TIN LIÊN QUAN | |
{Trực tuyến} Tọa đàm về Nâng tầm Ngoại giao đa phương Việt Nam | |
Thúc đẩy kinh tế nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng |
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trao đổi với đại biểu bên lề Hội thảo Cao cấp về "Thúc đẩy thương mại – đầu tư nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” tổ chức ngày 10/1/2020, tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thưa Đại sứ, là Cố vấn cao cấp của Ban thư ký quốc gia về ASEAN 2020, Đại sứ đánh giá như thế nào về thời cơ và thách thức của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020?
Khi đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, có thể nói Việt Nam đứng trước cả thời cơ lẫn thách thức mới, hoàn toàn khác trước. Về thời cơ, năm 2020 gắn với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của thế giới, khu vực và đất nước. Với thế giới, đó là 75 năm thành lập Liên hợp quốc – cơ chế đa phương có tầm quan trọng hàng đầu, 5 năm thực hiện các cam kết có ý nghĩa toàn cầu như Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (SDG), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP21)...
Với ASEAN, 2020 là thời điểm quan trọng khi Hiệp hội trải qua chặng đường 5 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và hướng tới 5 năm tiếp theo để hoàn tất Tầm nhìn này.
Với Việt Nam, đó là 90 năm thành lập Đảng, 75 năm nước Việt Nam độc lập, 45 năm thống nhất đất nước, 25 năm tham gia ASEAN.... Lần đầu tiên trong lịch sử đối ngoại Việt Nam, chúng ta đảm nhận trọng trách kép Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Do đó, kỳ vọng vào vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên, 2020 – năm đầu của thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI – cho thấy đây là một trong những thời điểm khó lường nhất của thời kỳ giao thời, chuyển đổi trong cục diện quốc tế, với nhiều biến cố, thách thức chưa từng có. Tất cả quốc gia và cả nhân loại căng mình chống chọi nhiều thách thức mới, không phụ thuộc vào con người mà gây ra bởi thiên nhiên, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng, hạn hán….
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đang thực sự tạo ra “cơn địa chấn toàn cầu” với những hệ lụy, đảo lộn sâu rộng, toàn diện mọi mặt chưa từng có tiền lệ và khó đoán định. Trong khi đó, kinh tế thế giới tiếp tục chuyển đổi sang kinh tế số, mọi mặt của cuộc sống và xã hội cũng theo đó đang thay đổi mạnh mẽ. Đây cũng là lúc hợp tác quốc tế, đa phương đối mặt với nhiều vấn đề mới; nhiều mối quan hệ quốc tế đang sắp xếp lại; các nước đẩy mạnh điều chỉnh chính sách đối nội, đối ngoại, các nước lớn triển khai mạnh chiến lược, thúc đẩy lợi ích, ảnh hưởng ở nhiều khu vực và trên toàn cầu….
Vì vậy, với Việt Nam cũng như với bất cứ quốc gia nào khác, không một trọng trách quốc tế nào thuần túy chỉ có thời cơ. Thực tiễn khi chúng ta đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008–2009, nước chủ nhà Năm APEC 2017, tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2/2019… cho thấy rõ điều đó.
Bài học kinh nghiệm là, thử thách càng nhiều thì Việt Nam càng nỗ lực, thể hiện vai trò, năng lực dẫn dắt và khởi xướng để thúc đẩy hợp tác chung, quan tâm chung. Việt Nam luôn khẳng định được bản lĩnh, sáng tạo và sự khôn khéo trên các cương vị quốc tế khác nhau.
Cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo Yong-Boo từng đưa ra ý kiến rằng chính sự “mềm mại” của ASEAN lại khiến ASEAN đóng vai trò trung tâm. Đại sứ nhận định như thế nào về quan điểm này và sự “mềm mại” đó đối với Việt Nam trong năm 2020 sẽ cần phải phát huy ra sao?
“Sự mềm mại” là một nét đặc trưng “rất ASEAN”. Sự mềm mại đó mang âm hưởng triết lý phương Đông và cũng rất phù hợp với phương châm hành động của ngoại giao Việt Nam “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Hồ Chủ tịch đã từng dạy.
Là tập hợp của các nước vừa và nhỏ ở Đông Nam Á nơi có tầm quan trọng địa chiến lược và địa kinh tế với nhiều nước lớn, chính sự mềm dẻo, linh hoạt đã giúp ASEAN chèo lái thành công giữa những thăng trầm trong hơn nửa thế kỷ qua, ngày càng tự cường, gắn kết và khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực.
Trước những biến động, bất trắc hiện nay, ASEAN càng cần phát huy sự mềm dẻo, linh hoạt và Việt Nam có đủ khả năng cũng như năng lực làm điều đó. Có như vậy thì ASEAN mới có thể vừa củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm, đồng thời vừa nâng cao khả năng linh hoạt, sáng tạo và năng lực thích ứng. Trong thế giới toàn cầu hóa, trước các thách thức ngày càng gay gắt, mang tầm toàn cầu, các quốc gia càng có nhu cầu hợp tác, hội tụ lại để ứng phó. Các sáng kiến, đề xuất linh hoạt, mềm dẻo đang giúp ASEAN gia tăng tiếng nói trong việc ứng phó với các thách thức đang nổi lên, phát huy khả năng điều hòa khác biệt, quy tụ các nước, kể cả nước lớn, các trung tâm lớn trên thế giới, thúc đẩy hợp tác chung… Thế giới đang chuyển động và ASEAN cần phải chuyển động nhanh hơn thì mới vươn lên để có vai trò hơn trong cấu trúc mới đang định hình.
“Cùng nhau đón bình minh rực rỡ từ phương Đông, vầng hào quang lung linh tình đoàn kết hữu nghị, ASEAN là ngôi nhà ước mơ của phồn vinh, cùng chung một mơ ước... ASEAN con thuyền huyền thoại”, Đại sứ cảm nhận như thế nào về ý nghĩa của “con thuyền huyền thoại” ASEAN trong lời bài hát đó, 50 năm tiếp theo, “con thuyền” ấy sẽ cần thêm những “chất” gì để tiến xa hơn, vượt qua mọi “giông bão” ?
Đó là những ca từ rất ý nghĩa, phản ánh đúng chặng đường của ASEAN. Hơn 50 năm trước, Đông Nam Á là một trong những điểm nóng trên thế giới, bị chia cắt và đối đầu, xung đột và kém phát triển; hòa bình và phát triển chỉ là ước vọng xa vời. Ngày nay, khu vực này đã trở thành một trong những mô hình thành công về xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định, tự cường, gắn kết và phát triển năng động, ASEAN vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới và đang đi đầu.... Đây thực sự là một huyền thoại.
Thời gian tới là thời kỳ phát triển mới của thế giới với những chuyển biến hết sức sâu sắc, nhiều cơ hội to lớn và cả những biến động, bất trắc khó lường. Để đi xa, trước hết, ASEAN cần chủ động chuyển đổi nhanh chóng, gắn với những dòng chảy chính của quá trình chuyển đổi số, phát triển bền vững và liên kết sâu rộng. Thứ hai, ASEAN cần khẳng định được bản sắc chung và vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực. Thứ ba, ASEAN cần vươn lên đóng vai trò nòng cốt, thực chất trong quá trình định hình các cấu trúc mới, luật chơi mới ở tầm châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới cũng như trong xử lý các vấn đề toàn cầu… Điều này đòi hỏi sự đồng lòng cao độ của tất cả các nước thành viên cùng sự tham gia thực sự của người dân ASEAN.
Là Chủ tịch danh dự của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH), đồng hành và tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều hoạt động vì phụ nữ, bình đẳng giới và phát triển xã hội trong ASEAN, Đại sứ có những dự định gì mới trong lĩnh vực này năm 2020?
Với phụ nữ chúng tôi, 2020 là một năm đặc biệt và đầy khích lệ, đánh dấu chặng đường 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới, 20 năm Liên hợp quốc ban hành nghị quyết đầu tiên về phụ nữ, hòa bình và an ninh, 90 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam… Và đây cũng là dịp kỷ niệm năm thứ 5 thành lập Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (từ tháng 8/2015).
Vì vậy và với việc Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, trọng tâm hoạt động của Nhóm chúng tôi năm nay là phối hợp với các cơ quan liên quan mở rộng quy mô và triển khai thêm các hoạt động giao lưu, gắn kết, nhất là vào dịp các hội nghị Cấp cao và cấp Bộ trưởng, để góp phần tăng cường đoàn kết ASEAN và đưa bản sắc văn hóa, hình ảnh của Cộng đồng ASEAN đến với cộng đồng quốc tế và người dân Việt Nam chúng ta, đồng thời đóng góp vào việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở khu vực.
Đây là điều có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết con người, lấy con người làm trung tâm, và chị em phụ nữ với tư cách là người mẹ, người chị có thế mạnh để đóng góp.
Các thành viên Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) trong cuộc gặp mặt đầu Xuân 2020, ngày 14/2. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo đó, chúng tôi coi trọng việc đẩy mạnh các hoạt động thiết thực như tổ chức Ngày Gia đình ASEAN, mở rộng mạng lưới đối tác, giao lưu văn hóa, ẩm thực, các chuyến đi thực tế thăm, làm việc tại nhiều tỉnh thành…, qua đó tăng cường gắn kết giữa phụ nữ, người dân Việt Nam với phụ nữ, người dân, nhất là thanh niên, của các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với bè bạn quốc tế. Chúng tôi cũng dự kiến đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ trẻ em, phụ nữ thiệt thòi ở các vùng miền, vùng sâu, vùng xa của đất nước, nhất là trước những biến động, khó khăn như hiện nay.
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục phát huy sự sáng tạo, tâm huyết của chị em thành viên của Nhóm là phu nhân ngoại giao, phu nhân Đại sứ, cán bộ nữ ngoại giao…, có thêm các hoạt động phong phú để chia sẻ kinh nghiệm phấn đấu, thực hiện bình đẳng giới và hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động cộng đồng, phát triển xã hội trong thời kỳ phát triển mới.
Xin cảm ơn Đại sứ!
| Phó Chủ tịch nước hoan nghênh những sáng kiến của Nhóm AWCH TGVN. Trong cuộc gặp với Nhóm AWCH, Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh hoan nghênh những sáng kiến như việc tổ chức Ngày Gia đình ... |
| Nhóm AWCH chào Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai TGVN. Chiều ngày 3/3, Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) do Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Chủ tịch danh dự của Nhóm dẫn đầu, đã ... |
| Tăng cường gắn kết, nâng cao quyền năng nữ cán bộ đối ngoại trong kỷ nguyên số TGVN. Diễn đàn Việt Nam – Australia về "Nâng cao vai trò và đóng góp của cán bộ nữ trong lĩnh vực đối ngoại" là ... |