ấn rõ nét trong quá trình phát triển của nền ngoại giao Việt Nam nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng.

Đó là chỉ trong cùng một năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN - một tổ chức vô cùng quan trọng ở khu vực, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ký hiệp định khung kinh tế đầu tiên với EU và nộp đơn chính thức đàm phán xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu.

Những hoạt động này rất có ý nghĩa với ngoại giao Việt Nam tại các cơ chế đa phương, xét trong bối cảnh lúc đó Liên Xô và các nước XHCN, chỗ dựa của chúng ta tại các diễn đàn đa phương không còn.

Bên cạnh nỗ lực chống bao vây cấm vận và giải quyết vấn đề Campuchia, chúng ta phải nhận thức về sự thay đổi và có nỗ lực vươn ra cùng với các thành viên LHQ, có những đóng góp để các nước thấy được sự hiện diện và vai trò của đất nước

Tôi có mặt ở LHQ năm 1993. Từ năm 1990-1995, chúng tôi đã xây dựng chiến lược lâu dài để Việt Nam tham gia vào các cơ chế lãnh đạo của LHQ, các tổ chức quốc tế, và liên tục đề xuất về trong nước để có những bước đi phù hợp.

Ví dụ vận động cho Việt Nam được bầu làm thành viên Tổ chức Kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC), Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, ủy viên hội đồng của tất cả các cơ quan LHQ…

Năm 1996, khi đưa ra bỏ phiếu vào ECOSOC, ta đã không thành công. Tôi là người đã trải qua giai đoạn đó nên cảm giác vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng chính lần đó giúp chúng tôi rút ra những bài học sâu sắc, tìm ra nguyên nhân và đặc biệt là phương thức, nội dung vận động, đường đi nước bước phù hợp.

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Việt Nam và HĐBA - Phía trước vẫn còn cả chặng đường dài

Năm 1997 cũng là thời điểm đáng nhớ khi chúng ta lần đầu tiên làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Lúc đó, tôi được giao trọng trách này trong tất cả cuộc họp LHQ, thậm chí có lúc được làm quyền Chủ tịch ĐHĐ LHQ với nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc đại diện (Lãnh đạo) Đại hội đồng đón tiếp và làm việc với các nguyên thủ quốc gia trong các chuyến thăm tới Trụ sở LHQ.

Cùng năm, Việt Nam trúng cử làm thành viên ECOSOC nhiệm kỳ 1998-2000. Đây là cơ quan quyền lực thứ ba của LHQ sau HĐBA và Đại hội đồng. Vào đây cũng giống như tham gia vào sân chơi kinh tế toàn cầu, giúp thúc đẩy việc đàm phán vào WTO sau này.

Cũng từ năm 1997, chúng tôi nhận ra rằng Việt Nam phải vào HĐBA LHQ, như chúng tôi hay nói với nhau là “bắt đầu xếp gạch”, hay xếp hàng để ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Đến hết năm 1999, chúng ta đã đạt được một kết quả, như vận động thành công các nước châu Á-Thái Bình Dương không ứng cử vào vị trí mà Việt Nam đã đăng ký. Tôi cũng đã vận động nhóm các nước châu Á thông qua ứng cử viên duy nhất của khu vực là Việt Nam.

Cuối cùng, đến tháng 6/2007, chúng ta đã được bầu với số phiếu rất cao tại ĐHĐ LHQ, trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009.

Trong nhiệm kỳ đó, chúng ta đã tham gia một cách rất tích cực, nỗ lực đưa ra nhiều sáng kiến và là đồng tác giả nhiều sáng kiến với các nước khác.

Tôi cũng phải nhắc lại là năm 2006 chúng ta đã kết thúc đàm phán vào WTO, đồng thời đăng cai Hội nghị APEC lần thứ 14 rất thành công.

Chính những yếu tố đa phương này kết hợp với nhau đã giúp chúng ta kết thúc đàm phán tại Geneva, và đầu năm 2007 chúng ta gia nhập WTO.

Hai năm nhiệm kỳ đầu tiên tại HĐBA LHQ đóng vai trò quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên chúng ta tham gia những cơ chế lãnh đạo của thế giới, mở màn và tạo nền tảng vững chắc cho những hoạt động và đóng góp rất lớn của ta tại diễn đàn đa phương về sau.

HĐBA là cơ quan an ninh chính trị quyền lực nhất LHQ, được Hiến chương LHQ giao cho nhiệm vụ duy trì bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, và làm thế nào để các thành viên LHQ làm việc bình đẳng với nhau, đặc biệt là để giải quyết những vấn đề chiến tranh, xung đột để sử dụng vũ lực… Điều đó có nghĩa là chúng ta tham gia vào một cơ chế có tác động một cách trực tiếp tới hòa bình an ninh thế giới.

Tôi nghĩ rằng ngoại giao đa phương của Việt Nam đã chuyển mình và bước sang một giai đoạn mới. Kết quả những đóng góp tích cực và chủ động của Việt Nam cũng đã góp phần dẫn đến những chủ trương, đường lối lớn hơn, rộng hơn của Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó Chỉ thị 25 nêu rõ phải nâng tầm, thúc đẩy hơn nữa vai trò của ngoại giao đa phương.

Hiện tại, chúng ta đang trong nhiệm kỳ thứ hai Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (nhiệm kỳ 2020-21), nhiệm kỳ đánh dấu một bước trưởng thành rất vượt bậc. Thời điểm bắt đầu đảm nhận cương vị này, Việt Nam cũng đồng thời thực hiện một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng - Chủ tịch ASEAN 2020.

Năm 2020 đã khép lại với nhiều thành công được cả ASEAN và LHQ đánh giá rất cao. Chính vì thế, những sáng kiến của Việt Nam tại HĐBA gắn liền với kết quả tích cực này, cùng với những thành tựu từ nhiệm kỳ trước và càng được bạn bè quốc tế tin tưởng, tín nhiệm hơn.

TẬN DỤNG KINH NGHIỆM,

PHÁT HUY SỞ TRƯỜNG

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Việt Nam và Hội đồng Bảo an - Phía trước vẫn còn cả chặng đường dài

Theo Đại sứ, đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ lần này có những thuận lợi và khó khăn khác với giai đoạn trước như thế nào?

Thuận lợi và khó khăn giai đoạn nào cũng có. Lần này, quan trọng nhất là quyết tâm và cam kết chính trị của Nhà nước và nhân dân rất cao đối với LHQ và các cơ chế đa phương, đặc biệt là trong sự nghiệp duy trì và bảo vệ hòa bình an ninh khu vực và thế giới. Những cam kết, ý chí và quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam đã được các thành viên LHQ ghi nhận và là cơ sở để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ hai, chúng ta đã trải qua giai đoạn tham gia nhiều cơ chế đa phương khác nhau về chính trị, kinh tế - thương mại, xã hội, cả vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, hay an ninh, luật pháp, giải trừ quân bị… qua đó chúng ta đã xây dựng được khung pháp lý, cam kết, có được bề dày kinh nghiệm, tạo thành sức mạnh tổng hợp, giúp phát huy được sở trường, đóng góp của Việt Nam.

Thứ ba là sự tin cậy và sự ủng hộ của cộng đồng thế giới ngày càng tăng, thể hiện qua việc 192/193 nước thành viên LHQ đã bỏ phiếu ủng hộ ta trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA. Số phiếu ủng hộ cao “chưa từng có” này thể hiện niềm tin, trước hết với vị thế Việt Nam nhưng điều quan trọng là người ta đã thấy chúng ta có nhiều đóng góp thiết thực trong nhiệm kỳ 2008-2009.

Hơn thế nữa, Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ kép trong năm 2020, tạo ấn tượng Việt Nam có thể gánh vác được các nhiệm vụ trong HĐBA.

Thứ tư, chúng ta có một đội ngũ nhân sự - cán bộ làm ngoại giao đa phương dày dặn, từng trải. Có những cán bộ ngoại giao từng có nhiệm kỳ công tác ở LHQ trong giai đoạn 2008-2009 và hiện đang làm việc tại Phái đoàn giúp cho các công việc được thuận lợi hơn.

Thứ năm là sự hợp tác kết nối, liên kết chặt chẽ giữa chỉ đạo của lãnh đạo từ Thủ đô của Bộ Ngoại giao và Phái đoàn tại LHQ. Đương nhiên chúng ta có những đề án chặt chẽ ngay từ đầu trên từng vấn đề, nhưng trong quá trình hoạt động vẫn xảy ra nhiều sự kiện, nhiều vấn đề phát sinh, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh, năng lực và sự phối hợp rất chặt chẽ để hóa giải.

Thuận lợi khá nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Đó là Việt Nam thực hiện vai trò chỉ đạo, dẫn dắt tại HĐBA trong bối cảnh tình hình thế giới biến chuyển rất phức tạp, khó lường, tại các khu vực đều đầy rẫy những thách thức truyền thống và phi truyền thống. Bên cạnh đó là những tác động từ đại dịch Covid-19 mà không một tổ chức quốc tế nào có thể hình dung nổi các tác hại của nó.

Chưa kể là quan hệ giữa các nước lớn Mỹ-Trung, Mỹ-Nga, EU-Trung Quốc... ngày càng căng thẳng. Các nước lớn trừng phạt, mâu thuẫn, ăn miếng trả miếng nhau triền miên, làm cả thế giới rối tung. Hóa giải mâu thuẫn, xung đột là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

Tuy vậy, thời gian qua, Việt Nam vẫn tiếp tục tham gia tích cực, chủ động vào tất cả các đề mục hoạt động của HĐBA, không né tránh các vấn đề, kể cả vấn đề nhạy cảm, và đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất rất ý nghĩa và thiết thực.

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Việt Nam và Hội đồng Bảo an - Phía trước vẫn còn cả chặng đường dài

Đại sứ nhận xét như thế nào về các chủ đề Việt Nam đề xuất cho các Phiên thảo luận trong tháng Chủ tịch HĐBA hồi tháng 4/2021?

Trong tháng Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã đề xuất và chủ trì ba phiên họp điểm nhấn cấp cao do về các chủ đề: “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”, “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” và “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang”.

Đó là những chủ đề hết sức thiết thực, được các nước ủng hộ rất mạnh. Tôi đặc biệt ấn tượng với phiên thảo luận về tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong giải quyết xung đột. Phiên thảo luận này là sự tiếp nối thành công của tháng Chủ tịch HĐBA đầu tiên của Việt Nam (tháng 1/2020), khi ta đã đề xuất thảo luận tăng cường hợp tác giữa LHQ và ASEAN.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn như đã nói ở trên, theo Đại sứ, nguyên nhân nào giúp Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong các hoạt động tại HĐBA và các đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ lớn như vậy?

Chúng ta đã có chủ trương chuyển từ chủ động, tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương sang tham gia vào quá trình hình thành luật chơi, xây dựng quy định luật lệ, nhất là trong HĐBA.

Đây là một quá trình rất phức tạp, phải cùng với các nước dẫn dắt, đi đầu, đưa các hoạt động của HĐBA theo hướng đúng, phù hợp và công bằng.

Trong quá trình đó, các nước đã thấy được lợi ích của mình, thấy rõ Việt Nam đã cân bằng được các mối quan hệ, nỗ lực hóa giải các mâu thuẫn; qua đó, họ đã tin cậy và ủng hộ Việt Nam nhiều hơn.

Vai trò dẫn dắt, đi đầu của Việt Nam cũng có sức thuyết phục nhiều hơn khi thời gian qua, ngoại giao Việt Nam đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa, với các bước đi đầy đủ, toàn diện, cân bằng tại các cơ chế đa phương, không chỉ trong hệ thống LHQ, các tổ chức khu vực mà còn có các cơ chế mang tính chất lập pháp như IPU, AIPA…

Như chúng ta đã chứng kiến, những đóng góp của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá tích cực.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam từng nói rằng, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2008-2009, Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng trong HĐBA, đặc biệt là trong việc ủng hộ Nghị quyết mang tính lịch sử của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh. LHQ luôn nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia không những ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đa phương, mà còn tuân thủ rất nghiêm túc tất cả luật lệ cũng như các quy tắc của mối quan hệ này.

Trong khi đó, ông Marc Pecsteen de Buytswerve, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ tại Liên hợp quốc (Bỉ là Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 2/2020) đánh giá, Việt Nam đã làm rất tốt và đã thực sự tạo được dấu ấn trên cương vị Chủ tịch HĐBA.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc Việt Nam tiếp tục được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi Việt Nam đã cho thấy vai trò ngày càng tăng của mình trên mặt trận thương mại, ngoại giao quốc tế cũng như an ninh khu vực ở Đông Nam Á…

Bên cạnh đó, các đề xuất nội dung thảo luận trong tháng Chủ tịch HĐBA, từ giải quyết hậu quả bom mìn, xây dựng lòng tin để ngăn ngừa xung đột hay bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của người dân… đều được bạn bè, các thành viên HĐBA ủng hộ, hưởng ứng đông đảo.

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Việt Nam và HĐBA - Phía trước vẫn còn cả chặng đường dài

MỌI THỨ VẪN CÒN NGUYÊN!

Theo Đại sứ, chúng ta cần làm gì để tận dụng tốt cơ hội từ những thành công của ngoại giao đa phương Việt Nam trong thời gian tới?

Thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã thể hiện được năng lực “biến nguy thành cơ”. Hoàn cảnh hạn chế đi lại thì nghĩ ra cách tận dụng hiệu quả công nghệ 4.0 để họp trực tuyến. Chúng ta đã có sự thay đổi tư duy rất mạnh mẽ và một sự xoay chuyển để vượt qua thách thức. Chúng ta đã có thực tiễn, kinh nghiệm, thì chúng ta cũng cần một đội ngũ nhân sự phải hoàn hảo hơn, chuyên nghiệp hơn, năng lực hơn, đông đảo hơn để cùng nhau đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn.

Tôi từng tham gia đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO. Năm 2007, khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, tôi đã nói rằng: Việt Nam hiện có 149 thị trường. Nhưng chúng ta đã loay hoay khi thực hiện cam kết, không làm chủ được sức cạnh tranh, có lúc như “thua trên sân nhà”.

Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác, với EU, với Anh, với các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Hiện có rất nhiều dư địa để vươn lên. Nhưng vấn đề là làm sao để doanh nghiệp Việt đủ sức xây dựng thương hiệu, đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới.

Thách thức rất lớn và chúng ta còn cả chặng đường rất dài ở phía trước phải tiếp tục bước đi.

Đại sứ từng kể về phút thứ 89 khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, hay lúc đi lạc đường tại Mỹ được… những người theo dõi dẫn về! Ông có thể chia sẻ thêm về những thời khắc đáng nhớ trong hoạt động tại “đấu trường” ngoại giao đa phương LHQ?

Những kỷ niệm đó hầu như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Tôi nhớ mãi bất ngờ ngày 30/10/1997. Hôm đó Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu để Việt Nam gia nhập ECOSOC. Lúc vận động cũng nhiều nước đồng ý ủng hộ ta, nhưng không ai nghĩ lại “trúng” nhanh như vậy. Cảm xúc như vỡ òa. Bạn bè quốc tế còn “phá luật” không được bắt tay trong phiên họp ào ra ôm, chúc mừng đoàn ta.

Để thực hiện công tác vận động cho Việt Nam vào các cơ quan của LHQ, tôi đã phải “vận hết công lực”. Trong trường hợp cần thiết tôi có thể nói chuyện tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga với các đoàn nói các ngôn ngữ này. Việc nói được ngôn ngữ của bạn khiến cho họ có cảm tình hơn, việc vận động cũng dễ dàng hơn.

Hay có nhiều khi xảy ra tình huống khẩn cấp phát sinh, không kịp xin ý kiến Nhà. Chúng tôi, dù là Đại sứ, hay các cán bộ phụ trách, đều phải nhanh chóng xử lý tại chỗ, và phải tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Lúc đó, điều thôi thúc và làm chỗ dựa cho chúng tôi hoạt động chính là: Lợi ích dân tộc.

Như tôi đã có lần chia sẻ, trước đây, Phái đoàn chúng ta tại LHQ được gọi là phái đoàn một vấn đề (One Issue Mission) do cả hơn thập niên chúng ta hầu như chỉ tập trung giải quyết vấn đề Campuchia. Còn các vấn đề khác tại LHQ ta thường hành xử dựa vào tham khảo quan điểm Liên Xô và các nước bạn bè, như chúng tôi hay nói đùa là trước khi bỏ phiếu phải nhìn bảng xem họ bấm nút xanh (đồng ý), nút vàng (phiếu trắng) hay nút đỏ (chống). Hầu hết các phái đoàn nhỏ, ít người tại LHQ đều làm như vậy.

Lúc đó, chúng tôi đã đưa ra phương châm hành động là mỗi người trong phái đoàn đều phải cố gắng thực hiện cho được đề án hoạt động mà thông thường đã được lãnh đạo thông qua trước. Đối với những vấn đề nảy sinh mới không kịp xin ý kiến Đại sứ thì cần chủ động cân nhắc, nếu thấy có lợi cho nước, cho dân cứ linh hoạt mềm dẻo tham gia, cố gắng tránh để lỡ mất cơ hội”...

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Việt Nam và HĐBA - Phía trước vẫn còn cả chặng đường dài

Thực hiện bài viết: Nguyễn Kim

Đồ họa: Lim Dim

Ảnh: NVCC, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Nguyễn Hồng, Tuấn Anh

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.