Tại buổi làm việc với Phó Thị trưởng TP Poznan và đại diện một số ban ngành, ông Lewandowski đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cụ thể thành phố có trên 1.300 công ty đang hoạt động, trong đó có khoảng 120 công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn nhân lực của Poznań trẻ và được đào tạo chất lượng, dân số Poznań khoảng 600 ngàn, 20 trường đại học thu hút 130 ngàn sinh viên. Thành phố ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng đã có buổi làm việc với ông Tomasz Lewandowski, Phó Thị trưởng TP Poznan và đại diện một số ban ngành. |
Đại sứ Vũ Đăng Dũng phát biểu nhấn mạnh tình hữu nghị truyền thống Ba Lan - Việt Nam, bày tỏ mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm vì Ba Lan đã rất thành công trong chuyển đổi kinh tế những thập kỷ gần đây; gợi ý những hướng hợp tác cụ thể ở cấp độ các địa phương hai nước, nhất là tận dụng tốt chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan vào cuối năm 2017.
Cùng ngày, Đại sứ và đoàn đã đi thăm Trung tâm triển lãm quốc tế Poznan, là một trong những trung tâm triển lãm lớn nhất Ba Lan với 15 khu trưng bày tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, ngày 6/6, Đại sứ Vũ Đăng Dũng và đoàn công tác của Sứ quán, lãnh đạo cộng đồng người Việt đã đến thăm đại học Tổng hợp Adam Mickiewicz - mang tên đại thi hào dân tộc Ba Lan.
Tại buổi gặp, GS, TSKH Ryszard Naskręcki, Phó Hiệu trưởng trân trọng cảm ơn đoàn đã đến thăm, thể hiện sự quan tâm đối với việc đào tạo ngành Ngữ văn Việt tại Poznań và mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực đào tạo giữa các trường đại học hai nước.
Đại sứ Vũ Đăng Dũng bày tỏ vui mừng được đến thăm một trường đại học giàu truyền thống, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng các trường tổng hợp toàn Ba Lan; đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa việc Đại học Poznań đưa ngành Ngữ văn Việt vào chương trình đào tạo từ năm học 2004-2005 và mới đây đã ra quyết định thành lập Bộ môn Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Việt.
Tại buổi gặp, Đại sứ Vũ Đăng Dũng và đoàn đã chứng kiến lễ trao học bổng của Công ty EBM cho Bộ môn Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Việt trị giá khoảng 8.000 USD.
Ông Trịnh Xuân Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng vật liệu châu Âu (EBM), cho biết qua làm việc với Ban Công tác cộng đồng Sứ quán và Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, ông và Ban lãnh đạo Công ty EBM được biết Đại học Adam Mickiewicz mới thành lập Bộ môn Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam từ đầu năm 2017 và đang rất cần sự hỗ trợ để giúp duy trì hoạt động, nhất là thu hút thêm sinh viên người Ba Lan theo học tiếng Việt.
Sự hình thành và phát triển của Công ty EBM gắn liền với quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ba Lan. Những cổ đông chính của công ty từng tốt nghiệp từ các trường đại học tại Ba Lan, hơn nữa một số nhân viên kỹ thuật hiện nay của Công ty cũng là người Ba Lan. Do đó, Công ty EBM muốn đóng góp một phần nhỏ để giúp thúc đẩy quan hệ và sự hiểu biết giữa hai nước. Cụ thể, Công ty EBM tài trợ 30.000 zloty cho các sinh viên xuất sắc nhất tại Bộ môn. Số tiền được chia đều trong 5 năm, bắt đầu từ năm học 2016-2017.
Sau lễ trao học bổng, đoàn đã giao lưu với giảng viên và sinh viên đang theo học tiếng Việt tại trường.