Sáng 27/2, tại Mumbai, trung tâm điện ảnh Bollywood và kinh tế hàng đầu thế giới với 22 triệu dân, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã “thắp nến” khai mạc Hội nghị “Những địa điểm bấm máy 2016” do Hội đồng Phim du lịch quốc tế Ấn Độ tổ chức (IIFTC) và Liên đoàn Điện ảnh Ấn Độ phối hợp tổ chức.
Đây là hoạt động, như ông T P Aggarwal, Chủ tịch Liên đoàn Điện ảnh Ấn Độ phát biểu khai mạc, nhằm thúc đẩy du lịch và xa hơn nữa là góp phần tăng cường giao lưu văn hoá, từ đó chia sẻ cái đẹp giữa các dân tộc, và điện ảnh các nước có cơ hội bấm máy ở nhiều địa điểm xứng đáng khác nhau trên thế giới.
Đại sứ Tôn Sinh Thành thắp nến khai mạc Hội nghị điện ảnh “Những địa điểm bấm máy 2016” tại Mumbai ngày 26/2. |
Phát biểu tại Khai mạc Hội nghị với tư cách Khách danh dự, Đại sứ Tôn Sinh Thành nêu rõ, Việt Nam có những địa điểm xứng đáng cho các nhà làm phim Bollywood. Đó là những cảnh trí đồi núi, sông hồ tự nhiên kỳ thú và hoành tráng chưa được nhiều người biết đến trong những vùng khí hậu đa dạng; những bờ biển cát trắng với hàng dừa cong trong ánh nắng vàng chạy suốt đến chân trời xanh trong trên dọc hơn 3.000 km bờ biển; những di tích văn hoá và tôn giáo kết nối giữa các nền văn minh trong lịch sử và các nước trong khu vực; những di sản và công trình văn hoá được xếp hạng quốc tế và những địa điểm là kỳ quan tự nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long, Hang động Sơn Đoòng, các bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng, sông nước hữu tình Chùa Hương…
Vẻ đẹp, sự kỳ vĩ có một không hai của hang động Sơn Đoòng hấp dẫn nhiều nhà làm phim quốc tế. |
Bên cạnh đó, Việt Nam có nền điện ảnh phát triển với hơn 400 hãng phim và nhiều phim đã đạt các giải quốc tế có uy tín. Các hãng phim Việt Nam có đầy đủ khả năng chuyên môn, thiết bị hiện đại, và diễn viên tốt để hợp tác quay phim của Ấn Độ và nước ngoài tại Việt Nam.
Cục điện ảnh và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẽ hỗ trợ các thủ tục thuận lợi cho các dự án quay phim, giới thiệu đối tác phía Việt Nam để có giải pháp có lợi nhất cho các nhà sản xuất phim Ấn Độ. Đại sứ cũng nhấn mạnh, các hoạt động hợp tác làm phim sẽ tích cực thúc đẩy quan hệ truyền thống tốt đẹp, quan hệ chiến lược giữa hai nước đang ngày càng sâu đậm hiện nay.
Đại sứ cũng cho biết đã có nhiều hãng phim nước ngoài quay phim rất thành công ở Việt Nam. Hiện nay, phim King Kong phần II đang được lên kế hoạch để quay ở Việt Nam.
Đoàn phim King Kong phần II đã chọn Việt Nam làm bối cảnh quay phim. |
Khởi động từ đầu năm 2013, đến nay IIFTC đã tổ chức 13 sự kiện tương tự tại 6 thị trường phim lớn ở Ấn Độ với sự tham dự của hơn 500 hãng phim từ 22 nước. Các sự kiện của IIFTC được đánh giá cao vì ngoài trình chiếu các địa điểm bấm máy hấp dẫn, đây còn là nơi công nghiệp điện ảnh các nước giới thiệu các thuận lợi về môi trường, chính sách khuyến khích về tài chính, chi phí, hỗ trợ, đơn giản hoá thủ tục xin giấy phép làm phim của chính phủ của các nước; thúc đẩy gặp gỡ, ký kết hợp tác quay phim giữa các hãng phim của các nước tham dự sự kiện.
Đại diện đoàn Thái Lan cho biết trong năm 2015, xứ sở nụ cười là điểm bấm máy của 724 phim nước ngoài, trong đó có 125 phim của Ấn Độ và việc cấp phép quay phim nước ngoài tại nước này chỉ mất có 4 ngày.
Với sự thúc đẩy và phối hợp của Đại sứ quán, đây là lần đầu tiên Việt Nam có đoàn từ trong nước tham dự và do Hãng phim Ánh Sao phối hợp với đạo diễn Peter Hiền tổ chức. Đoàn đã mang đến Liên hoan phim không khí năng động, tươi trẻ qua đại diện và các diễn viên trẻ từ Hội điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên từ Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Thế giới Điện ảnh của Cục Điện ảnh Việt Nam.
Khu quảng bá hãng phim Ánh Sao của Việt Nam tại Hội nghị. |
Tuy nhiên, để hoạt động này của Việt Nam thực sự tranh thủ được giá trị và uy tín của Hội nghị hàng năm này, đánh thức được điện ảnh Ấn Độ đối với tiềm năng hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam với Bollywood, thúc đẩy được du lịch Ấn Độ đến Việt Nam - nhất là hiện nay trong bối cảnh quan tâm của dư luận Ấn Độ đối với Việt Nam đang tăng lên, nhất định cần có sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh và du lịch.