Lễ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Từ trái sang phải: Hồ Chủ tịch, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam Jean Sainteny, Leon Pignon, Cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương và Luis Caput, Bí thư Phân bộ Đảng Xã hội Pháp (SFIO) ở Bắc Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
Ngày mồng 9/3/1945, quân đội Nhật đảo chính Pháp, lật đổ bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương.
15 ngày sau (24/3/1945) chính quyền Pháp do De Gaulle cầm đầu lưu vong ở nước ngoài, ra một tuyên ngôn, nói rằng sau chiến tranh Pháp sẽ vẫn trở lại cai trị Đông Dương.
Tháng 8/1945, Nhật đầu hàng các nước Đồng minh. Chính phủ De Gaulle vội vàng cử Tướng Leclerc chỉ huy một đội quân viễn chinh đi tái chiếm Đông Dương, cử Thủy sư Đô đốc d’Argenlieu (một thầy tu phá giới) làm Cao ủy Cộng hòa Pháp ở Đông Dương (tức là Toàn quyền Đông Dương với một nhãn hiệu mới).
Chính phủ De Gaulle cử một “quan cai trị thuộc địa” tên là Cedille làm Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ (tức là Thống đốc Nam Kỳ) và và một “quan cai trị thuộc địa” tên là Messmer làm Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Kỳ (tức là Thống sứ Bắc Kỳ).
Lúc đó, Cách mạng tháng Tám đã thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập. Ngày 2/91945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc tại Quảng trường Ba Đình bản “Tuyên ngôn độc lập” lịch sử. Tên Cedille nhảy dù xuống vùng Tây Ninh. Tướng Gracey chỉ huy quân đội Anh (được các nước Đồng minh ủy nhiệm đến giải giáp quân đội Nhật) ra sức giúp Leclerc và Cedille bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta. Leclerc huyênh hoang tuyên bố sẽ “bình định Nam Bộ” trong vòng bốn tuần lễ. Tên Messmer nhảy dù xuống vùng Bắc Ninh, bị dân quân địa phương bắt được, nhưng dân quân vì sơ suất, để hắn sổng mất.
Trong thời gian đó, một sĩ quan tình báo Pháp tên là Jean Sainteny, chỉ huy một đơn vị tình báo Pháp đóng ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc) đi nhờ một máy bay Mỹ đến Gia Lâm bị quân đội Nhật phát hiện, đưa về Hà Nội, “tạm trú” tại khách sạn “Metropole”. Quần chúng ta đến biểu tình phản đối sự có mặt của người Pháp đó, nhưng quân Nhật gác ở khách sạn không dám làm gì vì lúc đó chúng đã bại trận. Sau đó bọn Nhật chuyển Sainteny từ khách sạn Metropole đến ở Phủ Toàn quyền cũ (nay là Phủ Chủ tịch), và canh gác không cho y quan hệ với bên ngoài, với lý do là để bảo vệ y, trong lúc chưa có lệnh của cấp trên.
Một ngày trong khoảng giữa tháng 9/1945, tôi (1) đang làm việc tại 12 Ngô Quyền (trụ sở Bộ Nội vụ, đồng thời là nơi làm việc của Bác), một đồng chí cảnh vệ gác cổng vào báo cáo: có hai người nước ngoài xin gặp một quan chức Việt Nam. Được cho vào, hai người kia nói: “Chúng tôi là hai sĩ quan Pháp, giúp việc ông Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp, ông ấy đề nghị được gặp đại diện Chính phủ Việt Nam để trao đổi ý kiến về vấn đề quan hệ giữa hai nước”.
Họ nói tiếp: “Ông Sainteny hiện đang ở trong Phủ Toàn quyền, nhưng quân đội Nhật không cho phép liên lạc với bên ngoài. Hai chúng tôi phải đánh lừa bọn lính Nhật, mới đến được đây. Từ nơi chúng tôi bị giam lỏng, chúng tôi đã theo dõi cuộc mít tinh ngày mồng 2/9 của các ông, rất đông người dự, nhưng rất trật tự, để lại cho chúng tôi một ấn tượng sâu sắc”.
Tôi ghi tên hai người Pháp, và bảo họ tôi sẽ trả lời sau.
Tôi báo cáo với Bác Hồ và anh Võ Nguyên Giáp (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) và nói thêm rằng, tôi đã nghe nói về Sainteny: Y sinh trưởng trong một gia đình giàu có, là một sĩ quan trong quân đội Pháp. Sainteny là con rể của Albert Sarraut, nguyên Toàn quyền Đông Dương (2). Tên thật của y là Jean Roger và y cũng đã là chủ một hãng bảo hiểm ở Hải Phòng. Nghe xong, Bác nói: “Chú Giáp có thể cho anh ta gặp, xem anh ta nói gì”.
Tôi báo cho Sainteny đến gặp anh Giáp và sau đó anh Giáp cho biết: “Thái độ của Sainteny là mềm mỏng, nhưng lập trường của anh ta thì không khác lập trường của Tuyên ngôn ngày 24/3/1945 của De Gaulle”.
Tháng 9/1945, quân đội Tưởng Giới Thạch kéo vào miền Bắc nước ta với danh nghĩa thay mặt Đồng minh giải giáp quân Nhật, nhưng với ý đồ sẽ ở lại vĩnh viễn. Chúng kéo theo một bè lũ tay sai là Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội sẵn sàng gây rối và lật đổ Chính phủ ta.
Bản copy biên bản họp Hội đồng Chính phủ với Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, Nguyễn Văn Tố, Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy, Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp và Phó Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên Hội Vũ Hồng Khanh sáng ngày 6/3/1946 nhất trí việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên Hội Vũ Hồng Khanh ký Hiệp định đình chiến với Pháp. (Ảnh tư liệu) |
Lúc đó, tình hình rất phức tạp:
1/ Ở miền Nam, cuộc kháng chiến của đồng bào ta là vô cùng anh dũng, và gây cho địch nhiều khó khăn, nhưng giặc Pháp được thực dân Anh ủng hộ, ra sức đẩy mạnh khủng bố, càn quét, lấn chiếm.
2/ Ở miền Bắc, 180.000 quân Tưởng nhếch nhác, đói khát, bệnh tật, ăn bám, vừa là một gánh nặng, vừa là một mối đe dọa. Bọn Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội luôn luôn quấy rối, yêu sách, chống đối.
3/ Giữa Tưởng và Pháp có mâu thuẫn rõ ràng: quân đội Tưởng còn ở đó, thì quân Pháp không thể kéo vào. Mâu thuẫn giữa Tưởng và Pháp, trên một khía cạnh nào đó, có lợi cho ta; nhưng Bác và Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã thấy trước rằng, hai tên kẻ cướp kia, một ngày nào đó, sẽ đi đến dàn xếp với nhau “trên lưng” chúng ta.
Quả nhiên, tháng Giêng 1946, ta được tin đại diện của Pháp và đại diện của Tưởng đang mặc cả với nhau ở Trùng Khánh.
Trong thời gian đầu, lúc chưa họp Quốc hội khóa I, Bác là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời và kiêm luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao. Văn phòng của Bác thiếu một người giúp việc phụ trách về tiếng Pháp, vì thế anh Giáp đề xuất tôi. Tôi được Bác tin dùng, đồng thời, tôi cũng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp.
Theo chỉ thị của Bác, tôi đã nhiều lần lui tới nhà riêng của Sainteny. Y ở một căn nhà hai tầng, ở góc giữa hai phố Lý Thường Kiệt và Quang Trung (gần Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bây giờ). Ngôi nhà này trước đây một người Pháp tên là Sacton ở, sau đã về nước. Trước đó, tôi đã nghe nói là các lãnh tụ Quốc dân đảng cũng hay lui tới nhà riêng Sainteny.
Một lần, tôi đến nhà của y và thấy trong ngăn kéo cố tình để hở của y một gói tiền to. Sainteny mời tôi ngồi và hỏi: “Tôi nghe nói các anh làm việc không có lương à?” (Thực tế cũng đúng thôi vì độc lập rồi nhưng tiền không có, tiền ở nhà băng chúng lấy hết rồi).
Tôi im lặng, y lại nói tiếp: “Anh cần tiền thì tôi cho vay tạm một ít. Những người của Quốc dân đảng ở đây mới ra, tôi cũng cho một ít tiền”. Sainteny trắng trợn đến như vậy đó!
Với lòng tự trọng, tôi muốn mắng cho y một trận ngay lúc ấy, nhưng nghĩ đến nhiệm vụ mà Bác đã giao cho nên đã kiềm chế được.
Tôi trả lời: “Một là Quốc dân đảng có lấy tiền của anh hay không thì tôi không biết. Hai là chúng tôi không ăn lương nhà nước là đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không, vì Cách mạng mới thành công xong, đang gặp rất nhiều khó khăn. Anh hãy cất tiền đi, tôi không cần. Nếu anh có nhiều tiền thì anh trực tiếp nói với cụ Hồ Chí Minh với tư cách Nhà nước Pháp cho Chính phủ Hồ Chí Minh vay, còn nếu anh đưa với tư cách cá nhân thì không ăn thua gì đâu”.
Nghe xong, Sainteny đóng ngăn kéo lại và nói: “Thôi để nói sau”, việc mua chuộc tôi đã không thành.
Lúc về, tôi báo cáo lại sự việc trên cho Bác nghe. Bác bảo tôi: “Chú không cáu kỉnh với nó thế là tốt, vì mình còn phải làm việc với nó mà. Trong ngoại giao, nó thế nào cũng được, còn mình thì phải khéo léo. Vấn đề nó định dùng tiền mua chuộc, chú nói một câu như thế là nó hiểu rồi”.
(1) Sắc lệnh đầu tiên của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời VNDCCH mang số 01SL, ngày 30/8/1945 do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thừa ủy quyền Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ký bổ nhiệm ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. Ngày 2/3/1946, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I cử ông Hoàng Minh Giám làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nôi vụ (Bộ trưởng Nội vụ là Cụ Huỳnh Thúc Kháng).
(2) Sau khi ở Đông Dương về nước, Albert Sarraut trở thành Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp và đã gặp Nguyễn Ái Quốc khi đó đang hoạt động trong phong trào yêu nước ở Paris.
(Còn nữa)