Back to E-magazine
e magazine
15:05 | 25/08/2021
Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng bất tận, là tấm gương sáng mãi

15:05 | 25/08/2021

Theo Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thần tượng, một huyền thoại của dân tộc Việt Nam nói riêng và của những dân tộc đấu tranh giành độc lập dân tộc nói chung.
Đại sứ Palestine: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng bất tận, là tấm gương sáng mãi

Trong những ngày tháng Tám nắng Thu vàng gợi nhớ đến những ký ức hào hùng của dân tộc, tôi đã viết thư liên hệ để xin phỏng vấn Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021).

Điều may mắn và bất ngờ là tôi gần như được Đại sứ Palestine đồng ý trả lời phỏng vấn ngay lập tức.

Khi đặt chân đến Đại sứ quán Palestine và trò chuyện với Đại sứ Saadi Salama, tôi mới hiểu lý do vì sao thư xin phỏng vấn của mình lại được trả lời nhanh đến vậy.

Đơn giản là vì Đại sứ Saadi Salama, người con Palestine nhưng mang tâm hồn và coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai, có một tình cảm ngưỡng mộ vô cùng đặc biệt và luôn trăn trở trong lòng phải làm một điều gì đó để tri ân vị anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp.

Mở cửa bước vào Đại sứ quán, ấn tượng đầu tiên của tôi là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp cùng Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat, được đặt trang trọng và ở vị trí trung tâm trên tường.

Kế bên đó là một bức ảnh nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần ý nghĩa của Đại sứ Saadi Salama và vị Tướng người Việt - thần tượng của ông.

Chia sẻ với tôi bằng giọng tiếng Việt trầm ấm và mạch lạc đến nỗi bất kỳ người Việt nào lần đầu nghe được đều ngỡ ngàng vì không tin được giọng nói này lại phát ra từ một người nước ngoài, Đại sứ Saadi Salama kể cho tôi những cảm nhận của ông về vị Tướng vĩ đại của Việt Nam.

Đại sứ Palestine: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng bất tận, là tấm gương sáng mãi

Theo Đại sứ Saadi Salama, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng sự bí ẩn về dải đất hình chữ S “nhỏ nhưng có võ” là những yếu tố khiến ông quyết định sang Việt Nam, nơi có nền văn hóa khác biệt với Palestine, học tập vào năm 1980.

Là một trong hai cái tên quan trọng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cái tên Võ Nguyên Giáp gắn liền với những thắng lợi mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cái tên này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với chàng thanh niên Saadi Salama khi ấy.

Theo ông Saadi Salama, những thắng lợi vẻ vang của Việt Nam trong lịch sử dân tộc hiện đại, những cống hiến vĩ đại của những người con Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã khiến cho nhân dân Palestine đang đấu tranh vì độc lập dân tộc đặc biệt quan tâm.

Đại sứ Saadi Salama nhấn mạnh: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thần tượng, một huyền thoại của dân tộc Việt Nam nói riêng và của những dân tộc đấu tranh giành độc lập dân tộc nói chung”.

Tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với địa danh Điện Biên Phủ. Đó cũng là một trận đánh mà Việt Nam đã chiến thắng lẫy lừng trước thực dân Pháp, trở thành một bài học kinh nghiệm lớn về “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, thể hiện sức mạnh lớn lao mà một dân tộc nhỏ bé có thể làm được.

Theo Đại sứ Palestine, sự thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã khiến cho cả thế giới tin chắc rằng cuộc đấu tranh chính nghĩa trước giặc ngoại xâm của bất kỳ dân tộc nào nhất định sẽ chiến thắng.

Tất nhiên, chiến thắng này sẽ không hề dễ dàng mà cần ba yếu tố cơ bản. Một là, ban lãnh đạo chính trị xuất sắc để vạch ra con đường đấu tranh đúng đắn. Hai là, những nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc có thể tập hợp lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân. Ba là, tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu bằng cả tính mạng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Ông Saadi Salama đánh giá Việt Nam là một trong những tấm gương tiên phong trong quá trình đấu tranh giành độc lập, và bài học mà Việt Nam nói chung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng để lại cho nhân loại là một biểu tượng sáng ngời cho các dân tộc đã, đang và sẽ đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, vì một thế giới công bằng, phát triển, văn minh.

Ánh mắt sáng ngời nhìn về phía trước, Đại sứ Saadi Salama khẳng định: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những đóng góp của mình trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam sẽ mãi trường tồn và khắc sâu trong tâm trí những người có khát vọng hòa bình, độc lập và tự do”.

Đại sứ Palestine: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng bất tận, là tấm gương sáng mãi
Đại sứ Palestine: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng bất tận, là tấm gương sáng mãi
Phó Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1989.

Theo vị Đại sứ đến từ Trung Đông, người Palestine luôn biết ơn và tự hào trước tình cảm của dân tộc Việt Nam dành cho nhân dân Palestine nói chung, và sự ủng hộ quý báu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Palestine nói riêng.

Ông Saadi Salama chỉ ra rằng, những thành tựu, thắng lợi mà Việt Nam đã đạt được là nguồn cảm hứng, là động lực để nhân dân Palestine tin tưởng vào tinh thần đấu tranh của mình, vào chính nghĩa và hy vọng rằng cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của mình nhất định thắng lợi.

Trong khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn dành cho nhân dân Palestine một tình cảm đặc biệt. Tháng 6/1989, khi Chủ tịch Arafat sang thăm Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra tận sân bay để đón người anh em không cùng cha mẹ nhưng cùng một chí hướng yêu chuộng hòa bình.

Năm đó, ông Saadi Salama mới chuyển công tác từ Lào sang làm Phó Đại sứ Palestine tại Việt Nam và cũng may mắn được chọn phiên dịch cho hai vị anh hùng dân tộc này.

Chính vì những tình cảm trân quý đó, ông Saadi Salama cho biết cái tên Võ Nguyên Giáp được nhiều người dân Palestine đặt cho các con của mình, để tưởng nhớ đến một vị anh hùng đã để lại những trang lịch sử vẻ vang.

Không những thế, cái tên Võ Nguyên Giáp còn thường được người dân Palestine nhắc đến trong cuộc sống thường nhật như lời nhắc nhở “khắc cốt ghi tâm” nhằm nuôi dưỡng ý chí, khát khao độc lập dân tộc.

Bên cạnh đó, trong giáo trình chính thức của Bộ Giáo dục Palestine cho học sinh cấp ba cũng có phần các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Trong đó lấy Việt Nam làm chủ đề chính, lấy những trận đánh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bài học kinh nghiệm về chiến thuật quân sự.

Bởi vậy, bất kỳ học sinh Palestine tốt nghiệp cấp 3 nào cũng đều biết về Cách mạng Việt Nam, biết về những thắng lợi của Việt Nam và biết về những nhân vật quan trọng đã cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, bao gồm cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo Đại sứ Saadi Salama, người Palestine coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một thần tượng. Khi hỏi bất kỳ người dân Palestine nào về từ khóa “Việt Nam” thì họ đều trả lời rằng đó là tấm gương của tinh thần bất khuất, đấu tranh vì độc lập dân tộc, và là nơi sinh ra những vị anh hùng đã cống hiến cả cuộc đời mình, ghi chiến công hiển hách, đóng góp vào những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc.

“Có thể nói, Việt Nam truyền cảm hứng và có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần đấu tranh của người Palestine”, Đại sứ Saadi Salama kết luận.

Đại sứ Palestine: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng bất tận, là tấm gương sáng mãi
Đại sứ Palestine: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng bất tận, là tấm gương sáng mãi
Cuốn sách "Điện Biên Phủ – 5 điều kỳ diệu chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh" tiếng Arab do ông Saadi Salama dịch.

Là một người rất quan tâm đến các phong trào giải phóng dân tộc, đặc biệt khi đất nước Palestine cũng đang theo đuổi sự nghiệp này, cá nhân Đại sứ Saadi Salama và cả dân tộc Palestine luôn bị thu hút bởi cái tên “Võ Nguyên Giáp”.

Càng đọc, càng tìm hiểu về Đại tướng, ông Saadi Salama càng cảm phục, ngưỡng mộ và muốn biết thêm về chiến lược quân sự, về những đóng góp cao cả mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm cho dân tộc Việt Nam trên cương vị là tướng quân đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1944, một thời gian ngắn trước khi Cách mạng tháng Tám khởi nghĩa.

Đại sứ Palestine nhận định rằng lịch sử hiện đại của Việt Nam gắn liền rõ nét với những cống hiến của nhiều nhân vật quan trọng, nổi bật trong đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là một người Arab đầu tiên sang dải đất hình chữ S học và đọc thông viết thạo tiếng Việt, ông Saadi Salama đến với Việt Nam với một tình cảm đặc biệt và luôn trăn trở làm sao để góp một phần nhỏ bé giúp độc giả Arab có thể hiểu thêm về vị anh hùng Việt Nam.

Trong quá trình học tập và làm việc tại Việt Nam, ông Saadi Salama đã trải qua 3 quãng thời gian trên 3 cương vị khác nhau, từ du học sinh (1980-1984), đến Phó Đại sứ Palestine tại Việt Nam (1989-1992), rồi trở lại Việt Nam trên cương vị Đại sứ Palestine (từ 2010-nay).

Trở lại Việt Nam năm 2010, một trong những điều mà Đại sứ Saadi Salama mong mỏi là được gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếc rằng, nguyện vọng đó của ông Saadi Salama đã không thể trở thành hiện thực vì thời gian đó Đại tướng sức khỏe đã yếu phải nằm viện.

Tuy nhiên, Đại sứ Saadi Salama đã đến nhà và gặp gia đình Đại tướng để chuyển lời hỏi thăm sức khỏe, bày tỏ sự ngưỡng mộ, mến phục của ông đối với một nhân vật đã để lại cho nhân loại nhiều giá trị quan trọng.

Đại sứ Saadi Salama cũng hứa với gia đình Đại tướng rằng sẽ làm điều gì đó với mọi khả năng để thể hiện tình cảm của ông cũng như tri ân những cống hiến của Đại tướng cho nhân loại.

Nói là làm, Đại sứ Saadi Salama đã chọn ra tác phẩm "Điện Biên Phủ – 5 điều kỳ diệu chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh" và dịch sang tiếng Arab. Nội dung cuốn sách này đã được truyền thông Palestine đăng tải, ca ngợi và được nhiều độc giả Palestine đón nhận.

Thông qua việc dịch cuốn sách đó sang tiếng Arab, Đại sứ Saadi Salama muốn giới thiệu cho độc giả Arab về chiến dịch Điện Biên Phủ một cách ngắn gọn, dễ hiểu; đề cao vai trò của nhân dân đối với hành trình giải phóng dân tộc; và làm nổi bật chiến lược quân sự tài tình của Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống thực dân.

Có thể khẳng định rằng cuốn sách đã để lại trong tâm trí người đọc Palestine những dấu ấn đậm nét và quan trọng.

Đại sứ Saadi Salama bày tỏ tự hào khi là người đầu tiên dịch tác phẩm về đất nước Việt Nam sang tiếng Arab. Ông Saadi Salama cũng hy vọng trong tương lai miễn còn sức khỏe, còn minh mẫn, ông sẽ tiếp tục sự nghiệp đem văn hóa, lịch sử Việt Nam đến gần với các nước Arab hơn.

Bên cạnh một bản thảo về Việt Nam dịch sang tiếng Arab đang hoàn thiện chờ ngày ra mắt, Đại sứ Saadi Salama chia sẻ: “Bởi Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong tôi”.

Đại sứ Palestine: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng bất tận, là tấm gương sáng mãi

Tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được hình thành trong quá trình dân tộc Việt Nam đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Có thể thấy trong quá khứ, tinh thần yêu nước của người Việt bùng lên cháy bỏng bất cứ khi nào có kẻ thù xâm lược.

Cho đến nay, quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc đã hoàn thành, Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng đất nước thông qua chính sách đổi mới, và bước đầu đạt được nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, Đại sứ Saadi Salama nhận định rằng những tấm gương như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bài học lịch sử của Việt Nam không những bị mai một đi mà càng giá trị hơn trong thời bình.

Thông qua những tấm gương đó, các thế hệ sau này hiểu được rằng thế hệ cha anh đã hy sinh, cống hiến ra sao để giành được cuộc sống hòa bình, ấm no như hiện tại. Từ đó, lớp trẻ càng phải trân quý, biết ơn và phát huy tinh thần yêu nước bất diệt, đóng góp hết khả năng vào công cuộc dựng xây đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Đại sứ Palestine đánh giá hiện nay Việt Nam đang trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Bởi từng là một quốc gia đã trải qua chiến tranh, nên thông điệp hòa bình mà Việt Nam đem đến với thế giới rất quan trọng và có sức nặng.

Là một người đến Việt Nam từ cách đây 4 thập kỷ và đã lấy vợ người Việt, ông Saadi Salama nhận định rằng đời sống vật chất của người dân mảnh đất hình chữ S đã trải qua nhiều thời kỳ từ khó khăn, nghèo đói cho đến sung túc, ấm no, nhưng đời sống tinh thần của người Việt thì lúc nào cũng đủ đầy, hạnh phúc.

“Đơn giản bởi đối với người Việt, lòng tự hào, lòng yêu nước luôn ẩn sâu. Có lẽ, những câu chuyện, những tấm gương như Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là chìa khóa khơi dậy lòng yêu nước, phát huy tinh thần bất khuất, kiên cường trong quá trình xây dựng đất nước phồn vinh hiện nay”, Đại sứ Saadi Salama nhận định.

Từ một đất nước kém phát triển, đói nghèo, lạc hậu, và bị bao vây cấm vận sau chiến tranh, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Theo Đại sứ Saadi Salama, thành tựu này của Việt Nam có được nhờ rất nhiều yếu tố, nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất chính là con người Việt Nam.

Đại sứ Saadi Salama tin tưởng rằng những “hậu duệ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết kết hợp tinh thần yêu nước với trí tuệ, sẽ nỗ lực phấn đấu bền bỉ, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một đối tác quan trọng với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Đại sứ Palestine: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng bất tận, là tấm gương sáng mãi

Nội dung: Thu Trang

Thiết kế: Lim Dim

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.