📞
Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2021)

Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique: Nỗ lực biến điều không thể thành có thể

Hoàng Nam 08:00 | 02/09/2021
“Cũng không ai ngờ, công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ bà con ta về nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, dù khó khăn, nhưng lại suôn sẻ và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ như vậy…”.

Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Lê Huy Hoàng mở đầu câu chuyện với phóng viên TG&VN khi kể về công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán (ĐSQ) trong hơn một năm qua.

Đại sứ Lê Huy Hoàng và cán bộ ĐSQ gặp gỡ bà con người Việt trước chuyến bay về nước, ngày 16/5/2020.

Kỷ niệm đặc biệt vào ngày đặc biệt

Châu Phi nói chung và Mozambique nói riêng là khu vực xa xôi về địa lý, các chuyến bay thương mại đến và đi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vô cùng hạn chế.

Hơn nữa, bà con người Việt ở Mozambique số lượng không nhiều, lại sống rải rác ở nhiều địa phương, điều kiện rất khó khăn, nhất là về tài chính, nên việc tổ chức chuyến bay của hãng Hàng không Việt Nam tới Mozambique đón bà con về nước hầu như là không thể.

Trong tình hình đó, Đại sứ quán đã phối hợp với các Cơ quan Đại diện lân cận, nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ của các hãng hàng không sở tại, trong đó có hàng không Nam Phi và hàng không Qatar để đưa bà con về nước.

Nhà ngoại giao có hai nhiệm kỳ làm Đại sứ tại châu Phi chia sẻ: “Từ lúc dịch bệnh tới nay, chúng tôi đã tổ chức thu xếp được 8 chuyến bay giải cứu, giúp cho trên một ngàn công dân Việt Nam tại Mozambique và các nước lân cận về nước an toàn”.

Trước cổng trụ sở ĐSQ Việt Nam tại Mozambique, bà con người Việt nghe phổ biến về phòng dịch trước khi lên xe ra sân bay về nước, ngày 28/8/2020.

Nhắc tới những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong lúc thực hiện nhiệm vụ ý nghĩa này, Đại sứ Lê Huy Hoàng nhớ lại: “Có lẽ bản thân tôi và cán bộ trong ĐSQ sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm trong “nhiệm vụ đặc biệt” khi thu xếp cho bà con ở Mozambique tham gia chuyến bay về nước đúng vào đúng Ngày kỷ niệm ngày thành lập ngành Ngoại giao năm ngoái.

Từ mấy tuần trước đó, chúng tôi phải nhanh chóng xử lý các công việc phức tạp, từ việc tìm hiểu các quy định, xin cấp phép của các cơ quan Việt Nam, Mozambique và các nước láng giềng, đến việc trao đổi với các hãng hàng không thu xếp các chuyến bay có thể chở bà con về nước, gấp rút xử lý vấn đề thị thực bị quá hạn cho nhiều bà con…”.

Việc tổ chức cho bà con sống rải rác ở các tỉnh, có thể kịp di chuyển về thủ đô một cách an toàn, có người phải di chuyển hàng ngàn km bằng nhiều phương tiện khác nhau mới đến được điểm tập kết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội sở tại có nhiều hạn chế, nhiều địa phương bất ổn về an ninh, thậm chí xuất hiện nhiều cuộc tấn công khủng bố… đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Mozambique.

Trước những khó khăn khách quan đó, ĐSQ đã rất nỗ lực vận động sở tại, tận dụng tất cả các mối quan hệ quen biết với Đảng cầm quyền, Bộ Ngoại giao, cơ quan di trú, để họ linh hoạt cấp phép giúp bà con có thể đi lại, di chuyển kịp thời an toàn từ các địa phương đến điểm tập kết trước khi tham gia chuyến bay.

“Sau những nỗ lực thu xếp không mệt mỏi, đúng 28/8, ngày kỷ niệm thành lập ngành Ngoại giao, ngay từ 4h sáng, bà con đã con tập kết đông đủ trước cửa ĐSQ ở thủ đô Maputo để nghe quán triệt các biện pháp phòng dịch trước khi lên xe, vượt gần 1.000 km đường bộ sang Nam Phi (sân bay Johannesburg), tham gia chuyến bay về nước”, Đại sứ Huy Hoàng chia sẻ.

Đại sứ Lê Huy Hoàng và phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa.
Trong chương trình Talk Vietnam trên VTV4, ngày 12/7/2020, phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa kể về kỷ niệm bị kẹt tại Mozambique trong hành trình vòng quanh thế giới 1.111 ngày và được ĐSQ hỗ trợ đưa về nước.

Nỗ lực vượt khó

Việc hỗ trợ người Việt tại Mauritius (địa bàn kiêm nhiệm của ĐSQ) cũng là trường hợp mà cán bộ ĐSQ coi là “đặc biệt khó quên”, thể hiện nỗ lực quyết tâm của cơ quan biến điều không thể thành có thể.

Chia sẻ về câu chuyện đáng nhớ này, Đại sứ Lê Huy Hoàng cho biết: Số lượng công dân ta tại Mauritius không nhiều nhưng đại đa số anh chị em ở đó có nguyện vọng về nước đều là những người có cuộc sống hết sức khó khăn.

Họ là những thuyền viên, những người lao động tự do hết việc làm, không lương, hoặc đi du lịch mắc kẹt lâu ngày, phụ nữ, trẻ em… do điều kiện dịch bệnh kinh tế khó khăn ở sở tại rất cần được về nước.

Khó khăn lớn ở đây là quốc đảo Mauritius thực hiện rất nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhiều thời điểm đóng cửa biên giới, phong tỏa nghiêm ngặt, cấm toàn bộ các chuyến bay ra khỏi đảo.

Đại sứ Hoàng kể: “Để hỗ trợ anh chị em mắc kẹt về nước, trên chuyến bay cuối năm (28/12/2020), ĐSQ đã phải xử lý từ xa rất khẩn trương một loạt các vấn đề khó.

ĐSQ đã tích cực liên hệ với Cục Lãnh sự và các cơ quan trong nước thu xếp cách ly tập trung cho bà con, đồng thời trao đổi với các hãng hàng không, đặc biệt phải tính thời điểm làm sao để khớp với thực tế lúc nào có chuyến bay từ quốc đảo Mauritius ra ngoài (có thời điểm cả tháng Mauritius đóng cửa toàn bộ các sân bay) khớp với thời gian có thể kết nối với các chuyến bay từ Johannesburg, Doha một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, phải nỗ lực trao đổi với các hãng hàng không yêu cầu họ tìm đảm bảo lịch trình ngắn, tiện lợi và giá vé cũng hợp lý nhất… trong bối cảnh người lao động mắc kẹt ở đây đa phần gặp khó khăn về tài chính, thiếu giấy tờ (có quá nhiều loại giấy tờ cần phải xác nhận bổ sung)”.

Người Việt tại Mozambique vui mừng chuẩn bị lên máy bay về nước, ngày 15/6/2020.

Công việc thực sự dồn dập. ĐSQ phải sắp xếp từ việc khó là yêu cầu các chủ tàu hợp tác trả hộ chiếu mua vé cho các thuyền viên, thu xếp lịch hoạt động để tàu cập cảng cho các thuyền viên có thể kịp lên bờ tham gia chuyến bay, đến việc hướng dẫn giúp những vấn đề cụ thể về test Covid-19 đảm bảo các quy chế phòng dịch, thu xếp sao cho hành lý check-in của các thuyền viên ở sân bay Mauritius và Johannesburg để không thất lạc (nhiều anh chị em có khó khăn về ngôn ngữ).

Cán bộ ĐSQ luôn hồi hộp dõi theo từng bước di chuyển của bà con và rất vui khi mọi người sau khi check-in thành công đã ngồi trên máy bay bay ra khỏi đảo Mauritius (vì máy bay có thể hoãn hủy chuyến do bệnh dịch bất cứ lúc nào).

Và chỉ khi các thuyền viên được nhân viên hàng không Qatar đón vào phòng transit yên ổn tại sân bay Johannesburg để trưa hôm sau sẵn sàng bay tiếp về Doha, hòa cùng với nhóm công dân ta từ Mozambique về nước, mọi người mới cảm thấy yên tâm.

Niềm vui vỡ òa vì mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Đại sứ Việt Nam tại Mozambique xúc động kể lại: “Điều đáng nói là việc đưa được số anh chị em mắc kẹt ở Mauritius rất có ý nghĩa, bởi mọi người ở đây có cuộc sống quá khó khăn trong thời gian dài. Hơn nữa, rất khó để có chuyến bay kết nối Mauritius ra bên ngoài.

Và điều đặc biệt là các thuyền viên được về quê hương đất nước mình trước thềm năm mới. Còn gì vui hơn nữa. Tới nay, anh chị em ở Mauritius cũng như các nước trong khu vực được ĐSQ hỗ trợ đưa về nước vẫn thường xuyên điện thoại thăm hỏi cán bộ ĐSQ, coi nhau như người nhà mặc dù đến nay chưa từng gặp mặt”.

Lan tỏa những niềm vui

Vượt qua khó khăn, nỗ lực biến điều dường như không thể thành có thể, hơn 1 năm qua, ĐSQ đã tổ chức để giúp cho trên 1.000 công dân Việt Nam tại Mozambique và các nước lân cận về nước an toàn.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều nước siết các thủ tục xuất nhập cảnh, phong tỏa biên giới, việc tổ chức những chuyến bay như thế không hề đơn giản. Rất nhiều việc phải xử lý, từ khâu giấy tờ, thu xếp cho bà con đi lại, đến khâu thông tin… khâu nào cũng phải đảm bảo tốt, đòi hỏi sự trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực của Đại sứ và toàn thể cán bộ tại Cơ quan đại diện.

Đại sứ Hoàng kể, “chẳng hạn về khâu thông tin, thực tế là các quy định chính sách hạn chế đi lại, cấp phép giấy tờ, và đặc biệt là các chuyến bay ở sở tại thay đổi hằng ngày, những thông tin này luôn rất cần được cập nhật thường xuyên để kịp thời chuyển tới cho bà con”.

Bà con người Việt lên chuyến bay về nước, ngày 18/3/2021.

Các biện pháp chuyển tải thông tin trong bối cảnh dịch bệnh cũng phải đối mới. Trước thực tế bà con cộng đồng sinh sống rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, ĐSQ đã tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông, trong đó có mạng xã hội, kết nối cung cấp thông tin kịp thời để bà con cùng nắm bắt, đảm bảo an ninh an toàn, phòng chống dịch ở sở tại hằng ngày, không chỉ phục vụ việc chuẩn bị thu xếp cho việc về nước.

Hoặc việc giải quyết giấy tờ cho bà con cũng không đơn giản, vì nhiều người trong bối cảnh dịch bệnh không kịp gia hạn thẻ cư trú, giấy tờ thị thực thường quá hạn.

Trước thực tế đó, Đại sứ cho biết, ĐSQ đã tận dụng quan hệ công tác, các mối quen biết với lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các cơ quan di trú sở tại để giải quyết, giải tỏa khó khăn kịp thời cho bà con. Có những lúc phải tới khi gần ra sân bay check-in, nhiều bà con mới được ĐSQ thông báo là đã được sở tại cho phép xuất cảnh sau bao nỗ lực can thiệp với các cơ quan di trú.

“Song, sau mỗi chuyến bay, những thông tin như bà con về nước an toàn, tới các nơi cách ly theo đúng kế hoạch và sau đó được đoàn tụ với gia đình thực sự là niềm vui, sự khuyến khích động viên vô cùng ý nghĩa để anh chị em ĐSQ có thể quên hết những khó khăn vất vả. Chúng tôi cảm thấy vinh dự được tham gia vào những việc làm rất có ý nghĩa, giúp bà con khó khăn ở ngoài nước được trở về quê hương mình với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau”.

Công dân Việt Nam tại Mozambique trước chuyến bay về nước, ngày 15/6/2021.
Công dân tại Mozambique vui mừng chuẩn bị check-in chuyến bay về nước, ngày 15/6/2021.

Đại sứ Lê Huy Hoàng nhấn mạnh: “Có thể nói rằng hơn một năm qua, ĐSQ Việt Nam tại Mozambique, với nhân lực mỏng nhưng đã có nhiều hoạt động thiết thực. Ngoài các hoạt động chính trị đối ngoại, ngoại giao kinh tế văn hóa thường xuyên, chúng tôi đã làm rất tốt công tác hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch bệnh, giải cứu bảo hộ công dân.

Ngoài việc thu xếp đưa công dân Việt Nam về nước trong bối cảnh dịch Covid-19, ĐSQ và cộng đồng người Việt ở sở tại mặc dù còn nhiều khó khăn đầu tháng 6 vừa qua cũng đã quyên góp được trên 100 triệu VNĐ để ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 ở trong nước.

Các hoạt động trên của ĐSQ được đông đảo bà con cộng đồng ta hoan nghênh, và gần đây được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác bảo hộ công dân phòng chống dịch Covid-19”.

Trong câu chuyện xúc động, Đại sứ Lê Huy Hoàng cũng không quên tri ân sự quan tâm hỗ trợ của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các đồng nghiệp ở Cục Lãnh sự, và các cơ quan trong nước đã giúp đỡ đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là “nhiệm vụ đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt” này.