📞

Đánh thức Tây Nguyên

Nguyễn Hồng 08:00 | 16/03/2024
Kon Tum và Gia Lai là hai trong số năm tỉnh của vùng Tây Nguyên đang nỗ lực tận dụng các tiềm năng khác biệt của mình nhằm hiện thực hoá các mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của vùng.

Kon Tum: Bứt phá trong chặng đường mới

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc Tây Nguyên, nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nơi “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Đây là điểm kết nối quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây; địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp năng lượng; cảnh quan thiên nhiên đa dạng, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số độc đáo tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Kon Tum thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, triển khai đồng bộ và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong cuộc làm việc với tỉnh Kon Tum hồi tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Kon Tum phải phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững; giữ vững, bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, không để bị động, bất ngờ; xây dựng phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; bảo tồn phát huy văn hoá, bản sắc dân tộc.

Thủ tướng nêu rõ, Kon Tum đất rộng, người thưa, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đủ điều kiện để phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững thời gian tới.

Nhằm thực hiện hoá khát vọng đưa tỉnh Kon Tum trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Tây Nguyên với đa ngành, nghề, đa lĩnh vực, xác định năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra, ngay từ những ngày cuối năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Chỉ thị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; các Chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công năm 2024.

Kon Tum kịp thời ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Ngay từ những ngày đầu Xuân, khí thế thi đua yêu nước, hăng say lao động, sản xuất ở các cấp, ngành, đơn vị, địa phương của KonTum đã sôi nổi, góp phần tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Trong hai tháng đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Kon Tum phấn đấu trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mekong, các nước láng giềng và ASEAN.

Phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo tầm nhìn đến năm 2050, Kon Tum sẽ là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mekong, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế.

Phát triển “ổn định, bền vững và công bằng”; xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc. Bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Gia Lai: Tạo dấu mốc kiến tạo tương lai

Là tỉnh miền núi rộng nhất vùng Tây Nguyên, có diện tích lớn thứ hai Việt Nam, địa thế trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Gia Lai là “miền đất hứa” của nhiều nhà đầu tư.

Trong chuyến thăm và làm việc tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, có điều kiện tự nhiên thuận lợi; có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng, đoàn kết, thống nhất, yêu nước... Đây là di sản quý báu, nguồn lực cơ bản để Gia Lai phát triển nhanh và bền vững. Phát huy những thế mạnh đó, Gia Lai nỗ lực “vượt khó” hiện thực hóa mục tiêu thành vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Những thành tựu thời gian qua tạo giúp Gia Lai thêm sự phấn khởi, tự tin, vững bước ở giai đoạn phát triển mới.

Năm 2023, có 14/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 3,02%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp. GRDP bình quân đầu người đạt 59,08 triệu đồng, tăng 5,34 triệu đồng so với năm 2022. Diện tích gieo trồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư... tăng so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20,48%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3,03%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,28%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 5,6%. Trong năm, tỉnh có 35 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.880 tỷ đồng (gấp hai lần năm 2022).

Tỉnh thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối tượng người có công; chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chất lượng giáo dục được nâng lên; hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch tiếp tục khởi sắc. An ninh chính trị, an ninh biên giới được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định.

Thời gian tới, Gia Lai quyết tâm khắc phục các tồn tại hạn chế, phát huy kết quả đạt được, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,6%, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,11% (giảm 2%), thêm bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới (luỹ kế 103 xã), trồng mới 9.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,5%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,75%,...

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra cũng như tiếp tục tạo đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội Gia Lai tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh tiến độ thi công xây dựng các công trình hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, các dự án trọng điểm, các dự án có tính lan tỏa, kết nối; tiếp tục xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân; tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị – xã hội và an toàn, an ninh cho nhân dân.

Về tầm nhìn dài hạn, Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 công bố tháng 1/2024 nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; phấn đấu trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh.

Tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Gia Lai xác định phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên; phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa; bảo đảm quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, là điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, giàu bản sắc văn hóa. Tỉnh nỗ lực phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên ba trụ cột phát triển là: nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.

Với ý chí quyết tâm cao, tinh thần đổi mới sáng tạo của các cấp, ngành và việc khai thác, tận dụng hiệu quả tiềm năng khác biệt, lợi thế sẽ tiếp tục tạo động lực để tạo ra sự bứt phá đưa Kon Tum và Gia Lai phát triển nhanh và bền vững trên chặng đường mới, trở thành động lực phát triển cho vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.