Trong một thế giới đầy biến động và tràn ngập thông tin hiện nay, các sự kiện dù quan trọng rồi cũng sẽ lắng lại, trôi qua. Lại có câu “không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”! Chuyện đời thường là vậy.
Nhưng quan hệ Việt Nam-Ấn Độ và chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ 30/7-1/8 là một trong những sự kiện đặc biệt, gợi lên những điều vừa phổ quát vừa đặc thù, vừa toàn diện vừa sâu sắc, vừa mạnh mẽ vừa bền vững trong quan hệ quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mời thăm cấp Nhà nước ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ ba. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ nhất, lịch sử, truyền thống là nền tảng cho quan hệ hiện tại và tương lai. Việt Nam và Ấn Độ là hai nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, có sự giao lưu, giao thoa, kết nối về thương mại, văn hóa, tôn giáo và nhân dân từ hàng nghìn năm trước; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhau và của thế giới; chung khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh và có nhiều mặt tương đồng.
Ấn Độ được xem là cái nôi đầu tiên của Phật giáo, từ đó lan truyền đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Sự hiện diện của các chùa Phật giáo và đền Hindu giáo trên cả nước là biểu hiện sinh động, cụ thể cho mối giao lưu lâu đời giữa hai nền văn hóa.
Hai nước cùng tiến hành cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do gần như đồng thời (Việt Nam-1945, Ấn Độ-1947). Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên vừa thành lập. Thủ tướng Jawarharlal Nehru là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam, khi Thủ đô Hà Nội giải phóng (10/1954).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ tiền bối của Ấn Độ như Mahatma Gandhi, Jawarharlal Nehru khởi nguồn quan hệ giữa hai nước. Các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp cho quan hệ song phương không ngừng đơm hoa thơm, kết trái ngọt.
Ấn Độ là một trong ba Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam (2007) và hai nước xác lập khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016, là những dấu mốc lịch sử, biểu tượng của sự phát triển toàn diện, thực chất. trong quan hệ song phương.
Thực tiễn chứng tỏ, dù thế giới biến đổi phức tạp, chia rẽ sâu sắc, “vật đổi sao dời”, thì Việt Nam và Ấn Độ mãi là người bạn chân thành, tin cậy, thủy chung son sắt, luôn đồng cảm, chia sẻ, sát cánh bên nhau trong suốt chiều dài lịch sử.
Trong các hội nghị, dịp gặp gỡ trước đó và trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo hai nước khẳng định, lịch sử truyền thống quan hệ lâu đời với những phẩm chất vô cùng tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ là tài sản vô giá, nền tảng cho sự phát triển bền vững hiện nay và trong tương lai.
Trang Facebook của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đăng chùm ảnh lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì tại Phủ Tổng thống Ấn Độ. (Ảnh chụp màn hình) |
Thứ hai, những điều đặc biệt của chuyến thăm. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ấn Độ, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Thủ tướng Narendra Modi mời thăm cấp Nhà nước ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ ba.
Ấn Độ được coi là quốc gia năng động nhất trong G20, nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, đối tác quan trọng của nhiều nước. Thủ tướng Narendra Modi khẳng định Việt Nam là trụ cột không thể thiếu trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Hai nước yêu quý, tin tưởng nhau và cũng rất cần nhau. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước hướng tới mốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (2026) và 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (2027).
Lịch trình ba ngày dày đặc với 25 hoạt động phong phú, bao gồm hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cao nhất của nước bạn; gặp gỡ với các tập đoàn lớn tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ-Việt Nam và phát biểu chính sách tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Ấn Độ. Hai bên ra Tuyên bố chung về việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, ký 9 văn kiện trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, tài chính, y tế, văn hóa, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2024-2028.
Dư luận hai nước và quốc tế đánh giá cao kết quả chuyến thăm là toàn diện, sâu sắc, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực, hướng tới sự phát triển mạnh mẽ, bền vững. Trong đó có những con số ấn tượng như thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD; tăng gấp đôi đầu tư hai chiều, thu hút hàng chục tỷ USD…
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam được Ấn Độ đón tiếp với nghi lễ chu đáo, trọng thị nhất của một chuyến thăm cấp Nhà nước. Hình ảnh hai bàn tay lãnh đạo luôn nắm chặt, giương cao trên thảm đỏ, trên đường di chuyển và tại các cuộc hội kiến, hội đàm, lễ ký kết văn kiện khắc đậm trong nhân dân hai nước và bạn bè quốc tế. Đó là biểu tượng sinh động, vượt lên các nghi lễ ngoại giao, minh chứng cho tình cảm nồng nhiệt, chân thành, mật thiết giữa những người anh em, bạn bè cùng chí hướng.
Từ đây, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ thực sự bước sang một trang mới, thực chất hơn, sâu rộng hơn, với nhiều cơ hội hơn, như đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Chuyến thăm thực sự đặc biệt cả về nội dung, hình thức, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt với nhân dân hai nước và khu vực, thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani - tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ ba, luôn tìm ra động lực mới để phát triển. Tình hình thế giới, khu vực và mỗi nước luôn vận động, trong mối quan hệ đan xen, nhiều tầng nấc giữa các quốc gia, dân tộc. Giai đoạn mới đặt ra yêu cầu mới. Truyền thống quan hệ dù tốt đẹp đến mấy cũng chỉ có ý nghĩa khi nó được kế thừa, phát triển ở hiện tại và trong tương lại.
Theo tinh thần đó, lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ chú trọng tìm cách làm mới các lĩnh vực truyền thống và mở ra những lĩnh vực mới, động lực mới, đột phá, phù hợp với xu thế thời đại và tiềm năng lớn giữa hai nước như trí tuệ nhân đạo, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng logictics...
Điều đó thể hiện rất rõ trong Tuyên bố chung, các văn kiện ký kết, cũng như cam kết, ghi nhớ của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và Ấn Độ. Nổi bật là phương châm “năm hơn”: Tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh sâu sắc hơn; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hiệu quả, đột phá hơn; hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mạnh, thiết thực hơn.
Đó là cơ sở để nhân dân hai nước và bạn bè quốc tế kỳ vọng quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sẽ có bước phát triển mới với tầm cỡ mới, trong thời gian tới, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của mỗi nước nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, độc lập (2045, 2047).
***
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi chứng kiến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao 2 nước trao Chương trình hành động Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2024-2028 (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trên thế giới cũng có những mối quan hệ lịch sử, truyền thống lâu đời như Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng duy trì, phát triển quan hệ liên tục, bền vững, không có khúc quanh, không “điểm tối”, thì không nhiều.
Trở lại mệnh đề trong đoạn mở đầu. Có lý khi nói bạn, thù không vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là vĩnh viễn. Nhưng không có gì là tuyệt đối. Trên thê giới, lợi ích giữa các nước, trong những thời điểm cụ thể, không trùng khít hoàn toàn và chịu tác động từ nhiều mối quan hệ khác.
Vấn đề là phải phát huy nhiều nhất mặt tương đồng, hạn chế tối đa sự khác biệt, với tinh thần thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ lợi ích, cùng có lợi. Ngay trong chuyến thăm, Thủ tướng hai nước đã thống nhất chỉ đạo giải quyết cơ bản những vấn đề vướng mắc trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Với xu thế hội nhập toàn cầu, lợi ích quốc gia, dân tộc phải đặt trong lợi ích chung của khu vực, thế giới, hài hòa với lợi ích chính đáng của các quốc gia, dân tộc khác. Chỉ khi đó mới thực sự vĩnh viễn.
Trong lịch sử và chuyến thăm vừa qua, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ không những vì lợi ích của hai nước, mà còn góp phần cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực, thế giới. Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ, có thể nói là một hình mẫu trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Vì thế, những sự kiện nổi bật trong quan hệ song phương sẽ mãi lưu dấu sâu đậm trong tâm khảm nhân dân, trong thành tựu phát triển và sự đóng góp của hai nước cho thế giới, khu vực.
| 2 ngày bận rộn của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Ấn Độ Trong hai ngày thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiến hành 25 hoạt động cấp cao, tiếp tục ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ: ‘Thắp sáng’ tiềm năng hợp tác Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ (từ ngày 30/7-1/8) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, một trong những nhà lãnh đạo ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Ấn Độ: Chuyến đi mở ra chương mới cho quan hệ hai nước Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8 của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp. Bộ trưởng Ngoại ... |
| Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc với nhiều dấu ấn nâng tầm đối ngoại Việt Nam Báo TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Ấn Độ: Cột mốc tạo xung lực cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ấn Độ (30/7-1/8), Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam ... |