📞
Kỷ niệm lần thứ 74 Ngày thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam:

Dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Bộ Ngoại giao tại Tuyên Quang

Xuân Thông 09:07 | 29/08/2019
TGVN. Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và lần thứ 74 Ngày truyền thống ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2019), ngày 27/8, Đoàn công tác liên Vụ của Bộ Ngoại giao đã về thăm Khu di tích lịch sử của Bộ Ngoại giao tại thôn Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Đoàn công tác liên Vụ của Bộ Ngoại giao về thăm Khu di tích lịch sử của Bộ Ngoại giao tại thôn Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Xuân Thông)

Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp mùa Thu Tháng Tám, Bộ Ngoại giao lại tiến hành hoạt động về nguồn nhằm kỷ niệm ngày thành lập Nước và Ngành Ngoại giao, tưởng nhớ công lao của các vị tiền bối và xây dựng truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.

Tham gia đoàn công tác lần này có các đồng chí lãnh đạo, cùng đại diện các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và Ban Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao. Đoàn công tác liên Vụ Bộ Ngoại giao do Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao Nguyễn Văn Đoàn dẫn đầu đã dâng hương tại Khu Di tích Bộ Ngoại giao tại thôn Dõn, xã Minh Thanh, Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Thay mặt Đoàn, ông Nguyễn Văn Đoàn đã đọc lời tưởng niệm, nêu bật công lao của các bậc tiền bối, của các thế hệ đi trước đã nỗ lực hết mình cho sự ra đời và hoạt động của ngành Ngoại giao từ những ngày đầu gian khó, đặt nền móng cho việc tạo dựng nên những kỳ tích to lớn trên mặt trận đối ngoại trong kháng chiến cũng như sau này.

Đoàn công tác Bộ Ngoại giao bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn tới Bác Hồ kính yêu, người Thầy, người Sáng lập và trực tiếp chỉ đạo Ngoại giao Việt Nam hiện đại. 74 năm qua, các cán bộ ngoại giao Việt Nam luôn kiên định đi theo con đường của Bác, học tập và làm theo phong cách Ngoại giao Hồ Chí Minh, không ngừng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng bản lĩnh chính trị, nhân cách, phẩm chất, đạo đức, nỗ lực học tập nâng cao trình độ, xứng đáng là đội ngũ tiên phong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Bộ Ngoại giao tại Tuyên Quang.

Bộ Ngoại giao được thành lập ngày 28/8/1945, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp làm Bộ trưởng đầu tiên. Trong thời gian 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bộ Ngoại giao, mới đầu gồm 7 cán bộ, đã sơ tán lên An toàn khu vào đầu năm 1947 và phải chuyển địa điểm nhiều nơi nhằm tránh địch tấn công. Từ đầu năm 1951, cơ quan Bộ Ngoại giao, lúc này phát triển lên khoảng 50 người, chuyển về đóng hẳn tại Đồng Chùa, xóm Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, nơi có Khu di tích hiện nay.

Thủ đô “gió ngàn” trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, Tuyên Quang là nơi đóng trụ sở của nhiều cơ quan đầu não của đất nước trong đó có Bộ Ngoại giao.

Xóm Dõn, xã Minh Thanh nói riêng là nơi Bộ Ngoại giao “dừng chân” lâu nhất trong kháng chiến chống Pháp, và là nơi đã chứng kiến những bước phát triển, trưởng thành của ngành Ngoại giao Việt Nam. Đây là nơi ngoại giao triển khai những lập trường, quan điểm của Đảng và Chính phủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường ra quốc tế nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

Trong giai đoạn từ 1947-1949, Bộ Ngoại giao đã mở cơ quan đại diện tại Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ; lập phòng thông tin ở 10 nước; tham gia các đoàn vận động quốc tế, đưa thông tin, hình ảnh kháng chiến vượt vòng vây tới bạn bè thế giới. Chính tại nơi đây, từ năm 1950, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta đã trao đổi công hàm với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác khi Việt Nam và các nước này thiết lập quan hệ ngoại giao.

Năm 1951, cơ quan Bộ Ngoại giao đóng tại đây đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, nhắc nhở nhiệm vụ Ngoại giao phục vụ Kháng chiến và mở rộng quan hệ quốc tế.

Kháng chiến thắng lợi, trở về Hà Nội, các cán bộ Ngoại giao luôn ghi sâu ân tình của “Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa”, của quân dân Tuyên Quang nói chung và Minh Thanh nói riêng, nhớ mãi “Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”.

Ngày 21/8/2000, Khu di tích Bộ Ngoại giao được Nhà nước công nhận là Khu di tích quốc gia. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành, Bộ Ngoại giao đã tiến hành tu bổ, sửa sang lại Khu di tích.

74 năm qua, ngành Ngoại giao không ngừng lớn mạnh với đội ngũ hiện tại trên 2.000 cán bộ tại chức cùng đông đảo cán bộ hưu trí. “ Nước trôi, lòng suối chẳng trôi, Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non, Ngành ngoại giao luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ tiền bối đã sống và làm việc hết mình trong vòng tay thân ái của quân dân địa phương trong những năm tháng gian lao của dân tộc.

Ngành ngoại giao luôn coi trọng ôn lại truyền thống như một lời nhắc nhở các thế hệ kế tiếp rằng hiện tại tốt đẹp được xây đắp trên nền tảng của quá khứ, và chúng ta phải ghi nhớ để phát huy truyền thống vinh quang, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, đất nước và nhân dân giao phó.