Cuối tháng 7 vừa qua, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng với bốn đồng nghiệp khác của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam được cử vào TP. Hồ Chí Minh. Nhóm đạo diễn, quay phim, biên tập viên chia làm hai ê-kíp sản xuất:
Một nhóm tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự; đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong vào khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương. Đây là nơi được chuyển đổi thành khu điều trị cho các sản phụ mắc Covid-19 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường.
Hình ảnh các y bác sỹ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong phim 'Ranh giới'. (Ảnh chụp màn hình) |
Mạo hiểm vào tâm dịch
Chuyến công tác kéo dài 21 ngày, trong đó phần lớn thời gian đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và đồng nghiệp dành cho khu K1. Anh xác định luôn trong chuyến đi là vào nơi tâm dịch, sẽ tiếp xúc thường xuyên với F0 và khả năng có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào.
Ngay từ lúc đầu vào khu K1, anh đã cố gắng tác nghiệp càng nhiều càng tốt và trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất để làm sao ghi được nhiều hình, nhiều nhân vật nhất. Nếu chẳng may mắc Covid-19 và khi vào khu cách ly thì anh vẫn có thể làm được hậu kỳ, hoàn thành được phim.
Vào được ngày thứ hai ở bệnh viện, đạo diễn được chứng kiến đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương thuyết phục bệnh nhân để cố gắng giữ được cho họ thở dù họ đôi khi không chấp nhận, phản đối nhưng các bác sĩ vẫn rất nhẫn nại. Nếu không nghe theo bác sĩ thì chỉ số SPO2 của bệnh nhân sẽ tụt rất nhanh.
Anh chia sẻ: “Ranh giới sống chết lúc này bộc lộ rõ nhất, chỉ trong khoảnh khắc là thai phụ có thể bị ngất xỉu, mê man. Khi ấy, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh quá. Vì vậy, tôi quyết định làm phim nói về ranh giới sự sống, cái chết, rồi sự ra đời của các em bé ở trong này".
Phim khiến người xem cảm phục tinh thần hy sinh quên mình và nỗ lực đến những giây phút cuối cùng, đến khi không thể gắng gượng được nữa của đội ngũ y bác sĩ để cứu sống bệnh nhân. Bản thân họ cũng đứng trước quá nhiều ranh giới: sự kiên cường hay buông xuôi, ý chí và hy vọng, giữa đoàn tụ và chia ly, giữa sự yên ổn của bản thân hay xông pha vào trận địa để cứu người...
Phong cách làm phim không lời bình
Trở về từ vùng dịch lớn nhất của cả nước, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng đồng nghiệp đã có hai bộ phim tài liệu quý giá. Ranh giới đã lên sóng, còn Ngày con chào đời dự kiến được phát sóng vào ngày 22/9 tới sẽ đi sâu vào nhân vật người mẹ, em bé và hoàn cảnh phải sống trong điều kiện dịch bệnh.
Sự đặc biệt của cả hai bộ phim này là đều không dùng lời bình. Khi tiếp cận phong cách và cách thức làm phim này, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư thấy rất cuốn hút bởi đây là dòng phim hiện thực của cuộc sống, chính là hơi thở đang diễn ra của cuộc sống. Anh đã quan sát và sau đó chắt lọc lại để đưa vào trong phim, để kể một câu chuyện điễn ra như trong thực tế.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ trên chương trình VTV kết nối. (Ảnh chụp màn hình) |
Và rồi, Ranh giới đã khiến khán giả xúc động với những lời thoại tại hiện trường thực như: "Em sợ lắm", "Cho em về để em được chết ở nhà", lời bệnh nhân khiến người xem thấy "sợ". "Việc của em là thở thôi. Hãy cố thở cho mình", "Em muốn chuyển đi đâu, ở đâu cũng quá tải, không ai nhận cả"...
Khi hoàn thành tác phẩm, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hy vọng rằng hai bộ phim sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến người xem và tác phẩm của anh sẽ khiến suy nghĩ của nhiều người thay đổi, cũng giống như chính chuyến công tác lần này, thực hiện phim lần này đã khiến bản thân anh thay đổi rất nhiều.
Lý do anh chọn đề tài này vì nghĩ cuộc sống giống như một vòng luân hồi, dịch bệnh đã cướp đi rất nhiều sinh mạng nhưng bên cạnh đấy vẫn có những hình hài được ra đời.
"Từ đó, tôi mới thấy là sao cuộc sống con người mỏng manh, dễ dàng mất đi như thế trong mùa dịch này. Chính điều đấy khiến cho tôi sốc và tự ngẫm, thấy trân trọng cuộc sống, quý trọng hơi thở mình đang có hơn”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ.