Với một thành phố lớn rộng và giàu có như London, người ta dễ nhầm lẫn là đến đây là dịp thỏa thích nhìn ngắm những tòa nhà sang trọng và lâu đời, những viện bảo tàng nhất nhì thế giới, những sân bóng đá đã đi vào huyền thoại của giải ngoại hạng Anh, những trung tâm thương mại to rộng với hàng hiệu chất ngất…Song thực tế vẫn có một London nữa cho sự mua sắm giản dị hơn nhiều, đó là chợ. Chợ, nhất là chợ trời ở London, tô điểm nhiều nét đặc sắc cho kinh thành hoa lệ này.
Chợ họp mỗi ngày
Đầu tiên ta hãy đến với loại chợ họp suốt các ngày trong tuần. Ngôi chợ này nằm trọn dọc con phố mang tên Portobello. Đường phố này nằm về phía tây bắc của trung tâm London, nếu coi Charing Cross ở Quảng trường Trafalgar (sát gần sông Thames) là tâm điểm của thủ đô nước Anh.
Portobello là một đường phố đẹp kéo dài tới 2 dặm Anh (3,2 km). Chợ bày bán đủ thứ hàng lưu niệm và các nhu yếu phẩm. Các cửa hàng dọc phố mở cửa liên tục, nhưng đông vui nhất là hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Người dân buôn bán tại đây bày biện hàng hóa tuân theo các quy định quản lý đô thị, có hàng lối, chừa đường đi lối lại cho dòng người đông đảo xuôi ngược khá thoải mái.
Hàng bán ở chợ Portobello có thể nói thượng vàng hạ cám, gần như cái gì cũng có thể tìm mua. Quần áo giày dép, các dụng cụ để sửa chữa vặt trong nhà, các đồ làm vườn tược. Có cửa hàng còn bày bán các loại con dấu, biển số nhà, biển đường phố cũ, có cái nặng đến hàng tạ mà vẫn có khách hỏi mua. Lại có chỗ chuyên bán những danh thiếp xưa, card bưu điện một thời... Còn như phiên chợ họp vào ngày thứ Bảy lại chỉ chuyên về đồ cổ. Mặt hàng này thường bày bán ở các ki-ốt, cửa hiệu dọc hai bên phố - trong khi dưới lòng đường thường là đồ cũ và các quầy rau hoa quả tươi, quán bán các món ăn được làm tại chỗ thường nóng sốt phục vụ khách du lịch vãng lai.
Đi dạo chợ vừa đủ chồn chân thì tôi bắt gặp một ông cụ bán hàng luu niệm. Cái tên ông đặt cho cửa hàng khá bắt mắt “Captain’s Corner” (Góc riêng của người Thuyền trưởng). Ông vui vẻ kể, “ông biết không, tôi trông coi cửa hàng này cũng là niềm vui sống. Đã 87 tuổi rồi nhưng tôi không chỉ muốn ngồi dưỡng lão tại nhà”. Rồi ông cụ chỉ tay lên tấm biển “Captain’s Corner” treo trên tường, vẻ tự hào. Tôi nhìn lên tấm biển ghi “Góc riêng của người thuyền trưởng” và hiểu chính là ông, người đã bôn ba với nghề đi biển và nay neo bến tại Portobello này.
Kể ra với người Anh thường “phớt” ăng-lê thì ông cụ này là một ngoại lệ. Dù không mua một thứ hàng gì nhưng ông cụ vẫn cho phép tôi hỏi han nhiều chuyện, cho chụp ảnh hàng lưu niệm cụ bày bán; và sau cùng còn đồng ý selfie chung với tôi. Gần lúc chia tay, “Captain” còn cho tôi biết, chính bộ phim Notting Hill (công chiếu tháng 5/1999 ở Anh) đã quay ngoại cảnh đường phố Portobello, một duyên cớ khiến khu chợ này trở nên quá nổi tiếng. Chính nó đã thu hút người Anh và rất nhiều khách du lịch ngoại quốc đổ về đây suốt 18 năm qua.
Dạo chơi và hỏi han thì biết thêm rằng, ngoài hàng cổ quý hiếm còn có nhiều mặt hàng trông “như đồ cổ”. Các chủ cửa hiệu thường nói rõ là hàng cổ hoặc giả cổ. Một món đồ cổ bán được cũng còn có sự lựa chọn chán chê. Nên cái câu chuyện truyền tụng là một khách hàng mua được nhẫn kim cương với giá hơn chục bảng (3 trăm ngàn đồng), rồi hơn 30 năm sau bán đấu giá được 656.750 bảng (19,3 tỉ đồng) - như truyền thông Anh nói tới tháng 7 năm ngoái - phải coi là chuyện hãn hữu khó có thể lặp lại.
Mỗi tháng một phiên
Ngôi chợ thứ hai tôi muốn nói tới là loại chợ phiên. Chợ này khá xa nơi ở nên hôm sau được nghỉ, con gái lấy xe đưa đi. Chợ Chiswick họp mỗi tháng chỉ một phiên.
Người Anh họ gọi chợ như Chiswich là Car Boot Sale, nghĩa là “bán hàng trên cốp xe”. Để vào họp, các chủ xe phải mua vé, độ 15 - 20 - 35 bảng tùy từng loại xe nhỏ hay lớn (hơn 450 ngàn đến trên 1 triệu đồng mỗi phiên). Người đến chợ, mua hoặc không mua hàng, cũng đều mua vé vào cửa 3 bảng. Đi ô-tô đến trả thêm tiền vé gửi xe.
Địa điểm họp chợ Chiswick là sân vận động trường tiểu học, Chiswick Primary School. Chợ mở theo sáng kiến của Hội cha me học sinh trường này. Các khoản tiền thu sẽ được xung công quỹ, chi tiêu cho các hoạt động ngoại khóa của chính con em họ.
Có thể nói tại chợ Chiswick cũng có đủ các mặt hàng, các vât dụng thường ngày. Tôi đặc biệt chú ý đến 3, 4 cửa hàng bày ra những chiếc kèn hát chạy đĩa than, đĩa 78, 45 một thời xa lắc; và cạnh đó là những cuốn sách, tạp chí xuất bản từ đã rất lâu, chắc dành cho ai thích chơi sưu tầm (collection). Chợ này còn bày bán khá nhiều đồng hồ châu Âu, “có vẻ cổ” thôi.
Qua vài câu xã giao với mấy người bán hàng, tôi biết thêm rằng con số người buôn bán chuyên nghiệp ở chợ này không phải là nhiều. Còn phần lớn người bán là không chuyên. Với họ, hàng tháng hàng năm tích lại được đồ đạc, vật dụng không dùng đến của gia đình mình - và đôi khi cũng là của hàng xóm gửi gấp -, sau khi lau chùi sửa sang, đánh xe nhà mang đi bày bán.
Như vậy cái tính chất là cầu vui chứ không có tính toán lỗ lãi, sát phạt gì nặng nề. Họ coi đó như một ngày nghỉ ra ngoài trời thư giãn. Riêng việc không vứt bỏ đồ thừa thãi, vừa làm hỏng thêm môi trường, vừa mất cơ hội cho người kém may mắn mua được đồ rẻ đã là một nguồn vui và động viên được nhân đôi.
Dạo vài vòng quanh chợ, tôi đặc biệt chú ý tới hai cháu gái bán hàng hôm đó. Các cháu ở độ 10, 12 tuổi thôi, khuôn mặt khôi ngô nhưng láu lỉnh lắm. Bố mẹ đứng cạnh xe nhưng dành hết quyền cho con gái mình. Con chị liến láu như diễn kịch, nói về các thứ đồ chơi. Từ đôi ba con búp bê ngộ nghĩnh cho đến những siêu nhân, những đôi giầy đôi ủng có lông bên trong, rồi đống khăn len… đều là đồ đã dùng. Hai đứa cháu tôi hôm đó đi theo cứ mê mẩn với “vở diễn” của hai chị chủ hàng. Chúng không giấu được vẻ háo hức, cứ nán người lớn chúng tôi ở lại cửa hàng đấy khá lâu.
Theo tính toán của các cơ quan thống kê, đăng trên trang “thisismoney.co.uk”, thì nước Anh năm 2013 tích tụ lại tới 50 tỉ bảng quần áo, sách vở, đồ dùng vật dụng hằng ngày không dùng tới. Tận dụng hết nguồn cung này (còn “cầu” thì lúc nào chẳng có), rõ ràng các chợ như Chiswick, như Portobello chắc sẽ còn có đất sống lâu dài.
Đi thăm qua hai ngôi chợ còn thấy được nét đa dạng văn hóa. Người châu Phi đen, người vùng Ả rập và người châu Á đều có thể là người chủ bán hàng, có thể là những khách hàng. Cùng với người Anh, tất cả tạo nên vẻ đa dạng, hòa trộn văn hóa của cộng đồng các dân tộc-quốc gia khác nhau đang cư trú lâu dài hoặc là khách vãng lai đến nước Anh.
Phải chăng những điều đó làm nên một khung cảnh văn hóa sống động cho chợ của London, một thành phố châu Âu rất hiện đại và cổ kính này…