📞

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định vị thế đặc biệt của Việt Nam với Nhật Bản

Thu Trang 15:58 | 28/04/2022
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Kishida Fumio cho thấy Nhật Bản đặc biệt coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. (Nguồn: TTXVN)

Trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã chia sẻ với TG&VN ý nghĩa chuyến thăm và tiềm năng phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.

Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sắp tới?

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30/4-1/5.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Kishida nằm trong chuyến công du ba nước khu vực gồm Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Đây cũng là chuyến thăm thứ hai đến khu vực trong vòng hơn một tháng qua, sau chuyến thăm Ấn Độ và Campuchia vào tháng Ba.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất phức tạp, cho thấy rõ Nhật Bản đánh giá cao vị thế của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973.

Tháng 3/2014, hai nước thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida, diễn ra chỉ 5 tháng sau chuyến thăm Nhật Bản hết sức thành công của Thủ tướng Phạm Minh Chính (11/2021) và là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị mới của Thủ tướng Kishida sau 6 tháng nhậm chức, có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Chuyến thăm cho thấy, Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Kishida tiếp tục đặc biệt coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới, cũng như dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, đối tác quan trọng và tin cậy của Nhật Bản.

Chuyến thăm sẽ tạo động lực mạnh mẽ, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam cũng như củng cố mối quan hệ thân thiết giữa cá nhân Thủ tướng Kishida với các Lãnh đạo Việt Nam, góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước trên cơ sở tình cảm, chân thành, tin cậy.

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo cấp cao hai nước nhiều lần nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Với chuyến thăm đáp lễ này của Thủ tướng Kishida, hai đều bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, phát triển toàn diện hơn nữa, tích cực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản trong năm 2023.

Với những ý nghĩa đặc biệt như vậy, chuyến thăm này sẽ tiếp nối những kết quả đạt được từ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính ra sao?

Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi sâu sắc và xác định các định hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể làm sâu sắc quan hệ song phương vốn đã rất tốt đẹp và sâu rộng giữa hai nước.

Ngay sau chuyến thăm, các bộ/ngành/địa phương/doanh nghiệp...hai nước đã tích cực thúc đẩy việc triển khai các cam kết, thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chung “Hướng tới việc mở ra một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình, thịnh vượng ở châu Á” trên nhiều lĩnh vực.

Dù mới chỉ 5 tháng sau chuyến thăm nhưng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao quốc phòng, an ninh, đầu tư, thương mại, ODA, y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ...đều được triển khai tích cực, thực chất.

Nhiều cam kết trong chuyến thăm đã được thực hiện, từ việc nối lại đường bay thường lệ giữa hai nước, áp dụng hộ chiếu vaccine, mở cửa cho người lao động, thực tập sinh, sinh viên Việt Nam được nhập cảnh Nhật Bản... cho đến những nỗ lực trao đổi nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện vốn ODA, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Trở lại thăm Việt Nam lần này trên cương vị mới, trong chương trình chuyến thăm, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ gặp gỡ với các Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; tiếp Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Việt; dự Hội nghị hợp tác đổi mới công nghệ, chuyển đổi số....

Hai bên sẽ rà soát và thống nhất các biện pháp cụ thể để chuyến thăm của Thủ tướng Kishida là dấu mốc “mở ra giai đoạn mới” của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực một cách thực chất như thúc đẩy kim ngạch thương mại, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, xuất khẩu sang Nhật, thúc đẩy chương trình vốn vay ODA thế hệ mới, đầu tư chất lượng cao, tăng cường chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, hợp tác phát triển vaccine và thuốc điều trị Covid-19, phát triển nguồn nhân lực, đô thị thông minh, hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác giữa các địa phương, giao lưu nhân dân...đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 24/11. (Nguồn: TTXVN)

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch là điểm sáng và động lực phục hồi kinh tế với cả Việt Nam và Nhật Bản sau đại dịch Covid-19. Thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản, Đại sứ có kỳ vọng gì vào hợp tác song phương trong lĩnh vực này? Nhân dịp này, Đại sứ có nhắn nhủ gì với các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn kinh doanh tại thị trường Nhật Bản đặt trong bối cảnh hậu Covid-19 với nhiều quy định kiểm dịch chặt chẽ hơn?

Trước khi đại dịch bùng phát, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước luôn là những lĩnh vực hợp tác nối bật. Có thể nói, trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn thuộc nhóm các nước đối tác đầu tư, thương mại, du lịch... hàng đầu của Việt Nam.

Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, quan hệ giữa hai nước trên mọi mặt vẫn phát triển hết sức mạnh mẽ, vững chắc và thực chất.

Trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng 7,8% so với năm 2020, đạt 42,7 tỷ USD. Riêng trong quý I/2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập khẩu đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,8%.

Sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Đại sứ quán tìm hiểu thông tin cũng như trao đổi về kế hoạch đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều người dân Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn sớm được đi du lịch Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, khi cả hai nước đều đang trong quá trình mở cửa, đẩy mạnh giao thương và khôi phục kinh tế, tôi tin tưởng chắc chắn rằng các lĩnh vực hợp tác này sẽ chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới. Sẽ có làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Thương mại song phương sẽ tăng mạnh, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, nhiều hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản sẽ được giới thiệu cho người tiêu dùng Nhật Bản. Du lịch sẽ chứng kiến một sự khởi sắc khi đại dịch dần được kiểm soát, hợp tác lao động, nguồn nhân lực, giáo dục... sẽ phát triển mạnh mẽ.

Với các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn kinh doanh tại thị trường Nhật Bản, yếu tố quan trọng là xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách toàn diện, bảo đảm từ khâu sản xuất, chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói phù hợp yêu cầu và thị hiếu sở tại, giữ chữ tín trong kinh doanh.

Sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hậu Covid-19 đòi hỏi nhiều quy định kiểm dịch chặt chẽ hơn trước. Các doanh nghiệp Việt cần luôn thấm nhuần quan điểm cần bán các sản phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu và văn hóa của bạn. Từ đó, mạnh dạn đầu tư, nhanh chóng chuyển đổi quy trình sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn trong điều kiện bình thường mới, không coi đây là các rào cản thương mại mà các nước đặt ra.

Việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật Bản cũng chính là tấm giấy thông hành cho hàng hóa của các doanh nghiệp ta dễ dàng được chấp nhận tại nhiều thị trường khác.

Khi dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đã có sự thích nghi mạnh mẽ và tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả. Theo Đại sứ, vai trò của Hội cần phát huy ra sao trong tình hình mới?

Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ) được thành lập từ tháng 11/2019, là tổ chức tập hợp và kết nối các cá nhân và nhóm trí thức của người Việt Nam tại Nhật Bản, với mục tiêu tạo nên kênh thông sức mạnh tập thể và nâng tầm vị thế, vai trò của cộng đồng trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt hơn 450.000 người. Người Việt hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản

Ngay sau khi được thành lập, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đầu năm 2020, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Trí thức đã có sự thích nghi mạnh mẽ và tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, trong đó nổi bật là các Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (Vietnam Summit in Japan) năm 2019 và 2021, thu hút sự tham dự của đông đảo của các diễn giả, khách mời là đại diện các cơ quan bộ ngành của Chính phủ cùng các nhà nghiên cứu và chuyên gia người Việt hàng đầu trong và ngoài Nhật Bản.

Đặc biệt, vượt qua thách thức do đại dịch Covid-19, Hội đã tổ chức thành công Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ 2 tháng 11/2021 theo hình thức trực tuyến, với chủ đề “Chuyển mình: Giá trị mới - cách thức mới”, kết nối và quy tụ cộng đồng trí thức Việt tại Nhật cùng chia sẻ và thảo luận về thời cơ cũng như vấn đề Việt Nam hiện đang phải đối mặt sau đại dịch Covid-19 và đề xuất nhiều giải pháp.

Ngày 16/4 vừa qua, Hội đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2019-2021, kiện toàn Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2021-2023, hướng tới việc chuyên nghiệp hóa hoạt động của Hội.

Trong tình hình mới hiện nay, tôi cho rằng hội cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò kết nối các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Nhật Bản; kết nối hiệu quả hoạt động của Hội Trí thức và các Hội nhóm khác của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản; kết nối đội ngũ trí thức Việt Nam tại Nhật Bản và nền khoa học, kỹ thuật của đất nước; góp phần đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục... giữa Việt Nam và Nhật Bản; và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!