Tham dự Lễ trình Quốc thư và Tổng thống tiếp Đại sứ Việt Nam sau đó có Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Pelonomi Venson- Moitoi và một số cán bộ Văn phòng Tổng thống và Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Botswana.
Tổng thống Seretse Khama Ian Khama và Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Pelonomi Venson- Moitoi tiếp Đại sứ Vũ Văn Dũng sau khi trình Quốc thư. |
Đại sứ Vũ Văn Dũng bày tỏ vinh dự được bổ nhiệm là Đại sứ kiêm nhiệm Botswana, chuyển lời chúc tốt đẹp nhất của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các vị lãnh đạo Việt Nam tới Tổng thống Ian Khama và lời mời Tổng thống thăm Việt Nam.
Đại sứ thông báo tình hình chính trị-xã hội Việt Nam ổn định, tốc độ phát triển kinh tế cao, hội nhập quốc tế sâu rộng. Việt Nam đang tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và đón Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudo và Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria sang thăm cấp nhà nước nhân dịp này.
Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ truyền thống với các nước châu Phi nói chung và với Botswana nói riêng và quan hệ chính trị giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, Đại sứ mong muốn quan hệ kinh tế thương mại song phương phát triển hơn nữa, vượt mức khiêm tốn 30 triệu USD hiện nay. Nhằm tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, Đại sứ đề nghị Botswana ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
Tổng thống Ian Khama cảm thông và mong nhân dân Việt Nam sớm khắc phục những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 (Bão Damrey) gây ra tại miền Trung, cho biết Botswana ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, hoan nghênh Đại sứ Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ công tác và chúc Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
Tổng thống vui mừng trước tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ và thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam và chia sẻ Botswana là nước duy trì tốc độ phát triển kinh tế nhanh, khoảng cách giàu nghèo giảm và được đánh giá là quốc gia ít tham nhũng nhất châu Phi. Tổng thống cho rằng hai bên cần chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác góp phần phát triển đất nước.
Đại sứ Vũ Văn Dũng tặng tranh lưu niệm Tổng thống Seretse Khama Ian Khama. |
Trước quan tâm của Tổng thống về tình hình quan hệ Việt - Trung và vấn đề Biển Đông, Đại sứ Vũ Văn Dũng trình bày quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung hiện đang phát triển tốt đẹp với việc thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao, Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Nhà nước tới Việt Nam là nước đầu tiên sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và dự Cấp cao APEC 2017; Trung Quốc cũng là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam, giao lưu nhân dân hai nước rất phát triển…
Tồn tại lớn nhất trong quan hệ hai nước là tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Việt Nam luôn chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982, Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC). Việt Nam đang cùng các nước ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Đại sứ Vũ Văn Dũng gặp gỡ báo chí Botswana sau Lễ trình Quốc thư. |
Nhân chuyến công tác Botswana, Đại sứ Vũ Văn Dũng đã tới Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế chào xã giao Bộ trưởng Pelonomi Venson- Moitoi; làm việc với Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương Diabi J. Mmualefe về các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước như thúc đẩy ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa, trao đổi đoàn các cấp, hợp tác giáo dục đào tạo và nông nghiệp… và gặp gỡ đại diện cộng đồng người gốc Việt đang sinh sống làm ăn tại Botswana.