📞

Đại sứ và doanh nghiệp bàn giải pháp khắc phục thách thức, tận dụng cơ hội, hội nhập thành công

Nhóm PV 19:21 | 15/12/2023
Để hóa giải khó khăn, tận dụng cơ hội, bên cạnh sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nghiệp cần nỗ lực, chủ động, linh hoạt để chinh phục thị trường, thu hút đầu tư.
TS. Cấn Văn Lực điều hành phiên thảo luận với chủ đề “Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập”. (Ảnh: Anh Sơn)

Chiều 15/12, tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp, các đại biểu đã chia sẻ xu hướng mới về đầu tư, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, tham mưu cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội để gặt hái thành công.

Các thông tin để gia nhập thị trường, tìm kiếm đối tác đầu tư vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài cũng được các đại biểu trao đổi thảo luận.

Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 và Hội nghị Ngoại vụ 21. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động được tổ chức nhân dịp 2 hội nghị này.

Đây cũng là lần thứ 3 Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm ý nghĩa này.

Cơ hội song hành thách thức

Với chủ đề “Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập”, dưới sự điều hành của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, các diễn giả gồm ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU; ông Ngô Trịnh Hà, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản); ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc); ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 đã cùng thảo luận về những thuận lợi, khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, từ đó nêu những đề xuất để khắc phục khó khăn, biến thách thức thành cơ hội.

Tại sự kiện, TS. Cấn Văn Lực đánh giá rất cao sự đổi mới trong hoạt động ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao trong thời gian vừa qua. Tóm tắt tình hình thế giới và Việt Nam, ông Lực cho rằng, kinh tế thế giới ghi nhận 3 điểm sáng, đó là không bị suy thoái như dự báo; lạm phát, giá cả hàng hóa đã hạ nhiệt (năm 2022 lạm phát 8,4%, năm nay dự kiến 5,3%, và sang năm sẽ còn giảm tiếp); xu hướng về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh chóng.

Bên cạnh đó, thế giới cũng có những rủi ro, thách thức lớn như: 2023 tiếp tục là năm “họa vô đơn chí” khi thời tiết khắc nghiệt, hậu quả của dịch bệnh rất nặng nề, các cuộc xung đột vũ trang diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, thế giới ngày càng đa cực, phân mảnh, khiến GDP toàn cầu giảm từ 0,3-0,7%. Ngoài ra, còn rất nhiều biến động khó nắm bắt, khó dự đoán.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là điểm sáng của nền kinh tế khu vực và thế giới với tăng trưởng GDP tăng, thu hút FDI hiệu quả, xuất nhập khẩu giữ vững, xã hội ổn định.

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Anh Sơn)

Nói về các thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU, cho rằng: Thứ nhất, châu Âu là thị trường tiêu chuẩn cao, không chỉ các tiêu chuẩn hiện đại mà còn có các tiêu chuẩn mới áp dụng toàn thế giới. Thứ 2: Luật pháp châu Âu rất phức tạp, tuy các nước luật thương mại rõ ràng nhưng khi áp dụng vẫn bị chồng chéo khiến các doanh nghiệp khó áp dụng.

Về thách thức với bản thân doanh nghiệp Việt Nam, theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, đó là hàng hoá dịch vụ chưa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu, doanh nghiệp Việt nắm bắt thông tin thị trường còn hạn chế; các doanh nghiệp có sự quan tâm đến thị trường EU nhưng chưa có sự quyết tâm cao.

Trong khi đó, ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) nhận định về 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để doanh nghiệp Việt có thể chinh phục thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, chiếm khoàng 25%, là đối tác FDI thứ 4, đối tác du lịch hàng đầu. Hai nước cũng có quan hệ chặt chẽ về chuỗi cung ứng.

Về thiên thời, theo ông Trung, hiện quan hệ 2 nước đang phát triển rất tốt đẹp, nhất là sau 2 chuyến thăm tới nhau của 2 Tổng Bí thư. Hai nước đều là thành viên của nhiều hiệp định như RCEP, Trung Quốc-ASEAN; sau 3 năm dại dịch, hai nước đang mở rộng cửa và phục hồi mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chiếm tỷ lệ tương đối, là nhóm khách hàng chính sử dụng hàng Việt.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng coi trọng thi trường 100 triệu dân Việt Nam, 2 bên đề cao việc xuất khẩu nông sản sang thị trường của nhau. Do đó, Việt Nam có thế để đàm phán trao đổi ở vị thế ngang bằng với bạn.

Về địa lợi, đó là sự gần gũi về mặt địa lý giữa hai nước, điều này tạo thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc Đỗ Nam Trung trao đổi tại phiên thảo luận. (Ảnh: Anh Sơn)

Về nhân hòa: Trung Quốc và Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa, trong khi thương mại nông sản 2 nước được lãnh đạo cấp cao 2 bên quan tâm thúc đẩy.

Tuy nhiên, thách thức cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này cũng không nhỏ. Về thị trường, đây không còn là thị trường dễ tính mà ngày càng hướng tới tiêu chuẩn cao, thương mại điện tử đang phát triển. Nông sản Trung Quốc ngày càng có chất lượng tốt, điều đó đòi hỏi Việt Nam cũng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Tốc độ lưu thông hàng hóa đôi khi chưa được nhanh trong khi hai nước láng giềng.

CQĐD và doanh nghiệp đồng hành

Về kiến nghị đối với các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các CQĐD cần có dữ liệu phù hợp để giúp các doanh nghiệp nắm được tình hình, thông tin về thị trường, hiểu về thị trường. Các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ các Đại sứ để tìm kiếm các đối tác đủ lớn, vận động bên lề để giúp gỡ các rào cản thương mại áp đặt với sản phẩm Việt Nam.

Hiện ngành thủy sản Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hơn thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung ĐÔng, do đó, Hiệp hội mong nhận được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao để có các thông tin thị trường, giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu 20 tỷ kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030.

Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Anh Sơn)

Trong khi đó, ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, dự kiến 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may VIệt Nam đạt 40,3 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022. Tuy giảm so với năm trước nhưng đây thực sự là một nỗ lực rất lớn của ngành trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

Ông Việt cảm ơn sự nỗ lực của ngành Ngoại giao trong công tác NGKT. Việt Nam hiện có 16 FTA đi vào hoạt động và 3 FTA đang đàm phán. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu.

Theo ông Việt, với ngành dệt may, hiện thách thức nhiều hơn cơ hội. Ông cho rằng, thế giới bất ổn với xung đột, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; ngành dệt may tuy ấm dần lên nhưng có đơn hàng bị trì hoãn.

Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may ngày càng lớn, ví dụ như Bangladesh, một số nước châu Phi đang trở thành những nhà sản xuất lớn trên toàn cầu. Ngoài ra, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm dệt may đòi hỏi ngày càng cao với các yêu cầu về phát triển bền vững, tái sử dụng.

Đó là chưa kể tới các yêu cầu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Các thay đổi liên tục cập nhật, ảnh hưởng tới nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu tái chế; trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất về xử lý bao bì…

Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt trao đổi tại phiên thảo luận. (Ảnh: Anh Sơn)

Từ đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu kiến nghị: Các Đại sứ, Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài giúp đưa mô hình của các doanh nghiệp nước ngoài về nước; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo chuyên đề; tìm hiểu thông tin về khách hàng lớn để tư vấn cho doanh nghiệp trong nước.

Trước những ý kiến của các diễn giả, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết, trong thế giới ngày càng phát triển với xu thế xanh hóa, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, nếu doanh nghiệp không thích ứng, sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Trong khi đó, các đối tác có rất nhiều quy định, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu và thích ứng. Với nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, các CQĐD Việt Nam tại nước ngoài luôn sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.