Nhỏ Bình thường Lớn

Đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng: Những nẻo đường về bên mẹ

Một chiều đầu Hạ, khi Covid-19 chưa khiến Hà Nội vắng vẻ như bây giờ, tôi có cơ hội được ngồi thỉnh giáo các đồng nghiệp tiền bối tại một quán café nhỏ. Trong số đó có Đại tá – nhà báo – nhiếp ảnh gia Trần Hồng.
Đại tá Trần Hồng bên bức ảnh mẹ Nguyễn Thị Khánh có bảy con trai đều là liệt sỹ. Mẹ ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. (Ảnh: NVCC)
Đại tá Trần Hồng bên bức ảnh mẹ Nguyễn Thị Khánh có bảy con trai đều là liệt sỹ. Mẹ ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. (Ảnh: NVCC)

Sau những câu chuyện nghề, chuyện đời rôm rả, thấy cây đàn guitar dựng ở góc phòng, sẵn có chút khiếu ca hát, nên bất giác tôi nâng cây đàn ngân nga: “Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi!/ Cho con xin chia sớt nỗi buồn, cho con xin xẻ đôi bát cơm/ cho con hôn đôi mắt mỏi mòn/ cho con xem lại bóng hình con/ Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi!/ Xin cám ơn người, người mẹ của tôi!”…

Kho báu để đời

Khi bài Người mẹ của tôi của nhạc sỹ Xuân Hồng vừa dứt, Đại tá Trần Hồng nói nhỏ: “Tý nữa mời đồng nghiệp về chỗ nhà riêng của mình, mình cho bạn xem mấy tài liệu này”. Ngay lúc đó tôi đã cảm thấy mình sắp được mở mang đầu óc bằng cái gì đó đặc biệt. Tôi vốn rất hâm mộ những bức ảnh của nhà báo Trần Hồng và tôi ấn tượng nhất trước triển lãm “Chân dung Mẹ” của ông. Có cái gì đó là ảo ảnh thầm kín phía sau những bức ảnh mà tôi đã ướm nhiều lần, nhưng tác giả chưa thổ lộ.

Tôi vốn chơi với con gái Đại tá Trần Hồng và thường xưng hô bác - cháu. Lần này, bác lại trịnh trọng gọi tôi bằng hai chữ “đồng nghiệp” thì hẳn là sẽ có những điều bác định bật mí phía sau ống kính mà cả đời người nghệ sỹ nhiếp ảnh tích lũy được. Chẳng bỏ lỡ thời cơ, tôi gật đầu cái rụp và cùng bác về ngôi nhà riêng ở Đường Thành. Xuyên qua con ngõ nhỏ, qua những quán xá, cửa hàng sầm uất bên ngoài con phố thuộc trung tâm Hà Nội, tôi lạc vào một khu tập thể cũ ẩn mình trầm mặc giữa khu phố cổ.

Đúng như dự đoán, vừa bước chân vào căn hộ, tôi đã được chiêm ngưỡng một “bảo tàng - thư viện quân đội thu nhỏ” trên toàn bộ diện tích nhà ở của nghệ sỹ Trần Hồng. Những căn phòng với bốn mặt tường đều kê những chiếc tủ đựng “đồ cổ”, giá sách và treo ảnh các mẹ Việt Nam Anh hùng. Khoảng trống còn lại duy nhất ở chính giữa nhà, kê vừa bộ bàn trà xinh xắn.

Nheo mắt tự hào nhìn kho báu đầy ắp tài liệu, báo chí, tạp chí... được sưu tầm từ nhiều thập kỷ, nghệ sỹ Trần Hồng cười: “Đồng nghiệp xem có “bội thực” tài liệu không? Đó là tất cả những chuyến đi, những câu chuyện mình viết vào đây. Có những tấm phim vẫn còn nguyên, đồng nghiệp à”.

Những ký ức về mẹ

Vuốt nhẹ bộ quân phục mang quân hàm Đại tá, ông bảo: “Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải sống hết mình những gì mình đã lựa chọn”, rồi cởi mở chia sẻ chuyện nghề bằng chính những vật chứng hình ảnh của mình.

Ông nói: “Khi ở mặt trận, người chiến sỹ có thể chọn nhiều thế để chiến thắng kẻ thù: nằm bắn, ngồi bắn, lom khom bắn… nhưng phóng viên ảnh chiến trường chỉ có một thế đó là “đứng bắn!”.

Đó là những cú bấm máy với những khoảnh khắc đắt giá bằng chiếc máy ảnh trên tay. Và rồi, những câu chuyện từ chiến trường Tây Nam, đến chiến tranh biên giới phía Bắc cứ thế ùa về.

Câu chuyện của Đại tá Trần Hồng dài và sâu lắng, nhưng tôi để ý mỗi khi kể về mẹ, giọng ông trở nên da diết lạ thường.

Ông nói: “Mỗi lần về với các mẹ mình thường mặc quân phục. Mình muốn các mẹ vui, cảm thấy như một người con của mẹ trở về. Vào đến nhà, việc đầu tiên mình làm là thắp hương cho các anh rồi ngồi chuyện trò, nhặt rau, nấu cơm cùng các mẹ…”. Nghe “người chép sử bằng ảnh” chia sẻ, tôi lại càng thấm thía hơn khi chiêm ngưỡng trọn bộ ảnh 25 tác phẩm tố cáo tội ác chiến tranh ở Campuchia và hai bộ ảnh chân dung mẹ và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong căn phòng nhỏ bé đầy hoài niệm này, những ký ức sống động, đẹp đẽ mà đau thương đang hiện hữu, ngăn nắp từ những hộp phim màu và đen trắng của hơn bốn thập kỷ trước đến vô số bài báo viết về ông, những cuốn băng, đĩa hình mà các hãng thông tấn, truyền hình trong nước và thế giới nói về ông, được ông nâng niu giữ gìn.

Run run cầm bức ảnh mẹ Nguyễn Thị Khánh được đặt trang trọng trên bàn làm việc, giọng nhiếp ảnh gia Trần Hồng rưng rưng: “Chụp các mẹ, không phải muốn chụp là chụp được đâu. Bức ảnh này là lần thứ ba mình về nhà mẹ Khánh mới chụp được. Mẹ Khánh có bảy con trai đều là liệt sỹ. Mẹ ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Ba lần về thăm mẹ thì một lần mẹ khóc, một lần mình khóc. Đến lần thứ ba mình mới chụp được bức ảnh này...”.

Bức ảnh chụp mẹ Khánh khi mẹ đang bưng bát cơm, một hạt cơm còn đọng trên môi và có một con mèo đang gối đầu vào chân mẹ, mắt lim dim. Mâm cơm của mẹ có con cá khô còn nguyên trong đĩa và cái nồi cơm “quá khổ”… Bức ảnh khiến người xem cảm nhận rõ rệt nỗi trống vắng, sự cô đơn tột cùng đời mẹ. Mẹ ngồi đó ăn cơm nhưng ánh mắt lại đang dõi xa xăm, như chờ, như đợi sự trở về của những đứa con, dẫu chỉ là cái bóng vô hình ngoài đầu ngõ. Đây là một trong những bức ảnh được đánh giá cao trong Triển lãm “Chân dung Mẹ” năm 1995.

Gia đình Đại tá - Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia Đại Tướng năm 2009. (Ảnh: NSNA Trần Hồng)/
Gia đình Đại tá - Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia Đại tướng năm 2009. (Ảnh: NSNA Trần Hồng)/

“Chẳng ai muốn con mình hy sinh”

Giọng nhà báo lão thành chợt thủ thỉ: “Ai cũng có mẹ. Với mình, được chụp ảnh các mẹ là hạnh phúc lớn với cái duyên mẹ cho. Mình muốn ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất về các mẹ, thay cho tấm lòng kính trọng biết ơn của những người con với mẹ”.

Và lúc đó, tôi chợt hiểu tại sao khi tôi hát bài Người mẹ của tôi, Đại tá Trần Hồng lại xúc động đến vậy.

Ông chia sẻ: “Cuộc đời làm báo, làm phóng viên ảnh có những nhân vật cho ta một cái nhìn mới, hạnh phúc lắm, đồng nghiệp ạ! Mình nhớ có lần về Hải Dương, mình gặp một cụ bà dáng vẻ ốm yếu, đội chiếc nón cũ, bước đi liêu xiêu, cô độc trên con đường vắng đầy nắng.

Một linh cảm nào đó khiến mình dừng xe, chạy đến chia sẻ và xin chụp một bức ảnh. Nhưng mẹ lấy nón che mặt rồi nói: “Chú muốn chụp thì chụp mẹ Việt Nam Anh hùng. Tôi thì chỉ có một con là liệt sỹ, nhưng chú ơi, chẳng có bà mẹ nào lại muốn con mình hy sinh để được trở thành mẹ Việt Nam Anh hùng, phải không chú?”.

“Lúc đó, mình sững lại giữa trời nắng chang chang và nhìn theo cho đến khi bóng mẹ mờ đi phía cuối đường. Sau này tìm hiểu, mình mới biết bà là mẹ Nguyễn Thị Út, có một con trai là liệt sỹ ở Chí Linh, Sao Đỏ, Hải Dương. Mình đã chụp ảnh mẹ Út và chú thích bức chân dung: “Nhớ thương con quá, chú à!”.

Chân dung nỗi đau chiến tranh

Cứ như vậy, những câu chuyện phía sau những bức ảnh mẹ khiến tôi không cầm được nước mắt. Thấy tôi tâm trạng, ông với lấy chiếc máy ảnh Nikon đời cũ 801 rồi nói: “Để mình chụp cho đồng nghiệp bức chân dung, đang lúc có nguồn sáng đẹp !”.

Tôi hỏi: “Bác vẫn tiếp tục với “Chân dung Mẹ” chứ?

- “Không. Mà phải là tiếp tục đến khi không thể”.

Tôi hiểu. Ông không những tiếp tục mà sẽ còn tiếp tục cho đến khi không thể “đứng bắn”.

Không chỉ bó hẹp trong đề tài chân dung mẹ Việt Nam mà trong quan niệm của Đại tá Trần Hồng, những bà mẹ có con hy sinh trong chiến trận đều có nỗi đau xé ruột. Ông chia sẻ: “Mình dự định sẽ đến Mỹ, thăm Bức tường Chiến tranh Việt Nam hay còn gọi là Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington D.C; muốn nhìn rõ tên của những người con của các bà mẹ Mỹ đã để lại phần máu thịt trên đất Việt Nam. Mình mong có thể chụp chân dung một số bà mẹ Mỹ ấy. Nếu thực hiện được ý tưởng này, mình sẽ có đủ tư liệu cho triển lãm ảnh về mẹ rộng hơn, sâu hơn. Chuyển tải một thông điệp về mẹ, về hòa bình cho sự an nhiên, niềm vui và hạnh phúc cho mẹ”.

Trong vóc dáng nhỏ bé, anh bộ đội cụ Hồ, Đại tá Trần Hồng vẫn nhanh nhẹn và chưa hề ngưng nghỉ trên con đường đi tìm cái đẹp của nhiếp ảnh. Ông biến những khoảnh khắc chớp nhoáng thành thiên thu của những lao động miệt mài, sáng tạo và thăng hoa trong nghệ thuật, đặc biệt là trong khắc họa vẻ đẹp của người mẹ.

Đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng nguyên là phóng viên ảnh của báo Quân đội Nhân dân. Hiện ông là hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (FIAP), Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (chuyên ngành nhiếp ảnh).

Ông đã tổ chức 12 cuộc triển lãm cá nhân, trong đó có cuộc triển lãm tại châu Âu (Ba Lan, 2018 ), giành 20 giải thưởng về ảnh trong nước và quốc tế.

TIN LIÊN QUAN
Lắng nghe bộ não của chúng ta
'Bữa sáng ở chợ phiên' của nhiếp ảnh gia Việt đoạt giải ảnh quốc tế
Nhớ về mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Mít
Muôn nẻo Ngoại giao đồng hành cùng địa phương
Nghệ sĩ đương đại Ngô Hồng Quang: Không có ngã rẽ khác ngoài âm nhạc dân tộc

Minh Hòa