📞

Đảo chính ở Niger: Bước đi mới và lớn nhất của Pháp đem tới nỗi lo thiệt hại nhãn tiền gì cho cả hai châu lục?

Thu Nhi 05:56 | 26/09/2023
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm 24/9 rằng Pháp sẽ chấm dứt hiện diện quân sự ở Niger vào cuối năm 2023, đánh dấu bước đi lớn và mới nhất của nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với chính quyền quân sự nắm quyền kiểm soát Niger vào tháng 7.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố việc rút quân khỏi Niger sẽ được tổ chức trong vài tuần tới. (Nguồn: AFP/Getty Images)

“Chúng tôi chấm dứt hợp tác quân sự với chính quyền trên thực tế của Niger vì họ không muốn chống khủng bố nữa”, ông Macron nói về các nhà lãnh đạo quân sự đã nắm quyền cai trị quốc gia Tây Bắc châu Phi này.

Rút lui khỏi các vấn đề nội bộ

Pháp không công nhận chính quyền quân sự của Niger và khẳng định rằng Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, vẫn là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền hợp pháp duy nhất của đất nước.

Quyết định chấm dứt “sự hợp tác” là “bởi vì chúng tôi không ở đó để giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ và trở thành con tin của những kẻ làm đảo chính”, ông Macron nói.

Ông cho biết việc rút quân sẽ được tổ chức trong những tuần tới và “vì điều đó, chúng tôi sẽ phối hợp với những người đã thực hiện cuộc đảo chính vì chúng tôi muốn điều này diễn ra một cách bình tĩnh”.

Theo một tuyên bố được đăng trên Đài truyền hình nhà nước Niger Tele Sahel, chính quyền quân sự cầm quyền của Niger cho biết, họ hoan nghênh quyết định của Pháp rút quân khỏi nước này.

CNN đưa tin, trước đây Pháp đã triển khai quân đội ở nước này, nhiều binh sĩ đến đó để hỗ trợ các nhiệm vụ chống khủng bố, trên cơ sở Niger là một nền dân chủ tương đối ổn định trong một khu vực đầy biến động chính trị, khủng bố và các cuộc nổi dậy của Hồi giáo.

Trả lời câu hỏi về thời gian rút quân, ông Macron cho biết sẽ không có binh sĩ Pháp nào ở Niger trước cuối năm 2023.

Đầu tháng này, hai quan chức Mỹ cũng cho biết Mỹ có thể bắt đầu rút quân khỏi Niger trong những tuần tới, CNN trước đó đưa tin. Hai quan chức cho biết, có tới một nửa trong số khoảng 1.100 lính Mỹ đóng tại Niger có thể được rút khỏi nước này.

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ rút quân và nhà ngoại giao khỏi Niger. (Nguồn: AP)

Tổng thống Pháp đã quyết định đưa Đại sứ nước này tại Niger, ông Sylvain Itte, về Pháp. Tổng thống nói: “Trong những giờ tới, Đại sứ của chúng tôi cùng với một số nhà ngoại giao sẽ trở lại Pháp”.

Thông báo được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi ông Macron cho biết Đại sứ “thực sự đã bị bắt làm con tin tại Đại sứ quán Pháp” và “người ta ngăn việc chuyển giao thực phẩm” đến Đại sứ quán của họ ở thủ đô Niamey.

Sau cuộc đảo chính hồi tháng 7, chính quyền quân sự đã ra lệnh cho ông Itte rời khỏi đất nước, sau đó thu hồi thị thực và chỉ thị cho cảnh sát trục xuất ông.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Pháp, nhà ngoại giao này vẫn tại vị và chính quyền Pháp nhắc lại rằng họ không công nhận quyền lực của chính quyền quân sự.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết, hồi đầu tháng rằng, Đại sứ Itte vẫn đang làm việc và ông “sẽ ở lại chừng nào chúng tôi muốn ông ở lại”. Còn việc quan chức này trở về là do quyết định của Tổng thống Macron.

Nỗi lo về an ninh và di cư

Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới và từ nhiều năm qua. Niger cũng như các nước láng giềng trong khu vực, đã phải chiến đấu chống lại các phong trào khủng bố hoạt động ở Sahel, có liên hệ với các tổ chức khủng bố như al-Qaeda và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Để hỗ trợ các nước trong khu vực Sahel chống khủng bố, theo thỏa thuận với chính phủ các nước này, Pháp đã cử hàng nghìn binh sĩ tới đây, nhằm hỗ trợ quân đội chống lại các phần tử thánh chiến.

Hàng nghìn người tập trung trước trụ sở quân đội Pháp để yêu cầu quân đội Pháp rời đi, tại Niamey, Niger, vào ngày 2/9. (Nguồn: Reuters)

Trong các cuộc đảo chính ở Mali và Burkina Faso, lực lượng Pháp được triển khai ở các nước này đã phải rút đi không lâu sau đó, vì quân đội đảo chính phản đối sự hiện diện của lính Pháp. Sau khi các đơn vị quân đội Pháp rút khỏi Mali và Burkina Faso, Niger dưới thời Tổng thống Bazoum là một trong những quốc gia cuối cùng còn hợp tác với Pháp và Mỹ để chống khủng bố ở vùng Sahel và Vịnh Guinea. Pháp thường xuyên duy trì khoảng 1.500 binh sĩ tại quốc gia này.

Giới phân tích cho rằng, tại Mali và Burkina Faso, các nhóm thánh chiến đã có thể “ngóc đầu dậy" sau khi không còn có sự hiện diện về quân sự của Pháp. Việc Pháp tuyên bố rút quân khỏi Niger vào cuối năm 2023 sẽ làm suy yếu các hoạt động chống khủng bố ở Sahel. Khi Niger không còn nằm trong "vòng ảnh hưởng" có thể các chiến dịch do phương Tây dẫn đầu chống lại các nhóm thánh chiến Hồi giáo khó khăn hơn vì lực lượng này dễ dàng di chuyển xuyên biên giới.

Tầm ảnh hưởng kéo dài của Pháp ở Tây Phi và Sahel cũng là một trong những yếu tố đóng góp vào vị thế chính trị tổng thể của Paris trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việc Pháp rút quân khỏi Niger, sẽ làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Paris trong khu vực, đồng thời gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả hai châu lục.

Kể từ năm 2016, các chính quyền ở Niamey đều đã hỗ trợ Liên minh châu Âu rất nhiều trong việc ngăn chặn dòng người di cư từ vùng châu Phi cận Sahara. Trên các tuyến đường di cư từ châu Phi, Niger luôn ở vị trí chiến lược, là một hành lang quá cảnh tới Libya, là nơi xuất phát điểm của phần lớn người di cư châu Phi muốn đến châu Âu.

Nói cách khác, đất nước này có thể là một chốt chặn để hạn chế dòng người di cư đến Lục địa già. Như vậy, ảnh hưởng của việc Pháp rút quân hoàn toàn khỏi khu vực này, về vấn đề an ninh và di cư, là một tác động nhãn tiền tới cả hai châu lục.

(theo CNN, AP, TTXVN)