Thành phố Medina trong một bức tranh được vẽ năm 1890. (Nguồn: Kuwait Times) |
Thực hành tiêu dùng bền vững
Mọi người đều đã nghe về 3Rs (Reduce - Reuse - Recycle), khẩu hiệu nhắc nhở chúng ta chỉ sử dụng các vật dụng khi cần và tăng cường dùng đồ cũ nhiều lần, tái chế rác thải thành các sản phẩm mới.
Một số chuyện kể khẳng định bản thân nhà tiên tri Mohammed đã làm điều này trong suốt cuộc đời của mình. Một trong số những câu chuyện đó kể rằng, có người từng thấy Nhà tiên tri đích thân sửa giày của mình thay vì vứt bỏ chúng, ngay khi ông nhận thấy vết rách đầu tiên trên thân giày. Ông cũng nhắc nhở những người đồng hành phải khâu giày lại gọn gàng để có thể sử dụng lâu dài.
Đây Đây là một trong số những sự tích tiêu biểu được lưu truyền trong đạo Hồi về việc bảo vệ môi trường.
Trồng cây để làm việc thiện
Trồng cây là một hành động mang lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Các văn bản được lưu trữ cho thấy đạo Hồi từ xưa đã khuyến khích việc trồng cây.
Hành động trồng cây được nhà tiên tri Mohammed coi là một hoạt động mang tính từ thiện, và ông răn dạy rằng mọi công việc tốt và hành động có lợi được thực hiện một cách chân thành bởi bất kỳ cá nhân nào đều sẽ được nhận phần thưởng cao quý từ Thiên Chúa. Tác dụng của việc trồng cây không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng đổi lại, việc làm này sẽ mang lại lợi ích cho nhiều sinh vật trong môi trường sống về lâu dài.
Một câu chuyện được ghi lại trong kinh Qur’an kể rằng, nhà tiên tri Mohammed khi đi đến vùng đất Medina đã gọi đây là một vùng lãnh thổ thiêng liêng. Ông căn dặn người dân không được chặt những cây, bụi rậm có gai ở đây, cũng như giết hại các loài vật đang sinh sống trong vùng đất này.
Chăm sóc động vật
Giống như một số tôn giáo khác, đạo Hồi quan niệm Thiên Chúa đã tạo ra các sinh vật sống giống như cách Ngài đã tạo ra con người. Và sự thật là động vật đã hoàn thành vai trò của chúng trong việc giúp chăm sóc và duy trì sự sống trên hành tinh này. Có lẽ vì thế mà cũng như các tôn giáo khác, đạo Hồi cho rằng con người phải có tình thương yêu, quan tâm tới các sinh vật sống trên Trái đất.
Bức tranh ghi lại cảnh một người đàn ông Ba Tư đang vui đùa với chú chó của mình. (Nguồn: Kuwait Times) |
Kinh Qur’an ghi nhận nhà tiên tri Mohammed từng kể một câu chuyện như sau: “Một người đàn ông nọ đang đi bộ, anh ta bỗng cảm thấy khát nước, liền tìm đến một cái giếng, đi xuống và uống nước từ đó. Khi bước lên, anh ta nhìn thấy một con chó đang thở hổn hển và đang phải ăn bùn vì quá khát. Người đàn ông nói, 'Con chó này cũng bị vấn đề giống như tôi'. Vì vậy, anh ta xuống giếng một lần nữa, đổ đầy nước vào giày, nghiến chặt nó bằng răng, trèo lên và cho con chó uống nước. Thiên Chúa đánh giá cao hành động của anh ấy nên đã ban sự tha thứ cho anh ta”.
Nhà tiên tri Mohammed kết thúc câu chuyện, và khẳng định với các tín đồ rằng, việc yêu thương động vật cũng là một cách để nhận được ơn trên từ Thiên Chúa.
Giữ môi trường sạch sẽ và an toàn
Vệ sinh môi trường là một phần thiết yếu của công tác phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, duy trì sự ổn định về cảm xúc và tinh thần của người dân cũng như sức khỏe tổng thể của mỗi cá nhân, đồng thời thúc đẩy năng suất cao hơn ở nhiều cấp độ của hệ sinh thái.
Giữ môi trường sạch sẽ cũng là điều được dạy trong các giáo lý của đạo Hồi. (Nguồn: Kuwait Times) |
Có hai điều căn bản cần làm để giữ cho môi trường an toàn và sạch sẽ - loại bỏ những đồ vật bẩn và có hại, cũng như thường xuyên duy trì sự sạch sẽ và giám sát các biện pháp an toàn thiết yếu. Nhà tiên tri Mohammed đã dạy các tín đồ thực hành cả hai việc này.
Kinh Qur’an có ghi lại một câu chuyện của nhà tiên tri Mohammed như sau: “Một người đàn ông đang đi trên đường hoặc lối đi thì nhìn thấy một cành gai của một cái cây rơi trên đường. Anh ta lấy nó để ra khỏi đường đi - một hành động làm hài lòng Thiên Chúa và nhờ đó mà anh ta được ban sự tha thứ".
Qua câu chuyện đó, nhà tiên tri Mohammed ngụ ý rằng bất kỳ cá nhân nào cũng có thể phát hiện ra vấn đề ảnh hưởng đến sự sạch sẽ của đường phố, hoặc có khả năng gây hại cho những người qua lại. Nhưng không phải ai cũng có ý chí hoặc năng lực để loại bỏ tác hại hoặc ít nhất là tránh để lại những dấu vết có hại trên đường đi.
Tổng kết
Ngay cả những nỗ lực nhỏ nhất cũng có thể tạo ra ảnh hưởng, có thể tạo ra sự thay đổi và tác động đến môi trường xung quanh chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là quan tâm đến sự thịnh vượng của hành tinh mà chúng ta đang sống.
Với người Hồi giáo, việc thực hiện theo lời dạy của nhà tiên tri Mohammed trong kinh Qur’an là cách để hoàn thành nhiệm vụ của một công dân sống có trách nhiệm trên Trái đất này.