Đắk Lắk có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đắk Lắk đã và đang thay da đổi thịt. (Nguồn: Tạp chí Luật sư) |
Vốn quý và sức sống của Đắk Lắk
Tỉnh có diện tích đứng thứ 4 cả nước (trên 13 nghìn km2), diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 658 nghìn ha (đứng thứ 2 cả nước), với hơn 370 nghìn ha đất đỏ bazan phì nhiêu thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, cây dược liệu; là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nơi đây có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào với khoảng 1,1 triệu lao động, là tỉnh giàu truyền thống cách mạng và có cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa, với 49 dân tộc anh em cùng chung sống; có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng.
Đắk Lắk được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều địa danh như hồ Lắk, cụm thác Gia Long - Dray Sap, du lịch Buôn Đôn, thác Krông Kma, Diệu Thanh, Tiên Nữ… Bên cạnh đó là các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (như Chư Yang Sin, Easo…).
Song song với đó, Đắk Lắk có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ, có sân bay Buôn Mê Thuột, hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung giúp cho việc giao thương của địa phương ngày càng thuận lợi hơn.
Không chỉ thế, mảnh đất Tây Nguyên này còn sở hữu nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, với 23 di tích lịch sử cách mạng, 2 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh; có 9 di tích được công nhận di tích quốc gia và 4 di tích quốc gia đặc biệt.
Tỉnh cũng là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thuộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và dân tộc Kinh mang đủ sắc thái của ba miền Bắc - Trung - Nam. Cả ba dòng văn hóa ấy giao thoa, đan xen, bồi đắp cho nhau, ngày càng phát triển tạo thành nền văn hóa Đắk Lắk thống nhất trong đa dạng.
Đây còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống, với những di tích kiến trúc cổ ghi lại dấu ấn của lịch sử và phong trào hoạt động cách mạng của thế hệ cha anh. Đặc biệt, tỉnh còn có không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - một “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại.
Tất cả những tiềm năng kể trên là vốn quý và sức sống của Đắk Lắk, nền tảng cho sự phát triển của địa phương trong tương lai.
Nguồn năng lượng xanh vô tận của Đắk Lắk. (Nguồn: Cổng TTĐT huyện Ae H’Leo) |
Nỗ lực hội nhập và phát triển
Với lợi thế to lớn của vùng đất cao nguyên đất đỏ bazan rộng lớn đầy nắng và gió, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã có những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và áp dụng khoa học - công nghệ vào sản suất, từng bước gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng và sản xuất các sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích 182.343ha và sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Tỉnh cũng là nơi trồng bông, cacao, cao su, điều lớn của Việt Nam. Đồng thời, là nơi phát triển các loại cây ăn trái khác, như cây bơ, sầu riêng, chôm chôm, xoài... Những thế mạnh này đã đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đó, mảnh đất Tây Nguyên cũng chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh và bền vững. Nơi đây sở hữu tiềm năng của một cao nguyên về phát triển điện năng lượng tái tạo, trong có, đó điện gió. Điều này giúp Đắk Lắk trên hành trình trở thành tâm điểm thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tỉnh đang hướng tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Tây Nguyên với điện gió.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, những năm qua, Đắk Lắk đã triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, các cam kết hội nhập quốc tế và đã đạt những kết quả tích cực.
Đơn cử như: Công tác đồng bộ hóa các văn bản của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả thông qua các chương trình, kế hoạch thực hiện các hiệp định thương mại tự do.
Công tác thu hút đầu tư ngày càng linh hoạt, cởi mở, góp phần khai thác tốt hơn các nguồn lực. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh từng bước phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương.
Hoạt động đối ngoại, đối ngoại đa phương được mở rộng, có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tỉnh đã tích cực quảng bá hình ảnh Đắk Lắk giàu truyền thống, lịch sử, văn hóa, tiềm năng thế mạnh, kêu gọi hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đoàn công tác quảng bá địa phương ở các quốc gia ngày càng được chú trọng, có sự chuyển biến tích cực về chất và lượng, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận với thị trường quốc tế cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra thị trường lớn…
Đắk Lắk được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều địa danh như hồ Lắk, cụm thác Gia Long - Dray Sap, du lịch Buôn Đôn, thác Krông Kma, Diệu Thanh, Tiên Nữ… (Nguồn: Dulich9.com) |
Không còn là một tỉnh nghèo…
Kết quả là, sau 10 năm (năm 2013 - 2023) hội nhập quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh Đắk Lắk tăng 6,8%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) của 10 năm đạt 505.366 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút gần 380 dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vốn đầu tư đăng ký trên 109.683,71 tỷ đồng; trong đó nhiều dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả. Đồng thời, thu hút được 21 dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với tổng mức đầu tư khoảng 4.363 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực như: giáo dục, giao thông, nông nghiệp…
Mới nhất, 6 tháng đầu năm 2924, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đắk Lắk ước đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,38%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,52%; dịch vụ tăng 4,04%.
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 15.600 tỷ đồng, tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 31/7/2024 đạt 38,9% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung cả nước (32,2%), đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 13/63 địa phương cả nước. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 64,12% dự toán năm do Trung ương giao.
Xuất khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 1,13 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 295 triệu USD, tăng 33,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt hơn 62.600 tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ. Cải cách hành chính tiếp tục đạt những kết quả tích cực, chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 tăng 10 bậc, chỉ số PAPI tăng 10 bậc, chỉ số PCI tăng 9 bậc…
Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực, đúng đối tượng. Tỉnh cũng làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để xảy ra vụ việc phức tạp, không để bị động, bất ngờ…
Có thể thấy rõ, giờ đây, Đắk Lắk không còn là một tỉnh nghèo. Mảnh đất này đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, phù hợp với yêu cầu phát kiển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và định hướng phát triển của đất nước.