Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long trả lời phỏng vấn báo chí tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20. (Ảnh: Quang Hòa) |
Anh là nước đang chú trọng kinh tế xanh, vậy trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp cần lưu ý những gì, thưa Đại sứ?
Nước Anh đang là một cường quốc phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo và cung cấp rất lớn nguồn tài chính xanh. Trong phát triển xanh có 2 yếu tố: năng lượng tái tạo và tài chính xanh. Vì thế, Anh chắc chắn là đối tác hợp tác rất quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới nếu Việt Nam thật sự đẩy mạnh và đột phá trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Nhiều nước phát triển, trong đó có Anh sắp tới đang dần loại bỏ các sản phẩm sử dụng năng lượng không sạch như ô tô chạy xăng, dầu, hay một loạt sản phẩm sử dụng năng lượng than; các nhà máy điện than cũng đang dần bị loại bỏ. Có một số ý kiến cho rằng, vào một thời điểm nào đó, có thể cũng rất gần, những sản phẩm sản xuất không đạt tiêu chuẩn xanh có thể sẽ bị đánh thuế rất cao tại Anh. Họ không cấm nhưng họ đánh thuế cao thì các nước khó có thể xuất khẩu vào thị trường Anh.
Vì vậy, đây là một nhận định cần được xem xét rất cẩn thận, để trên cơ sở đó, nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam ra các hoạch định để đi theo xu hướng và dòng chảy của thế giới.
Về xuất khẩu, có những nguyên tắc nào theo Đại sứ là quan trọng khi doanh nghiệp Việt Nam muốn xâm nhập thị trường Anh?
Muốn tăng cường hợp tác, đặc biệt xuất khẩu sang Anh, điều quan trọng nhất là chất lượng, vì đây là thị trường rất khó tính. Việc Anh mở cửa thị trường với chúng ta chỉ là điều kiện cần, còn để trở thành điều kiện đủ, chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu của họ.
Tôi nghĩ rằng đây không phải là vấn đề lớn, vì doanh nghiệp của chúng ta hiện có đủ năng lực, trình độ, chất lượng. Vậy chúng ta còn thiếu gì? Theo tôi, đó là sự chuẩn bị bài bản để đi vào thị trường như Anh. Điều này Đại sứ quán có thể hỗ trợ được, vì chúng tôi có các chuyên gia ở bản địa có thể trợ giúp và tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Khi bước vào một thị trường mới, điều đầu tiên cần làm là phải tới nghiên cứu học tập. Đại sứ quán có thể giúp các doanh nghiệp bằng việc kết nối với các hội chợ, triển lãm, các chương trình quảng bá sản phẩm, qua đó kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Anh.
Lĩnh vực tiềm năng nhất ở thị trường Anh là nông nghiệp. Nếu như trước đây Việt Nam cũng xuất khẩu các sản phẩm đó nhưng giá trị rất thấp, thì nay phải đi vào phân khúc có giá trị gia tăng cao. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, Đại sứ quán cũng đang đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như trái cây và thủy sản. Anh là thị trường có tiềm năng khá lớn đối với các mặt hàng này.
Nếu được chọn một slogan để thúc đẩy ngoại giao phục vụ phát triển, đó sẽ là gì, thưa Đại sứ?
Tôi rất ủng hộ những sáng kiến trong lĩnh vực ngoại giao phục vụ phát triển, đặc biệt chúng ta nên quy tụ nhiều đối tác hợp tác với Việt Nam. Có những đối tác coi trọng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế xanh, có những đối tác coi trọng hợp tác sáng tạo hay cơ sở hạ tầng... Vì vậy, tùy vào từng địa bàn cụ thể chúng ta có thể chọn cho mình một hướng đi, một slogan phù hợp.
Anh là một đối tác kinh tế rất quan trọng của Việt Nam, một nước phát triển, hiện đại, đang theo hướng xanh, số, tăng trưởng bền vững. Bản thân tôi không muốn đưa ra một "slogan" cụ thể nào để gói gọn mình lại. Tôi mong muốn phát triển toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh và định hướng của Đại sứ quán là tăng cường, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh phát triển toàn diện, bền vững. Đi tới đâu tôi cũng gửi tới một thông điệp như vậy, vừa phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế số, kinh tế xanh...
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long chia sẻ tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp với chủ đề: “Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm - Giải pháp và hành động” ngày 10/12. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thưa Đại sứ, nguồn lực doanh nhân, trí thức kiều bào tại Anh hiện tại như thế nào?
Cộng đồng người Việt Nam ở Vương quốc Anh khá đông đảo, khoảng 80-100.000 người, rất đa dạng, phong phú, nhiều thành phần. Trong cộng đồng có lực lượng rất quan trọng là trí thức, những người đã học tập, nghiên cứu và bây giờ làm việc, giảng dạy, làm phó giáo sư, giáo sư và nghiên cứu viên tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu ở vương quốc Anh.
Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng, có tiềm năng đóng góp rất lớn cho quê hương, đặc biệt là khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, tái cơ cấu kinh tế, phát triển theo hướng bền vững, đề cao vai trò của khoa học công nghệ, đi theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.
Nhận thức được tầm quan trọng này, Đại sứ quán nhiều năm luôn giữ hợp tác chặt chẽ với một số kiều bào khá nổi tiếng, nhưng tầm 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã thành lập Hội trí thức Việt Nam tại Anh với mong muốn Hội sẽ có sự đóng góp có tính hệ thống, được tổ chức chặt chẽ, có phân vai, kết nối, đặt hàng cụ thể.
Hội trí thức Việt Nam tại Anh mới được thành lập nhưng hoạt động rất tích cực và hiệu quả, họp rất thường xuyên với các hình thức họp hội, họp ban chấp hành, họp tổ nhóm công tác liên quan tới lĩnh vực được đặt hàng.
Lực lượng này có khát khao trở về quê hương cống hiến hay không, thưa Đại sứ?
Có một đặc điểm hơi khác so với các nhóm trí thức ở các nước khác. Nhóm trí thức Việt Nam tại Anh là người trẻ nên việc về quê hương có lẽ hơi khó khăn. Khi đang trẻ, công việc và cuộc sống hàng ngày rất bận rộn nên để tìm được thời gian đóng góp cho Việt Nam đã là rất đáng quý.
Đây là nỗ lực đáng trân trọng. Họ rất khát khao cống hiến cho Tổ quốc. Rất nhiều người trong số họ gắn kết chặt chẽ với Việt Nam, dù thời gian ở Việt Nam chưa phải nhiều.
Tiềm năng hợp tác giữa kiều bào với trong nước còn rất lớn. Qua Hội nghị này, cũng là dịp để chúng tôi kết nối giữa kiều bào với các doanh nghiệp trong nước, địa phương. Nếu thấy những nhu cầu phù hợp, chúng tôi sẽ kết nối để Hội trí thức Việt Nam ở Anh và các thành viên chủ chốt trong hội có thể kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong nước.
Thưa Đại sứ, hiện tại tình hình dịch bệnh ở Anh ra sao? Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng các chuyến bay thương mại trong bối cảnh dịch bệnh?
Trung bình hàng ngày, số ca nhiễm ở Anh còn tương đối nhiều. Nhưng họ đã mở cửa và chọn chính sách sống chung với dịch bệnh. Hết tháng 12, Anh sẽ tiêm hết mũi vaccine tăng cường cho người lớn. Với Anh, tiêm chủng chính là lời giải cho đại dịch.
Điều nước Anh lo ngại nhất hiện nay chính là việc vaccine không phòng ngừa được sự lây lan của biến chủng mới. Cho nên, hiện tại Anh đang theo dõi sát sao mức độ lây lan và khả năng tàn phá của biến chủng mới. Họ sẽ có đánh giá trong 2 tuần tới. Trong 2 tuần tới, họ khá thận trọng, người dân cũng thận trọng hơn. Nhưng về cơ bản là hoạt động xã hội đã quay trở lại.
Khi hoạt động xã hội quay trở lại thì việc đầu tiên với người dân Anh là đi nước ngoài, đi du lịch, tới các thị trường du lịch truyền thống của họ như là Mỹ, châu Âu, Australia. Điều này cũng rất có lợi đối với thị trường du lịch tiềm năng như Việt Nam.
Đối với cộng đồng người Việt muốn về quê ăn Tết, nếu chủ trương của Chính phủ ta là cho nối lại đường bay thương mại, tất nhiên là vẫn phải tuân thủ các quy định để bảo đảm phòng, chống dịch, thì chắc chắn kiều bào ta rất hưởng ứng. Phía Anh cũng rất ủng hộ việc nối lại đường bay thương mại, sân bay luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất.
Xin cảm ơn Đại sứ!
| Hướng tới kỷ nguyên mới trong quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan khẳng định, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hàn ... |
| Chủ tịch Quốc hội thăm Ấn Độ: Xung lực mới cho quan hệ 'trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây' Theo Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ... |