Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với khí hậu ôn hòa, diện tích tự nhiên hơn 13.030 km2. Tuy nhiên, do vị trí địa lý nằm xa các cảng biển và trung tâm kinh tế của đất nước; dân số gần 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em tạo nên bản sắc riêng của địa phương nhưng trình độ phát triển không đồng đều nên mức độ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Xuất phát là một tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế về mọi mặt kinh tế - xã hội như vậy, Đắk Lắk xác định viện trợ phi chính phủ nước ngoài là một trong các nguồn lực bên ngoài quan trọng hỗ trợ cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự chung tay góp sức của 32 tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ nước ngoài, tỉnh đã tiếp nhận 78 khoản viện trợ có tổng giá trị đạt gần 7,836 triệu USD (khoảng 172 tỷ đồng), đã góp phần hỗ trợ cho các ngành: giáo dục, y tế, nông nghiệp, phát triển nông thôn vượt qua các khó khăn phát sinh do thời tiết, nguồn lực đầu tư của địa phương còn hạn chế. Tuy đây chưa phải là con số nổi bật so với bình quân chung của cả nước nhưng đã có tác động tích cực đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của cả nước nói chung.
Thông qua các khoản viện trợ, ngành giáo dục đã được bổ sung thêm cơ sở vật chất, giúp các em học sinh học tập trong môi trường khang trang hơn. Hàng ngàn người dân canh tác cà phê được tiếp cận thông tin về vụ mùa, kỹ thuật canh tác, thị trường giá cả, đời sông qua đó cũng được cải thiện. Nhân viên ngành y tế tuyến cơ sở cũng được tiếp cận kỹ thuật mới, nâng cao trình độ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc trong điều kiện phúc lợi tốt hơn. Ý thức người dân về sức khỏe sinh sản, các bệnh truyền nhiễm và bảo vệ môi trường cũng được nâng cao. Hàng trăm em nhỏ khuyết tật của tỉnh đã được phẫu thuật mang lại nụ cười và sinh hoạt bình thường. Đời sống của trẻ khuyết tật, mồ côi, bệnh nhân phong cũng được quan tâm, chia sẻ phần nào.
Trong quá trình hợp tác, Đắk Lắk luôn quán triệt sâu sắc phương châm đồng hành với các đối tác. Các cơ quan quản lý nhà nước và đối tác địa phương luôn chủ động, tích cực hỗ trợ các đối tác trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục đoàn vào để khảo sát dự án; phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các dự án hỗ trợ phát triển tại tỉnh; chủ động gặp gỡ, tiếp xúc các nhà tài trợ để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức.
Để tăng cường sự chủ động trong quá trình trao đổi, tiếp xúc với các đối tác tiềm năng, tỉnh đã xây dựng đề cương cho các dự án quy mô nhỏ với đa dạng nội dung kêu gọi như: xây dựng phòng học, bổ sung trang thiết bị y tế, xây dựng công trình nông thôn, bảo tồn văn hóa,…làm cơ sở dữ liệu sẵn sàng cung cấp khi có yêu cầu. Tỉnh cũng đã ban hành Chương trình tăng cường hợp tác và xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2020 - 2025 nhằm giới thiệu các định hướng ưu tiên hợp tác cho các đối tác nắm thêm thông tin.
Nhờ đó, Đắk Lắk đã thiết lập được mối quan hệ hiệu quả và thực chất với các đối tác, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững và mở rộng quan hệ nhân dân; được các các đối tác tuyền thống đánh giá cao như: Save the Children (Anh), Animals Asia Foundation (Hongkong, Trung Quốc), Esperance (Thụy Sỹ), Asia Prevention of Blindness Association (Nhật Bản), World Wide Fund for Nature (Thụy Sỹ), Room to Read (Mỹ)…
Đắk Lắk xác định viện trợ phi chính phủ nước ngoài là một trong các nguồn lực bên ngoài quan trọng hỗ trợ cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. |
Dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Tỉnh Đắk Lắk luôn trân trọng những kết quả hợp tác đã đạt được trong thời gian qua và mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các đối tác, các tổ chức nước ngoài thông qua các chương trình, dự án thiết thực, hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân tại các vùng khó khăn cho tỉnh nhà.
Theo thống kê mới nhất của các ngành, địa phương trong tỉnh, Đắk Lắk vẫn còn nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, cần sự chung tay, giúp sức của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, cộng đồng các đối tác, tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Trong lĩnh vực giáo dục, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư nhưng còn thiếu, chưa đồng bộ. Tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa mới chỉ đạt 67,5%; vẫn còn 398 phòng học nhờ, học tạm, chủ yếu ở ngành học mầm non.
Trong lĩnh vực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh còn thiếu và xuống cấp cả ở hệ thống y tế tuyến huyện và tuyến xã. Năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế cần thường xuyên tập huấn, cập nhật kịp thời. Nhận thức và ý thức của cộng đồng, nguồn lực đầu tư của nhà nước về vệ sinh môi trường sống, phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích dù đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa đạt mức độ mong muốn.
Trong lĩnh vực nông nghiêp và phát triển nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp còn hạn chế, hiệu quả các hình thức liên kết sản xuất chưa cao. Nhận thức của người dân về sử dụng nước tưới tiết kiệm chưa cao, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn chưa thực sự bền vững, các tiêu chí mới đạt mức tối thiểu, nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường xã, liên xã mới đạt gần 65% ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, thu nhập của người dân. Công tác bảo tồn voi vẫn đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực quốc tế về kỹ thuật và tài chính.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, nguồn lực nhà nước dành cho lĩnh vực này tăng dần qua các năm song vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Đời sống của các đối tượng bảo trợ xã hội còn khó khăn, mức trợ cấp xã hội còn thấp. Chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các nhóm dân cư chưa được thu hẹp; nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao như các huyện: Buôn Đôn (26,27%), Ea Súp (28,14%), Krông Bông (24,28%), Lắk (27,39%) và M’Drắk (15,89%). Số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm hơn 68% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, tình trạng thoát nghèo chưa bền vững. Vẫn còn nhiều trẻ em bị tai nạn, đuối nước thương tâm; số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao.
Thông tin về một số dự án đang kêu gọi tài trợ của tỉnh được đăng tải tại trang www.songoaivu.daklak.gov.vn. Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác nước ngoài đến tỉnh để tìm hiểu nhu cầu hợp tác hoặc cung cấp thêm thông tin nếu quý đối tác có nhu cầu qua thư điện tử: daklakdofa@gmail.com hoặc điện thoại: 0262.3843012 (phòng Hợp tác quốc tế).
| Covid-19 đang tạo ra những thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam, gây nên cú sốc lớn cả phía cung và cầu, ... |
| Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp đang tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, ... |