📞

Đằng sau cảnh báo của Trung Quốc với Bangladesh về Bộ tứ

Kim Huyền 09:21 | 22/05/2021
Theo The Diplomat, việc Trung Quốc cảnh báo Bangladesh không nên tham gia nhóm Bộ tứ (Quad) cho thấy, Bắc Kinh đã lộ rõ sự bất an.

Trong bài viết của mình, tác giả Nilotpal Bhattacharjee* nhận định, Trung Quốc đã để lộ rõ quan ngại sâu sắc về Bộ tứ (Quad), một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Li Jiming phát biểu trong cuộc gặp trực tuyến tuyến với các nhà báo ở Dhaka, Bangladesh ngày 10/5. (Nguồn: Tân hoa xã)

Lo ngại của Bắc Kinh trước sự mở rộng của tập hợp do Mỹ dẫn dắt đã được phản ánh trong phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Li Jiming.

Tại cuộc họp trực tuyến do Hiệp hội Phóng viên Đối ngoại tổ chức ngày 10/5, Đại sứ Li Jiming đã cảnh báo Dhaka không nên gia nhập “câu lạc bộ” này và cho rằng nếu làm vậy sẽ gây “thiệt hại nghiêm trọng” đến mối quan hệ song phương giữa Bangladesh và Trung Quốc.

Nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bộ tứ là "một liên minh quân sự nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc” tại khu vực Nam Á và Bangladesh không nên tham gia nhóm “có mục đích hẹp hòi” này.

Phản ứng trái chiều

Phát biểu của Đại sứ Li Jiming đã vướng phải những chỉ trích nặng nề từ Bangladesh. Ngoại trưởng Bangladesh A.K. Abdul Momen nói rằng tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc là “rất đáng tiếc” và "hung hăng".

Ông Momen nhấn mạnh rằng Bangladesh, với tư cách là quốc gia độc lập có chủ quyền, sẽ tự quyết định việc tham gia bất kỳ liên minh nào.

Tuy nhiên, sau đó Đại sứ Li Jiming đã làm rõ với Ngoại trưởng Momen rằng ông chỉ đang bày tỏ quan điểm cá nhân của mình trước câu hỏi của một nhà báo và ông không đưa ra bất cứ đề xuất nào với chính phủ Bangladesh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như đang bảo vệ Đại sứ Li Jiming và tỏ rõ sự nghi ngờ trước động cơ của Bộ tứ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng ta đều biết Bộ tứ là kiểu cơ chế gì. Trung Quốc phản đối nỗ lực của một số nước nhằm thành lập một bè phái độc quyền, xem Trung Quốc như một thách thức và gieo rắc mối bất hòa giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực”.

Bà Hoa tuyên bố rằng những phát ngôn bày tỏ sự phản đối không phải là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, mà là nhằm loại bỏ các bè phái nhỏ và khối chính trị.

Cảnh báo bất thường từ ông Li Jiming được đưa ra vài tuần sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới Bangladesh.

Theo Tân Hoa xã, trong cuộc gặp với Tổng thống Bangladesh Abdul Hamid ở Dhaka vào tháng 4, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa bày tỏ hy vọng rằng hai bên sẽ cùng nỗ lực “chống lại các cường quốc bên ngoài khu vực đang thiết lập một liên minh quân sự ở Nam Á và thực thi chủ nghĩa bá quyền".

Trong một cuộc họp báo tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng đã đưa ra phản ứng đối với phát ngôn của Đại sứ Li Jiming.

Ông Ned Price cho biết Mỹ đã lưu ý về tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc và Mỹ tôn trọng quyền của Bangladesh trong việc tự quyết định về chính sách đối ngoại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng làm rõ rằng, Bộ tứ không phải là một liên minh quân sự, mà “là một cơ chế đa phương không chính thức và cần thiết” nhằm thúc đẩy mục tiêu hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Bước đi của Bộ tứ

Bộ tứ ra đời vào năm 2007 theo sáng kiến ​​của Nhật Bản. Sau nhiều năm không hoạt động, 4 thành viên đã nối lại đối thoại vào cuối năm 2017 và duy trì cuộc gặp hai lần một năm. Tập hợp này đã có một động lực mới tại Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của các nhà lãnh đạo theo hình thức trực tuyến vào ngày 12/3 vừa qua.

Tuyên bố chung của Hội nghị đề cập “tầm nhìn chung” của 4 nước về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mặc dù không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng Bộ tứ vẫn được coi là một nhóm chống lại Trung Quốc.

Ngày 20/3, quan chức cấp cao của các nước Bộ tứ đã gặp mặt trực tuyến để thảo luận về đại dịch Covid-19, và lần này có sự góp mặt của một số nước khác như Hàn Quốc và New Zealand. Sự kiện này đã làm dấy lên cuộc thảo luận về khả năng sẽ có một “Bộ tứ mở rộng” (Quad+).

Cuộc họp không thảo luận về bất kỳ vấn đề nào khác ngoài việc hỗ trợ các nước tại khu vực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Thế nhưng, Trung Quốc cũng lo ngại rằng Mỹ và Ấn Độ có thể cùng gây áp lực khiến Bangladesh tham gia nhóm mở rộng.

Từ một quốc gia kém phát triển nhất thế giới, Bangladesh đang trên con đường trở thành một nước đang phát triển vào năm 2026. (Nguồn: Britannica)

Thời điểm thích hợp

Do có vị trí địa lý quan trọng về mặt chiến lược và nằm gần Vịnh Bengal, Bangladesh ngày càng được coi trọng, nhất là trên phương diện địa chiến lược và địa chính trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trung Quốc coi Bangladesh là một đối tác chiến lược quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI). Các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều dự án phát triển tại đây.

Nếu Bangladesh tham gia Bộ tứ mở rộng, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực đưa Nam Á vào quỹ đạo địa chính trị của Trung Quốc.

Phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc có thể được coi là một nước đi được cân nhắc kỹ của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn mọi khả năng Bangladesh gia nhập nhóm này trong tương lai.

Trong khi đó, lời cảnh báo của Đại sứ được đưa ra vào thời điểm Dhaka đang nỗ lực để nhập khẩu vaccine Covid-19, kể cả từ Trung Quốc, sau khi chính phủ Ấn Độ ngưng xuất khẩu vaccine do nhu cầu trong nước.

Vào ngày 12/5, Bangladesh đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Covid-19 do chính phủ Trung Quốc trao tặng. Dhaka đã đặt hàng thêm khoảng 40 đến 50 triệu liều vaccine Covid-19 của Trung Quốc, dự kiến sẽ nhận đầy đủ vào cuối năm nay.

Lợi dụng tình hình Covid-19 lây lan mạnh ở Ấn Độ, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác chống dịch với Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh, đồng thời bắt đầu khởi công chiến dịch xây dựng kho dự trữ vaccine cho toàn Nam Á.

Chính vì vậy, Trung Quốc cho rằng đây là thời điểm thích hợp để cảnh cáo Bangladesh về Bộ tứ, trong bối cảnh Dhaka đang chịu nhiều áp lực trong cuộc chiến chống Covid-19 và cần phải phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Chính sách cân bằng

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Sheikh Hasina, Bangladesh đang dần duy trì được sự cân bằng giữa các cường quốc toàn cầu. Dhaka nhận thức rõ được sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản để duy trì sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng.

Từ một quốc gia kém phát triển nhất thế giới, Bangladesh đang trên con đường trở thành một nước đang phát triển vào năm 2026. Mặc dù đây là một điều đáng mừng, nhưng các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng điều này sẽ kéo theo nhiều thách thức lớn về mặt kinh tế.

Bangladesh sẽ mất đi những lợi ích thương mại mà họ đang được hưởng khi là một quốc gia kém phát triển. Do vậy, chính phủ cần tận dụng tối đa 5 năm tới để quá trình chuyển đổi bền vững.

ờ, Bangladesh dường như sẽ tiếp tục tuân theo chính sách đối ngoại trung lập và tránh chọn bên.


* Nhà phân tích chính sách đối ngoại ở New Delhi, Ấn Độ; theo dõi chặt chẽ diễn biến chính trị ở Nam Á; cựu học viên của Quỹ Thomson Reuters; từng làm việc cho Đại sứ quán Mỹ và Đại sứ quán Australia ở Ấn Độ.