Người dân ở một khu chợ tại Kolkata, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters) |
Theo báo cáo Triển vọng Dân số thế giới năm 2022 được LHQ công bố vào Ngày Dân số Thế giới (11/7), Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số lần lượt là 1,426 tỷ và 1,412 tỷ trong năm 2022.
Theo điều tra dân số Ấn Độ được tiến hành 10 năm/lần, năm 2011, dân số nước này là 1,21 tỷ người. Tuy nhiên, năm 2021, do đại dịch Covid-19, Ấn Độ không thể thực hiện điều tra dân số trong nước.
Theo LHQ, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Ấn Độ sẽ có dân số 1,668 tỷ người vào năm 2050. Trong khi đó, dân số Trung Quốc giảm xuống còn 1,317 tỷ người vào giữa thế kỷ. LHQ cảnh báo tỷ lệ sinh cao sẽ là một thách thức với tăng trưởng kinh tế với các quốc gia này.
LHQ cũng dự báo dân số toàn cầu sẽ tăng lên xấp xỉ 8 tỷ người vào ngày 15/11 năm nay và tăng lên 8,5 tỷ người vào năm 2030.
Tới năm 2050, thế giới được dự báo sẽ có 9,7 tỷ người khi tốc độ tử vong chậm lại và đạt đỉnh 10,4 tỷ người vào khoảng những năm 2080. Sau đó, dân số toàn cầu sẽ duy trì ở mức này cho tới khoảng năm 2100.
Dân số thế giới hiện nay đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950 với mức tăng giảm xuống dưới 1% vào năm 2020.
Năm 2021, tỷ lệ sinh trung bình của dân số thế giới trên một phụ nữ là 2,3 lần sinh trong suốt cuộc đời, giảm từ khoảng năm lần sinh vào năm 1950. Mức sinh toàn cầu được dự báo sẽ giảm tiếp xuống một phụ nữ là 2,1 lần sinh vào năm 2050.
Trách nhiệm chung
Theo Tổng thư ký LHQ António Guterres, “Ngày Dân số thế giới là dịp để tôn vinh sự đa dạng của chúng ta, và ghi nhận những tiến bộ trong y tế đã kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em”.
Tuy nhiên, Tổng thư ký António Guterres cho rằng, dân số ngày càng tăng là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc chăm sóc hành tinh và để “phản ánh xem chúng ta vẫn còn thiếu cam kết với nhau ở đâu”.
Trước đó, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, từ tháng 1/2020-12/2021 có khoảng 14,9 triệu người tử vong do đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, tuổi thọ trung bình toàn cầu đã giảm từ 72,8 tuổi năm 2019 xuống 71 tuổi vào năm 2021.
LHQ dự báo, hơn một nửa số dân toàn cầu dự kiến gia tăng đến năm 2050 sẽ tập trung ở tám quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Và trong khoảng từ năm 2022-2050, có 61 quốc gia trên thế giới được dự báo sẽ có mức dân số giảm từ 1% trở lên do mức sinh giảm.
Cùng với đó, nạn đói đang gia tăng và thế giới khó có thể chấm dứt tình trạng cực nghèo, cũng như khó đạt được một số mục tiêu khác vào năm 2030. Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 736 triệu người đang sống trong cảnh cực nghèo, trong đó khoảng 413 triệu người thuộc vùng hạ Sahara châu Phi.
Biến đổi khí hậu và bất bình đẳng gia tăng được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, cản trở những tiến bộ đạt được thời gian qua.
Đối mặt thách thức
Cùng xu thế giảm sinh và tăng tuổi thọ của thế giới, tại Việt Nam, những thành tựu của công tác dân số thời gian qua gắn với kết quả là mức sinh giảm và tuổi thọ trung bình tăng lên. Theo Tổng cục Thống kê, sau ba thập kỷ, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa, chỉ còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Tuổi thọ của người dân Việt Nam là 73,6 tuổi. Kết quả này đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy đạt được nhiều mục tiêu về dân số-phát triển và thiên niên kỷ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đang đặt ra cho ngành y tế và các bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Đó là quy mô dân số trên 96 triệu người vốn đã quá tải với diện tích hẹp, vẫn tiếp tục tăng.
Mức sinh tuy giảm nhưng tiềm ẩn những nguy cơ thiếu bền vững. Chẳng hạn như tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai trước hôn nhân ở tuổi thanh niên, vị thành niên còn cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng, các yếu tố về tầm vóc, thể lực còn hạn chế, chiều cao cân nặng và sức bền còn thấp so với nhiều nước trong khu vực; tỷ lệ tử vong trẻ em và bà mẹ vẫn còn cao, số lượng người tàn tật còn lớn; tỷ lệ bị thiểu năng trí tuệ; tình trạng bệnh dịch, nhất là nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây qua đường tình dục đáng lo ngại...
Tất cả những thách thức trên đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực thực hiện tốt chiến lược dân số. Bên cạnh đó, cần phối hợp với LHQ và các đối tác quốc tế để cùng nỗ lực nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam, trên thế giới phải đối mặt.
| Đông Nam Á - ‘vựa lúa’ của thế giới trước nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu Dù có thế mạnh về nông nghiệp, được coi là “vựa lúa” của thế giới nhưng Đông Nam Á cũng phải đối mặt với nhiều ... |
| Dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người: Bằng chứng của sự tiến bộ vượt bậc, nhưng cơ hội và thách thức vẫn còn ở phía trước Dân số thế giới dự kiến sẽ đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11, theo Dự báo dân số thế giới năm 2022 (World Population ... |