📞

Đằng sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed

09:38 | 06/02/2018
Kết thúc cuộc họp đầu tiên trong năm 2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1,25-1,5%. Đây là tín hiệu cho thấy lãi suất có thể tăng nhanh hơn trong thời gian tới. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới quyết định này?

Kinh tế Mỹ lạc quan

Trong tuyên bố đưa ra sau hai ngày làm việc 30 và 31/1, cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã đưa ra đánh giá lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay.

Theo FOMC, tăng trưởng việc làm, chi tiêu hộ gia đình, đầu tư cố định kinh doanh ở mức cao trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp là động lực khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức vừa phải và thị trường lao động tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018.

Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã đưa ra đánh giá lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay. (Nguồn: DES)

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý IV/2017 đã tăng 2,6% nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh nhất kể từ mùa Xuân năm 2016 và sự hồi phục trong lĩnh vực xây dựng nhà ở. Như vậy, nền kinh tế đầu tàu thế giới này đã tăng trưởng 2,3% trong cả năm 2017, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,5% trong năm 2016 dù vẫn thấp hơn mức mục tiêu tăng 3% mà chính phủ đề ra. Đây chính là những lý do để Fed giữ nguyên lãi suất.

Ngay sau khi Fed đưa ra thông tin trên, đồng USD đã giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. Trong phiên giao dịch ngày 31/1, chỉ số đồng USD trong tương quan so với 6 đồng tiền mạnh khác, đã giảm 0,04%. Trong khi đó, giá vàng giao ngay giảm 0,07% xuống mức 1.337,20 USD/ounce, chạm mức thấp trong một tuần, còn giá vàng Mỹ giao tháng 2/2018 tăng 0,3% lên 1.339 USD/ounce. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã có những phản ứng tích cực sau quyết định của Fed.

Theo báo cáo hàng tháng của Conference Board, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 1/2018 đã tăng 2,3 điểm lên 125,4. Điều này cho thấy người Mỹ ít lo ngại hơn về tương lai và khuyến khích một số người sử dụng tiền tiết kiệm để chi cho hoạt động mua sắm. Tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình đã giảm xuống 3,4% trong năm 2017, mức thấp nhất trong 10 năm.

Bước đệm vào tháng Ba

Cuộc họp đầu tiên của Fed trong năm 2018 là cuộc họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của bà Janet Yellen trên cương vị Chủ tịch Fed. Bà Yellen chính thức kết thúc nhiệm kỳ của mình vào ngày 3/2 trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi, lạm phát duy trì ở mức thấp, tăng trưởng việc làm ổn định và giá tài sản tăng cao.

Bà Janet Yellen chủ trì cuộc họp cuối cùng trên cương vị Chủ tịch Fed. (Nguồn: The New York Times)

Trong 4 năm bà Yellen cầm quyền tại Fed, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm xuống 4,1%, mức thấp nhất kể từ năm 2000. Bà đã đưa Fed ra khỏi thời kỳ chính sách tiền tệ phản ứng khủng hoảng, đưa lãi suất cơ bản của đồng USD tăng dần từ mức 0%. Bà cũng tận dụng mức lạm phát thấp để duy trì môi trường lãi suất thấp, giúp tạo việc làm cho hàng triệu người Mỹ.

Ngày 2/2, Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 1/2018, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng 200.000, cao hơn dự báo tăng 180.000 đưa ra trước đó và cũng cao hơn mức tăng 160.000 của tháng 12/2017. Số liệu trên đang củng cố đà tăng trưởng vững mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời thúc đẩy khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk của Grant Thornton nhận định, môi trường tài chính ổn định dưới thời bà Janet Yellen có thể sẽ là một thách thức cho Fed. Đến nay, nữ chủ tịch Fed đã rời nhiệm sở mà không để lại gợn sóng trên thị trường tài chính.

Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm ông Jerome Powell - người từng là Thống đốc Fed từ năm 2012 - thay thế vị trí của bà Janet Yellen. Không giống như bà Janet Yellen, ông Jerome Powell là người thuộc đảng Cộng hòa, và được xem là phù hợp hơn với chương trình dỡ bỏ kiểm soát của Tổng thống Donald Trump. Ông Powell là người ủng hộ chủ trương nâng dần lãi suất của bà Yellen. Trên cương vị Chủ tịch Fed, ông Powell sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất là cân bằng việc tăng lãi suất, sao cho thị trường lao động không rơi vào tình trạng quá nóng mà tăng trưởng kinh tế cũng không bị cản trở.

Trên cương vị Chủ tịch Fed, ông Powell sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất là cân bằng việc tăng lãi suất. (Nguồn: Reuters)

Năm 2017, Fed đã điều chỉnh lãi suất 3 lần, và hiện mức lãi suất Fed đang áp dụng là 1,25 - 1,5%. Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 1/2017, Fed dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2018, so với mức 2,1% được đưa ra trong lần dự báo trước đó. Fed cho rằng đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hưởng lợi từ kế hoạch giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump.

Việc Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản trong khoảng 1,25 - 1,5% đã nhận được sự đồng thuận của tất cả các quan chức trong FOMC. Ủy ban này cũng nhất trí tiếp tục chương trình bán tài sản để giảm quy mô bảng cân đối kế toán - chương trình bắt đầu từ tháng 10/2017.

Theo tuyên bố của FOMC, lạm phát xét trong giai đoạn 12 tháng "sẽ tăng trong năm nay và ổn định" quanh mức mục tiêu 2% trong trung hạn. Quan điểm này thay đổi đáng kể so với tuyên bố đưa ra hồi tháng 12/2017, theo đó, FOMC cho rằng lạm phát có thể vẫn duy trì dưới 2% trong ngắn hạn.

Việc thay đổi nhận định này đã làm dấy lên hy vọng lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed trong năm 2018 có thể diễn ra ngay trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất hiện tại cho đến cuộc họp tiếp theo để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tất cả các hình thức cho vay kinh doanh và cho vay tiêu dùng.

Thông thường, Fed tiến hành 4 cuộc họp báo mỗi năm và sẽ đưa ra quyết định lãi suất trong các cuộc họp này. Dự kiến, cơ quan này sẽ nâng ba đợt lãi suất trong năm nay, sau ba lần tăng lãi suất trong năm ngoái.

(theo TTXVN)