📞

Đạo đức nghề báo thời cách mạng 4.0

09:06 | 21/06/2018
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nhà báo, nghề báo. Đó là những thách thức từ mạng xã hội, từ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Thách thức đạo đức lớn nhất với người làm báo hiện nay trong thời đại công nghệ 4.0 là thu thập và xử lý thông tin trong một không gian mạng kết nối mở, không có giới hạn và khó thẩm định, khó kiểm soát. Đây vừa là sức ép về cường độ lao động, cạnh tranh thông tin, cạnh tranh công chúng và cạnh tranh thị phần báo chí – truyền thông. Mặt khác, đây cũng là thách thức về mặt đạo đức nghề nghiệp. Trong một môi trường kết nối thông tin dễ dàng, thông tin trở nên có quyền lực, có giá trị trao đổi như hàng hóa, nhà báo dễ bị cám dỗ vật chất, bị cuốn theo thông tin và lợi ích trước mắt, dễ bỏ qua những khâu kiểm chứng nguồn tin. Vì thế, những sai sót, sai phạm, nhầm lẫn thông tin do vô tình hay cố ý là điều khó tránh khỏi.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra không gian kết nối thông tin, nhất là kết nối kho tàng dữ liệu thông tin không giới hạn. Đây vừa là cơ hội cho nhà báo, nhưng cũng là môi trường dễ làm cho nhà báo lười suy nghĩ, lười khám phá, lười tìm kiếm, lười học hỏi. Đó cũng là thách thức lớn để nhà báo dễ tụt hậu trong thế giới phẳng.

Nhà báo tác nghiệp. (Ảnh: Nguyên Hồng)

Trong môi trường kết nối thông tin toàn cầu, đa nền tảng và làm báo đa phương tiện, nhà báo càng cần phải giữ vững những quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Bản Hiến chương nghĩa vụ nghề nghiệp của các nhà báo Pháp (1919) – một trong số ít những bản quy tắc đạo đức nghề báo đầu tiên trên thế giới – có tới 10/15 điều nhấn mạnh tính nhân văn nghề nghiệp.

Ngoài việc đưa tin phải trung thực, chính xác, khách quan, nhà báo phải “có đầy đủ tinh thần trách nhiệm về tất cả những bài vở của mình”, “coi sự vu cáo, vu khống, sửa chữa tài liệu, làm biến dạng những hành động, sự kiện, sự dối trá là những lầm lỗi nặng nề nhất trong nghề nghiệp”, “không bao giờ ăn cắp văn bài của người khác”, “Dẫn tên đồng nghiệp”, “không gợi ý đổi chỗ của đồng nghiệp, không gợi ý để đồng nghiệp bị thải hồi bằng cách nhận lao động, làm việc với những điều kiện kém hơn đồng nghiệp”. Trong môi trường cạnh tranh thông tin như hiện nay, nhà báo khó tìm được việc và cũng dễ bị mất việc. Bài học của các nhà báo Pháp có lẽ vẫn còn giá trị tham khảo với chúng ta.

Hội nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Trong đó nêu rõ, nhà báo phải “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Chuẩn mực là không phát ngôn, truyền tin trái với những phát ngôn, bài viết ở cơ quan báo chí của mình, không “hai mặt” giữa làm báo và tham gia mạng xã hội. Trách nhiệm là sự cân nhắc tác động của mỗi lời nói, hình ảnh, thông tin khi nhà báo đưa lên mạng xã hội. Vì phía sau thông tin của người đó trên mạng xã hội, còn là tư cách một nhà báo. Trong môi trường thông tin toàn cầu, còn là trách nhiệm với quốc gia, với đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, từ mỗi bài viết, hình ành, thông điệp.

TS. Nhà báo Trần Bá Dung

(Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam)