📞

Dân số thế giới đạt 8 tỷ người: 'Con người là giải pháp, không phải là vấn đề'

Lê An 13:31 | 15/11/2022
Ngày 15/11, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp với kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sự kiện 'Thế giới 8 tỷ người' và trao giải cuộc thi vẽ với thông điệp 'Con người là giải pháp, không phải là vấn đề'.

Theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 do Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc công bố, ngày hôm nay (15/11) dân số thế giới đạt 8 tỷ người.

Để kỷ niệm sự kiện này, cuộc thi vẽ “Tôi và thế giới 8 tỷngười” đã được UNFPA và kênh VTV2 tổ chức từ ngày 28/10 đến 14/11 với thông điệp “Con người là giải pháp, không phải là vấn đề”.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara (bên trái) trao giải Đặc biệt cho thí sinh Lê Bảo Linh tại cuộc thi vẽ "Tôi và thế giới 8 tỷ người". (Ảnh: Lê An)

Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 bài dự thi của công dân Việt Nam, các bài dự thi chia sẻ những ý tưởng sáng tạo để xây dựng một thế giới tốt đẹp và vững mạnh hơn, nơi mọi người có thể tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau.

Ngoài ra, thông điệp “8 tỷ hy vọng, 8 tỷ giấc mơ, 8 tỷ giải pháp” cũng được UNFPA in lên hai xe buýt liên tỉnh chạy dọc từ Bắc vào Nam từ ngày 16-30/11/2022.

Bức tranh đoạt giải Đặc biệt của cuộc thi. (Ảnh: Lê An)

Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem nhận định: “Con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm trước đây cho thấy đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững”.

Theo đó, UNFPA sẽ phối hợp với các đối tác và cộng đồng khắp nơi trên thế giới để khai thác sức mạnh của 8 tỷ người, nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình Hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994.

Khi các quyền và sự lựa chọn của mọi người đều được bảo vệ để ai cũng được hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, được trao quyền và cơ hội, thì nhân loại sẽ nắm giữ chìa khóa vạn năng, giúp khai phá tiềm năng của tất cả mọi người, từ đó giải quyết những thách thức đang đe dọa xã hội và các vấn đề toàn cầu khác.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh tại Việt Nam, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara chia sẻ: “Thế giới của chúng ta không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn như một gia đình. Số lượng rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần cẩn trọng.

Chúng ta cần xây dựng một thế giới với 8 tỷ con người kiên cường, một thế giới đề cao quyền và lựa chọn của mỗi cá nhân, mang đến những khả năng vô hạn - khả năng cho con người, xã hội và hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng”.

Bà Naomi Kitahara cũng khẳng định: “UNFPA sẽ tiếp tục thúc đẩy quyền cơ bản của mỗi cá nhân và cặp vợ chồng trong việc tự do đưa ra quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh.

UNFPA sẽ hỗ trợ Chính phủ các nước nhằm xây dựng một thế giới không còn các ca mang thai ngoài ý muốn, một thế giới mà các trường hợp sinh nở đều được an toàn, và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát triển một cách tối đa".

Các phát hiện chính của Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022:

Dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỷ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.

Mất khoảng 12 năm để tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ, xấp xỉ thời gian thời gian từ 6 tỷ lên 7 tỷ. Một tỷ tiếp theo dự kiến sẽ cần khoảng 14,5 năm (năm 2037).

Một nửa trong số 8 tỷ người được bổ sung vào dân số thế giới là kết quả của khuynh hướng nhân khẩu học ở châu Á. Châu Phi đóng góp lớn thứ hai (gần 400 triệu người).

10 quốc gia đã đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng dân số từ 7 tỷ đến 8 tỷ. Cho đến nay, Ấn Độ là nước đóng góp lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Nigeria.

Châu Phi và châu Á sẽ thúc đẩy sự gia tăng dân số cho đến khi đạt được con số 9 tỷ người vào năm 2037.

Ngày nay, 2/3 dân số toàn cầu sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh dưới 2,1 con trên một phụ nữ (còn gọi là mức sinh thay thế).

Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi vào năm 2019, tăng gần 9 năm tuổi kể từ năm 1990. Nhưng vào năm 2021, tuổi thọ của các nước kém phát triển nhất đã tụt hậu 7 năm tuổi so với mức trung bình toàn cầu.

Ở nhiều nước đang phát triển, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 64 tuổi) ngày càng tăng.