Nhỏ Bình thường Lớn

Dấu ấn vẫn hiện hữu của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau một năm ông bị ám sát

Sau một năm kể từ khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát trong lúc đang vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tự do (LPD) ở Nara, Nhật Bản đã trải qua một số thay đổi lớn trong cách tiếp cận chính sách an ninh và đối ngoại, củng cố di sản của nhà lãnh đạo quá cố.
Dấu ấn vẫn hiện hữu của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau một năm ông bị ám sát
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại lễ tưởng niệm 1 năm ngày mất cố lãnh đạo Shinzo Abe, ngày 8/7, tại Tokyo. (Nguồn: Kyodo)

Từ việc thông qua ba văn kiện an ninh mới vào tháng 12/2022, bao gồm Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi nêu rõ việc sở hữu “khả năng phản công”, đến việc thông qua ngân sách vào tháng 3/2023 nhằm tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng vào năm 2027, rõ ràng, Nhật Bản đang trải qua một giai đoạn biến đổi lớn.

Phần lớn ảnh hưởng cho những biến đổi này thuộc về ông Abe, người đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng để những người kế nhiệm tiếp tục phát triển tầm nhìn của ông thành hiện thực.

Theo các nhà quan sát, những dấu ấn của cố Thủ tướng Abe đối với đất nước Nhật Bản là không thể xóa nhòa và tác động của nó có thể sẽ còn kéo dài trong tương lai.

Tin liên quan
Đại sứ Phạm Quang Hiệu tiếp Chủ tịch Đảng Công minh Nhật Bản Natsuo Yamaguchi Đại sứ Phạm Quang Hiệu tiếp Chủ tịch Đảng Công minh Nhật Bản Natsuo Yamaguchi

Tầm nhìn của ông Abe

Ông Chris Hughes, Giáo sư về chính trị quốc tế và Nhật Bản tại Đại học Warwick (Anh) đánh giá: “Tầm nhìn và các chính sách của ông Abe chắc chắn rất quan trọng trong việc mở đường cho những cải cách hơn nữa về an ninh và quốc phòng của Nhật Bản mà chúng ta đã thấy xuất hiện vào cuối năm 2022 dưới thời Thủ tướng Kishida Fumio”.

Theo Giáo sư Hughes, mặc dù ông Abe cũng đã xây dựng trên nền tảng những người tiền nhiệm đã đặt ra nhưng nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai của ông (từ 2012-2020) đã “đẩy nhanh và củng cố quỹ đạo cấp tiến trong chính sách an ninh của Nhật Bản”.

Nội các của ông Abe đã thông qua việc diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp năm 2014, cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể. Năm 2015, ông giám sát một sửa đổi lớn đối với hợp tác quốc phòng song phương Mỹ-Nhật, cho phép Tokyo đảm nhận vai trò toàn cầu tham vọng hơn trong bối cảnh khu vực gia tăng căng thẳng với Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất của ông Abe chính là việc Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới vào tháng 9/2015 nhằm luật hóa quyền tự vệ tập thể, cho phép quốc gia này huy động quân đội ở nước ngoài để bảo vệ mình và các đồng minh nếu họ bị tấn công.

Giáo sư Hughes cho rằng, trong nhiều năm qua, quỹ đạo do nhà lãnh đạo quá cố đặt ra, còn gọi là Học thuyết Abe, đã thiết lập các thông số cơ bản cho các thủ tướng Nhật Bản tương lai.

Theo ông Hughes, Học thuyết Abe đã thay thế một cách hiệu quả “Học thuyết Yoshida” thống trị trước đây của Nhật Bản - chính sách được Thủ tướng Yoshida Shigeru thông qua sau Thế chiến II, giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh Nhật Bản cho Mỹ để tập trung vào tăng trưởng kinh tế.

Chính sách của ông Abe ủng hộ việc chuyển sang tư thế phòng thủ quyết đoán, thiết lập một liên minh Mỹ-Nhật hội nhập và hiệu quả hơn cũng như vai trò an ninh và ngoại giao khu vực chủ động hơn.

Trong một năm kể từ khi ông Abe qua đời, những thay đổi này đã trở nên rõ ràng hơn, được phản ánh trong nhiều động thái của Thủ tướng Kishida.

Thật vậy, dấu ấn của nhà lãnh đạo quá cố có thể được tìm thấy trên mọi thứ, từ việc củng cố khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” cho đến khuôn khổ hợp tác ngày càng được thắt chặt giữa Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ…

Đồng thuận LDP mới

Ông Sebastian Maslow, chuyên gia an ninh Nhật Bản, cho rằng, Thủ tướng Abe là nhân vật chủ chốt định hình lại trật tự quốc tế với trọng tâm là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và “xứng đáng được tín nhiệm trong việc thúc đẩy sự thay đổi địa chiến lược này”. Tuy nhiên, chính quyết định của những người kế nhiệm ông khi tuân theo đường lối chính sách đó đã “giúp tiếp tục củng cố nó như một sự đồng thuận mới".

Chuyên gia Maslow nói: “Mặc dù dưới thời ông Abe, nhiều thay đổi được triển khai vẫn còn gây tranh cãi, nhưng rất ít người trong LDP ngày nay phản đối chương trình an ninh của ông Kishida”.

Nhiều nhà quan sát đánh giá rằng, việc đạt được sự đồng thuận dưới thời ông Abe, người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ, khó khăn hơn so với dưới thời những người kế nhiệm ông, đặc biệt là ông Kishida, người đến từ phe ôn hòa.

Vị chuyên gia trên nhận định, Thủ tướng Kishida từ lâu đã được coi là một người theo chủ nghĩa tự do trong LDP, nhưng thực tế là ông không thúc đẩy một chương trình nghị sự thay thế mà thực hiện các chính sách tiếp nối với chương trình nghị sự ban đầu của ông Abe, bao gồm khả năng phản công và quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ. Điều đó cho thấy ông Abe có ảnh hưởng như thế nào đối với những bước tiến an ninh của Nhật Bản.

“Sự thay đổi này đã trở thành điều gần như không thể tranh cãi trong LDP, rõ ràng, đó là di sản của ông Abe”, chuyên gia Maslow nói.

Trong bài phát biểu tại lễ tưởng niệm ông Abe vào ngày 8/7 vừa qua, bản thân Thủ tướng Kishida đã nói rõ quan điểm của mình về di sản của người tiền nhiệm: “Lý do tôi có thể điều hành chính quyền này với tư cách là Thủ tướng là nhờ nền tảng mà Thủ tướng Abe đã đặt ra trong cả vấn đề đối nội và đối ngoại”.

Nhìn về tương lai, Giáo sư Hughes cho rằng, di sản của ông Abe sẽ tiếp tục có tác động đáng kể trong dài hạn và chắc chắn sẽ không phai mờ sau thời kỳ hậu Thủ tướng Kishida.

Chuyên gia về chính trị quốc tế và Nhật Bản tại Đại học Warwick (Anh) nhấn mạnh: “Nhật Bản đã và đang trên quỹ đạo trở thành một bên tham gia an ninh và quốc phòng quyết đoán hơn trong hai thập niên và hơn thế nữa, nhưng ông Abe đã đẩy nhanh và đưa ra chiến lược này một cách hiệu quả”.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Tổng thư ký Ban An ninh quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Tổng thư ký Ban An ninh quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo

Ngày 6/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp ông Akiba Takeo, Tổng thư ký Ban An ninh quốc gia ...

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO: Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy di sản

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO: Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy di sản

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo cho rằng Việt Nam là hình mẫu về quản lý, bảo tồn và ...

Giao ban Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội, doanh nghiệp gỗ và lâm sản

Giao ban Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội, doanh nghiệp gỗ và lâm sản

Giao ban Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế nhằm đánh giá những thách thức, cơ hội, tác động của chính sách, quy định mới ...

Nhật Bản: Nhiều hoạt động tưởng niệm 1 năm ngày Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát

Nhật Bản: Nhiều hoạt động tưởng niệm 1 năm ngày Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tham dự lễ tưởng niệm ngày mất của ông Abe Shinzo tại Zojoji, một ngôi chùa Phật giáo ...

Đại sứ Phạm Quang Hiệu tiếp Chủ tịch Đảng Công minh Nhật Bản Natsuo Yamaguchi

Đại sứ Phạm Quang Hiệu tiếp Chủ tịch Đảng Công minh Nhật Bản Natsuo Yamaguchi

Ngày 10/7, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ Phạm Quang Hiệu tiếp ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch Đảng ...

(theo Japan Times)