📞

Đại sứ Phạm Sanh Châu: FDI từ Ấn Độ vào Việt Nam chưa có khoản 'ra tấm ra món’

Linh Chi 10:00 | 10/02/2021
TGVN. Cần cải thiện khả năng tiếp cận tới các nhà đầu tư Ấn Độ trong một số nhóm, lĩnh vực nhất định, tạo khâu đột phá hay cân nhắc thiết lập khu công nghiệp Việt Nam-Ấn Độ để thu hút các doanh nghiệp Ấn Độ vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm hoặc dệt may… là rất nhiều ý tưởng và dự định của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu.

Tính đến năm 2020, Ấn Độ xếp hạng 26 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang có FDI ở Việt Nam. Quốc gia này đang có 286 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư chưa đến 900 triệu USD, Đại sứ đánh giá thế nào về kết quả này?

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được nâng lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Tại thời điểm đó, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 724 triệu USD với 132 dự án còn hiệu lực, sau năm năm, số dự án đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đã tăng hơn hai lần.

Như vậy, có sự tăng trưởng cả về số dự án lẫn tổng số vốn đăng ký. Tuy nhiên, con số tuyệt đối về vốn đầu tư chưa được như mong muốn. Khi đặt vào thế so sánh với các mặt hợp tác khác như thương mại, chính trị, an ninh quốc phòng thì kết quả đầu tư thực sự còn rất khiêm tốn.

Trong năm qua, điểm sáng trong thu hút FDI Ấn Độ chính là việc tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới HCL công bố chính thức hoạt động tại Việt Nam và xác định mục tiêu xây dựng chi nhánh tại Việt Nam trở thành trung tâm lớn nhất của tập đoàn tại Đông Nam Á, lấy Việt Nam làm điểm tựa để vươn tới các thị trường lân cận. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu, tập đoàn HCL dự định đầu tư 650 triệu USD vào Việt Nam và đào tạo khoảng 10 nghìn lao động trình độ cao trong vòng năm năm tới.

Để có được kết quả này, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ấn Độ đã tiến hành trao đổi, vận động và hỗ trợ tập đoàn HCL trong gần hai năm; không chỉ thuyết phục các lãnh đạo các cấp của tập đoàn về sức hút thị trường Việt Nam mà còn là cầu nối hỗ trợ họ trong tìm hiểu thông tin và giải quyết các thủ tục cần thiết.

Kể từ năm 2019, ĐSQ đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư để tiếp cận các doanh nghiệp đầu đàn của Ấn Độ. Sau chương trình Tháng Việt Nam năm 2019 với chuỗi hoạt động quảng bá tại nhiều tiểu bang của Ấn Độ, ĐSQ nhận được rất nhiều sự quan tâm, câu hỏi cũng như đề nghị hỗ trợ từ các doanh nghiệp Ấn Độ. Song, tiến trình xúc tiến đầu tư đã bị ảnh hưởng nhiều bởi sự bùng phát của Covid-19.

Kể từ năm 2019, ĐSQ đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư để tiếp cận các doanh nghiệp đầu đàn của Ấn Độ. Sau chương trình Tháng Việt Nam năm 2019 với chuỗi hoạt động quảng bá tại nhiều tiểu bang của Ấn Độ, ĐSQ nhận được rất nhiều sự quan tâm, câu hỏi cũng như đề nghị hỗ trợ từ các doanh nghiệp Ấn Độ.

Vốn FDI từ Ấn Độ vào Việt Nam còn tương đối thấp, theo Đại sứ, nguyên nhân do đâu?

Tôi cho rằng, có nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, các nguyên nhân có tính cấu trúc và căn bản. Ấn Độ không phải là quốc gia phát triển với nhiều doanh nghiệp hàng đầu, có sức cạnh tranh lớn để dễ dàng đi ra thị trường quốc tế. Với nhiều nét văn hóa và tập quán kinh doanh đặc thù, bản thân doanh nghiệp Ấn Độ có thiên hướng tập trung hơn vào thị trường nội địa vốn đã tương đối rộng và còn nhiều dư địa để phát triển. Chính phủ Ấn Độ cũng không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, vì ưu tiên tạo việc làm cho dân số 1,3 tỷ người.

Thứ hai, trong giai đoạn trước, có lẽ nguyên nhân nằm một phần ở vấn đề tiếp cận thông tin và quảng bá sức hút đầu tư của Việt Nam. Dù có nhiều nỗ lực nhưng việc tiếp cận các hội nhóm doanh nghiệp tại Ấn Độ nhưng có vẻ ta vẫn chưa “gõ” đúng cửa hoặc chưa có chính sách đúng đắn. Tại thời điểm này, ta vẫn chưa tiếp cận được những doanh nghiệp thuộc top dẫn đầu của Ấn Độ có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài.

Thứ ba, doanh nghiệp Ấn Độ chưa chú ý đến Việt Nam. Xét từ góc độ địa lý, hai nước tương đối xa cách. Mãi đến 2019, giữa hai nước mới nối được đường bay thẳng nên mức độ tương tác tương đối hạn chế. Về hệ thống pháp lý và môi trường xã hội và văn hóa, hai nước cũng có nhiều điểm khác nhau. Đây là những rào cản thực tế mà doanh nghiệp bản thân họ cũng khó vượt qua.

Thứ tư, xét về yếu tố xã hội, so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia hay Singapore, Việt Nam, với cộng đồng Ấn kiều quy mô nhỏ, có ít sức hút hơn. Trong khi đó, văn hóa kinh doanh của Ấn Độ vẫn chịu ảnh hưởng nặng của những liên kết gia đình - cộng đồng.

Thứ năm, trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và địa phương Việt Nam chưa chú ý đến Ấn Độ một cách đúng mức. Có thời điểm, Tata muốn đầu tư xây dựng nhà máy thép quy mô lớn ở Việt Nam, nhưng Việt Nam lại ưu tiên đối tác khác. Việt Nam có lẽ tập trung hơn vào các công ty đa quốc gia đến từ các nước và vùng lãnh thổ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Anh, Đức hay Mỹ... Nhìn vào bảng xếp hạng các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, có thể thấy sự áp đảo của những quốc gia này.

Đại sứ Phạm Sanh Châu trao đổi với các doanh nghiệp Ấn Độ. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Vậy Việt Nam cần cải thiện những gì để đón nhận nhiều hơn nữa vốn FDI từ Ấn Độ, thưa Đại sứ?

Về chính trị, hai nước có quan hệ tốt, với việc Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, cũng như sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút FDI như nền chính trị ổn định, dân số trẻ và năng động, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-7%, cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, không phải các thông tin đó đều phổ biến ở Ấn Độ. Vì vậy, Việt Nam cần phải chú ý hơn để cung cấp và phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Ấn Độ về các lợi thế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chương trình xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hơn. Với các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam đã kí kết, đặc biệt là FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), các nhà đầu tư Ấn Độ có thêm nhiều cơ hội để đầu tư sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA của Việt Nam. Đây là những tiền đề Việt Nam đang có. Tuy nhiên, cần có các “cú hích” thông qua các ưu đãi cụ thể với các nhà đầu tư Ấn Độ, ví dụ như khu công nghiệp chuyên biệt, đất đai, cơ sở hạ tầng hoặc thuế.

Bên cạnh đó, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam thời gian qua khá rải rác, chưa có các khoản “ra tấm ra món”. Đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam tập trung vào một số nhóm lĩnh vực chính như dược phẩm, dệt may, công nghệ thông tin, thực phẩm chế biến và năng lượng. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn nhiều. Do đó, thời gian tới, cần cải thiện khả năng tiếp cận tới các nhà đầu tư Ấn Độ trong các nhóm lĩnh vực này, tạo khâu đột phá. Nên chăng, cân nhắc thiết lập khu công nghiệp Việt Nam - Ấn Độ để thu hút các doanh nghiệp Ấn Độ vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm hoặc dệt may.

Ngoài ra, cần có sự hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa kinh doanh của Ấn Độ để có thể làm việc và theo đuổi đến cùng các nhà đầu tư. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp đã hợp tác với các nhà đầu tư Ấn Độ, có thể thấy nhiều doanh nghiệp Việt bị “khớp” hoặc thiếu kiên nhẫn khi làm việc với các doanh nhân Ấn Độ.

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN. Với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19, Đại sứ đánh giá thế nào về hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ thời gian tới?

Quan hệ Thương mại là một trong 5 trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ, đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 2,06 lần từ 5,43 tỷ USD năm 2016 lên 11,23 tỷ năm 2019; xuất khẩu tăng 2,5 lần từ 2,69 tỷ USD năm 2016 lên 6,67 tỷ USD (2019). Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid 19 nhưng thương mại song phương kỳ vọng sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD trong năm nay.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thương mại Ấn Độ - Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD vào năm tài chính 2018-19, trong đó Ấn Độ xuất khẩu 6,5 tỷ USD và nhập khẩu 7,2 tỷ USD, thương mại năm 2019-20 có giảm chút ít xuống còn 12,4 tỷ USD.

Hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc bởi hai lý do chính.

Thứ nhất, với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, Lãnh đạo hai nước đều quyết tâm sớm đưa kim ngạch thương mại chạm ngưỡng 15 tỷ USD. Trên thực tế, đây là mục tiêu hai bên mong muốn đạt được trong năm 2020. Rất tiếc mục tiêu này chưa thể đạt được do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Thứ hai, người tiêu dùng Ấn Độ đang có sự thay đổi thái độ đối với hàng hóa Trung Quốc và mong muốn tìm nguồn cung thay thế. Việt Nam hiện đang nổi lên như một lựa chọn được ưa chuộng do không chỉ năng lực sản xuất mà còn cả quan hệ truyền thống tốt đẹp, tin cậy.

Thời gian tới, thương mại song phương có nhiều khởi sắc nhưng chắc hẳn cũng sẽ vướng nhiều thách thức. Đại sứ đánh giá thế nào về những thách thức này?

Theo đánh giá của cá nhân tôi, thương mại Việt Nam - Ấn Độ có thể gặp phải những thách thức như sau:

Thứ nhất, Ấn Độ dành ưu tiên phát triển sản xuất trong nước trong chương trình “Ấn Độ tự cường”, áp đặt một số biện pháp hạn chế và phòng vệ thương mại khắt khe.

Thứ hai, lo ngại sự xâm nhập của hàng hóa Trung Quốc, Ấn Độ đang triển khai gắt gao kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm hạn chế các công ty Trung Quốc lợi dụng FTA giữa Ấn Độ với các đối tác để chuyển hàng đến Ấn Độ qua nước thứ ba.

Thứ ba, tiến độ mở cửa thị trường của hai bên còn chậm.

Thứ tư, việc Ấn Độ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng sẽ hạn chế cơ hội để thương mại phát triển.

Cần làm gì để khắc phục 4 thách thức kể trên, thưa Đại sứ?

Tôi nhận thấy, để phục hồi và duy trì đà tăng trưởng của kim ngạch thương mại, trong ngắn hạn, hai bên sẽ cần nỗ lực để xúc tiến qua nhiều kênh, đặc biệt là thúc đẩy đầu tư và mở cửa thị trường cho nhiều ngành hàng mới, đồng thời hạn chế việc áp dụng các biện pháp hạn chế và phòng vệ thương mại quá mức.

Trong trung hạn, việc rà soát lại Hiệp định Thương mại Hàng hóa giữa ASEAN - Ấn Độ là rất quan trọng để đảm bảo một khuôn khổ pháp lý cân bằng và hàng lang thông thoáng cho các hoạt động trao đổi hàng hóa.

(thực hiện)