Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đại sứ đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Việt Nam?
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác bầu cử, chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần lượt đến các địa phương như thành phố Hải Phòng, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Quảng Ninh để kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử.
Các bộ, ngành và cán bộ, nhân dân các địa phương đều tích cực tham gia, thể hiện sự nhiệt tình, hăng hái trong việc tham gia bàn bạc những công việc của đất nước.
Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đều kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, kiên trì phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mang bản sắc riêng của nước mình, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Tin liên quan |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam |
Như báo chí đưa tin, các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV của Việt Nam đến từ mọi tầng lớp, mọi ngành nghề trong xã hội, có tính đại diện rộng rãi. Trong đó, đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 1/5, đại biểu là nữ chiếm 45%, cao hơn đáng kể so với các kỳ đại hội trước.
Có thể nói, quá trình chuẩn bị của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đã thể hiện sự thống nhất hữu cơ giữa kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì quyền làm chủ của nhân dân và kiên trì quản lý đất nước theo pháp luật.
Điểm khác với các năm trước là, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang dốc sức đối phó với dịch Covid-19.
Chúng tôi nhận thấy các cấp các ngành của Việt Nam đã vận dụng sáng tạo công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông mới, nỗ lực cùng thực hiện phòng chống dịch và bầu cử khóa mới, đảm bảo công tác bầu cử diễn ra an toàn và trật tự.
Tôi xin chúc công tác bầu cử đạt được thành công tốt đẹp. Tin tưởng rằng, nhân dân Việt Nam sẽ chọn ra được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp khóa mới có đức có tài, có bản lĩnh vững vàng, tác phong ưu tú, hăng hái phấn đấu, đóng góp cho việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phấn đấu mà Đại hội đã đề ra.
Đại sứ đánh giá như thế nào về thành tựu công tác đối ngoại của Quốc hội khóa XIV?
Công tác đối ngoại của Quốc hội là bộ phận cấu thành quan trọng trong công tác đối ngoại của Việt Nam.
Quốc hội khóa XIV đã tích cực thực hiện ngoại giao nghị viện theo đường lối đối ngoại mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đề ra.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), đồng thời khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tổ chức Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 theo hình thức trực tuyến, để lại ấn tượng sâu sắc cho chúng tôi.
Được biết, Quốc hội Việt Nam khóa XIV đã cử gần 100 đoàn đại biểu thăm nước ngoài, tiếp gần 100 đoàn nước ngoài sang thăm, thiết lập mối quan hệ rộng rãi với nghị viện các nước trên thế giới, đóng góp cho công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Lâu nay, cơ quan lập pháp của Trung Quốc và Việt Nam luôn duy trì hợp tác giao lưu mật thiết. Tháng 7/2019, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam lúc bấy giờ, đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư; Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc Uông Dương đã lần lượt tiếp và hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đạt được nhận thức chung quan trọng về đi sâu trao đổi kinh nghiệm về quản lý đất nước và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp của hai nước.
| Bố cục phát triển mới của Trung Quốc: Chào đón cơ hội hợp tác mới trong hành trình phát triển mới LTS. Báo Thế giới & Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba về bố ... |
Dưới sự điều phối tích cực của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đến thăm tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giao lưu giữa cơ quan lập pháp địa phương của hai bên.
Hiện nay, trong bối cảnh cục diện thế giới nhiều biến đổi và dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam phải đối mặt với những thách thức và rủi ro chung, càng cần phải tăng cường hợp tác đoàn kết.
Năm nay là năm đánh dấu cột mốc kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và là năm khởi đầu thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ XIV, cũng là năm đầu tiên Việt Nam quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt với hai Đảng, hai nước Trung - Việt.
Hợp tác giao lưu hữu nghị giữa cơ quan lập pháp hai nước là bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ Trung - Việt.
Hai bên cần tiếp tục thực hiện nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, phát huy đầy đủ ưu thế đặc biệt của cơ quan lập pháp hai nước, phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường giao lưu kinh nghiệm quản lý đất nước, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực cũng như tăng cường tình cảm hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẵn sàng tăng cường giao lưu với các cơ quan liên quan của Quốc hội Việt Nam khóa mới, cùng thúc đẩy đi sâu giao lưu giữa cơ quan lập pháp hai nước, thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững trong thời kỳ mới.
Trung Quốc và Việt Nam cần tiếp tục ủng hộ lẫn nhau; kết hợp ưu thế và nhu cầu phát triển của mỗi bên, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thực chất trên các lĩnh vực như kinh tế - thương mại, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, tài chính, kinh tế số...; tăng cường hợp tác chống dịch, nhanh chóng chiến thắng hoàn toàn dịch bệnh; đi sâu giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, thể thao, địa phương và thanh niên, củng cố nền tảng của quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước; làm sâu sắc hơn nữa hợp tác phối hợp trên các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng duy trì chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển nền kinh tế thế giới mở, chung tay xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài, an ninh rộng khắp, cùng chung thịnh vượng, mở cửa bao trùm, trong sạch và tươi đẹp.