📞

Đàm phán Mỹ-Iran về JCPOA: Tuyết rơi mùa hè

Phan Quân 15:00 | 11/05/2021
Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) giờ chỉ còn là bước đệm để Mỹ-Iran hướng tới một thỏa thuận khác đáp ứng tốt hơn lợi ích song phương.

Các nhà lãnh đạo Mỹ-Iran từng nói về cùng một mục tiêu: Trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA đã bị cựu Tổng thống Donald Trump gạt bỏ 3 năm về trước. Khi đó, Tehran sẽ tuân thủ giới hạn phát triển năng lượng hạt nhân, còn Washington sẽ dỡ bỏ cấm vận kinh tế.

Tuy nhiên, sau 5 tuần đàm phán gián tiếp tại Vienna qua đại diện của Liên minh châu Âu (EU), cả Mỹ và Iran hiểu rằng thỏa thuận cũ đã không còn đáp ứng được lợi ích về dài hạn cho cả hai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani từng nhiều lần đề cập việc trở lại JCPOA, song mong muốn này sẽ khó thành sự thực. (Nguồn: AP)

Một đàm phán, hai thỏa thuận

Không quá khó để thấy lập trường của Mỹ và Iran về nối lại JCPOA đang có nhiều khác biệt.

Đầu tiên, Iran muốn giữ lại trang thiết bị sản xuất năng lượng hạt nhân tiên tiến được lắp đặt sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rời JCPOA năm 2018. Đồng thời, Tehran muốn đẩy mạnh hội nhập với hệ thống tài chính quốc tế, hơn những gì được nêu trong thỏa thuận năm 2015.

Trong khi đó, Mỹ cho rằng khôi phục thỏa thuận cũ chỉ là bước đệm. Mục tiêu chính của Washington là buộc Tehran ký vào một thỏa thuận kế tiếp nhằm hạn chế tên lửa đạn đạo và từ bỏ bảo trợ tổ chức khủng bố, đồng thời khiến nước Cộng hòa Hồi giáo không thể sản xuất nguyên liệu cần thiết cho đầu đạn hạt nhân trong ít nhất vài thập kỷ tới. Người Iran nói “không”.

Cựu quan chức Mỹ Vali R. Nasr, giảng viên Quan hệ Quốc tế tại Đại học John Hopkins (Mỹ), nhận định Tehran và Washington đang “đàm phán về hai thỏa thuận khác nhau”. Điều này lý giải tại sao quá trình thương thảo, nối lại thỏa thuận từng được phê chuẩn lại tiến triển chậm tới vậy.

Mục tiêu của Washington là buộc Tehran ký một thỏa thuận nhằm kế tiếp hạn chế tên lửa đạn đạo và từ bỏ bảo trợ tổ chức khủng bố, đồng thời khiến nước Cộng hòa Hồi giáo không thể sản xuất nguyên liệu cần thiết cho đầu đạn hạt nhân trong thời gian tới. Người Iran nói “không”.

Trùng trùng áp lực

Quan trọng hơn, Mỹ và Iran đều đứng trước áp lực lớn nhằm đạt một thỏa thuận tốt hơn JCPOA.

Khi vòng đàm phán mới vào thứ Sáu tuần trước, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đang đứng trước thời khắc quyết định. Các quan chức Iran, châu Âu và Mỹ nhận định triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn còn đó.

Tuy nhiên, tương lai về một thỏa thuận “mạnh mẽ, bền vững” hơn nhằm ngăn Iran thu thập nguyên liệu hạt nhân, chấm dứt thử nghiệm tên lửa và bảo trợ khủng bố, như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề cập, đang xa vời hơn bao giờ hết.

Đây là rủi ro chính trị lớn với Tổng thống Joe Biden. Sau vòng đàm phán trước đó, ông hiểu rằng mình không thể lặp lại những gì người tiền nhiệm Barack Obama đã làm 6 năm về trước và lấp liếm bằng triển vọng mơ hồ về một thỏa thuận chưa thành hình.

Ông cũng phải đối mặt với một Quốc hội đầy hoài nghi về bắt tay với Iran và đồng cảm với cách tiếp cận của đồng minh Israel.

Vậy cách tiếp cận của Israel là gì?

Ngay trong lúc thảo luận Mỹ-Iran diễn ra tại Vienna, nước này vẫn duy trì chiến dịch quấy phá và ám sát nhằm cản bước Iran, thậm chí là cả cuộc thảo luận. Chẳng ngẫu nhiên mà một ngày đẹp trời, Giám đốc cơ quan tình báo Mossad bỗng xuất hiện tại Mỹ và gặp riêng ông chủ Nhà Trắng.

Với ông Joe Biden, vụ nổ tháng trước tại nhà máy hạt nhân Natanz của Iran, ngay trước khi Washington thúc đẩy tiến trình đàm phán là không hề tình cờ.

Ảnh nhìn từ trên cao cơ sở hạt nhân Natanz (Iran) sau khi xảy ra vụ nổ được cho là có liên hệ với Israel. (Nguồn: Reuters)

Sự nghi ngờ của ông Biden là có cơ sở. Trong cuộc gặp tuần trước với các quan chức phụ trách an ninh quốc gia tại Washington, phía Israel cho rằng Mỹ đã ngây thơ khi muốn trở lại JCPOA. Đáp lại, chính quyền ông Biden cho rằng cách tiếp cận “áp lực tối đa” của cựu Tổng thống Donald Trump mới thất bại: Nó không thể khiến Iran nhượng bộ hay từ bỏ bảo trợ khủng bố, thậm chí còn tạo khoảng trống để Tehran phát triển chương trình hạt nhân, tiến tới đẩy mức độ làm giàu Uranium lên 60%, đủ để sản xuất đầu đạn hạt nhân.

Khi ấy, Mỹ buộc phải hành động.

Tuy nhiên, phía Iran cũng không dễ chịu hơn. Cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra trong 6 tuần nữa. Bất chấp sự ủng hộ của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei cho quá trình đàm phán, ông Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif vẫn gặp nhiều khó khăn trong nối lại thỏa thuận cũ hay xây dựng các thỏa thuận mới trước sự hoài nghi của phe tướng lĩnh bảo thủ.

Ngày 9/5, trong động thái nhằm giảm áp lực, ông Rouhani khẳng định “hầu hết cấm vận lớn đã được dỡ bỏ”, ẩn ý rằng Iran có thể tuân thủ giới hạn về làm giàu hạt nhân nếu Mỹ đáp ứng điều kiện.

Mong manh lằn ranh đỏ

Đó là chưa kể tới sự phức tạp và những rủi ro phát sinh trong quá trình đàm phán.

Đầu tiên, cuộc thảo luận gián tiếp tại Vienna giữa Mỹ-Iran được triển khai từ đầu tháng 4, song chỉ tới gần đây, phía Mỹ mới thừa nhận giải pháp duy nhất để xây dựng lòng tin với lãnh đạo Iran, mở đường cho các cuộc đàm phán về những thỏa thuận lớn hơn là bàn về JCPOA.

Hiện Mỹ-Iran đã thiết lập 3 nhóm làm việc: một nhóm về các lệnh cấm vận có thể gỡ bỏ, nhóm thứ hai về khôi phục giới hạn làm giàu Uranium và nhóm còn lại giải quyết quá trình trở lại thỏa thuận năm 2015.

Trong số đó, câu chuyện lựa chọn cấm vận gỡ bỏ nóng hơn cả. Cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt tới 1.500 lệnh cấm vận nhằm ngăn chặn việc hồi sinh JCPOA.

Trước tình hình đó, nhóm làm việc đã phân loại chúng ra làm ba loại, tương ứng với màu của đèn giao thông: Các lệnh màu xanh lá cây sẽ được gỡ bỏ, màu vàng sẽ được đem ra thảo luận và màu đỏ sẽ tiếp tục được duy trì.

Chính quyền ông Biden lại cho rằng cách tiếp cận “áp lực tối đa” của ông Donald Trump mới là thứ thất bại khi không thể khiến Iran nhượng bộ hay từ bỏ bảo trợ khủng bố, thậm chí tạo khoảng trống để Tehran đẩy mức độ làm giàu Uranium lên tới 60%, đủ để sản xuất đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, đồng thuận về các lệnh trừng phạt cần gỡ bỏ là không đơn giản. Ví dụ, trong các lệnh cấm vận đã được thảo luận, Iran cho rằng cần dỡ bỏ các tuyên bố coi nhiều cơ quan của nước này là tổ chức khủng bố, trong đó có ngân hàng trung ương, bởi chúng gây tổn hại thương mại. Song Mỹ khó có thể làm điều tương tự với IRGC, bộ não đứng sau các hoạt động bảo trợ khủng bố.

Đáng ngại hơn, quá trình đàm phán mong manh này có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Chỉ cần các chiến dịch tấn công gần đây của Iran và các lực lượng được bảo trợ tại Iraq gây bất kỳ một thương vong nào cho quân đội Mỹ, những cuộc đàm phán dày công xây dựng có thể sẽ kết thúc.

Khi ấy, triển vọng có một thỏa thuận Mỹ-Iran, dù cũ hay mới, sẽ chỉ mong manh như tuyết rơi mùa hè mà thôi.

(theo New York Times)