Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng thư ký OIF Louise Mushikiwabo cùng các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ, ngày 24/3. (Ảnh: Quang Hòa) |
Chia sẻ tiếng Pháp và các giá trị phổ quát
Được thành lập ngày 20/3/1970, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp.
Đặt trụ sở ở Paris (Pháp), OIF có 88 thành viên, trong đó 83 quốc gia và năm chính quyền bang, bao gồm 54 thành viên đầy đủ, bảy thành viên liên kết và 27 quan sát viên.
Các quốc gia thành viên có ở cả năm châu lục, với tổng dân số khoảng 1,2 tỷ người, trong đó có khoảng 300 triệu người nói tiếng Pháp, chiếm gần 20% trao đổi thương mại và 16% GDP thế giới. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, hoặc duy nhất hoặc cùng với một số ngôn ngữ khác, tại 32 nước và chính quyền thành viên. Châu Á-Thái Bình Dương có bốn thành viên chính thức là Việt Nam, Lào, Campuchia, Vanuatu; Nouvelle-Caledonie là thành viên liên kết; Hàn Quốc và Thái Lan là quan sát viên.
Cộng đồng Pháp ngữ, thông qua việc chia sẻ tiếng Pháp và các giá trị phổ quát, hướng tới phục vụ các mục tiêu hòa bình, hợp tác, đoàn kết và phát triển bền vững. Cụ thể là, xây dựng và thúc đẩy dân chủ, phòng ngừa và giải quyết xung đột, hỗ trợ Nhà nước pháp quyền và quyền con người; tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh; hỗ trợ để các dân tộc xích lại gần nhau thông qua tăng cường hiểu biết lẫn nhau; củng cố tình đoàn kết qua các hoạt động hợp tác đa phương, phát triển kinh tế các thành viên; thúc đẩy giáo dục và đào tạo. Hội nghị cấp cao Pháp ngữ là một trong các thể chế quyết định của Cộng đồng Pháp ngữ.
Sự tham gia của Việt Nam
Việt Nam chính thức gia nhập Cơ quan hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT) - tiền thân của OIF vào năm 1979. Kể từ đó, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực, thực chất tại các cơ quan, thể chế khác nhau của Cộng đồng.
Lãnh đạo ta thường xuyên tham dự các Hội nghị cấp cao Pháp ngữ. Tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Trụ sở OIF nhân chuyến thăm chính thức Pháp, thể hiện cam kết ở cấp cao của Việt Nam đối với việc tham gia Cộng đồng Pháp ngữ. Đặc biệt, năm 1997, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Pháp ngữ tại châu Á.
Việt Nam nhiều lần được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF 1996), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF, 1996-1997), Chủ tịch Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (1997-1998), Chủ tịch Ban Tài chính và Hành chính thuộc CPF (2011-2013), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác và Chương trình của CPF (2013-2015), thành viên Hội đồng quản trị của Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF, 2013-2017), Chủ tịch Mạng lưới các Đại diện quốc gia phụ trách Pháp ngữ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RESIFAP, 2013-2016). Hiện Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban kinh tế CPF từ tháng 3/2019.
Quốc hội Việt Nam tham dự hầu hết các khóa Đại hội đồng của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Đặc biệt, Việt Nam được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch APF bốn nhiệm kỳ (2007-2009, 2009-2011, 2013-2015 và 2019-2022); Chủ tịch Vùng châu Á-Thái Bình Dương (2015-2017), thành viên Hội đồng điều hành Mạng lưới nữ nghị sĩ APF (2017-2019). Việt Nam cũng đăng cai tổ chức nhiều hội nghị quan trọng của APF.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và nghiên cứu của Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ. Ví dụ như Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước có sử dụng tiếng Pháp (CONFEMEN) hợp tác với AUF và OIF; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham gia Hội nghị Bộ trưởng thanh niên và thể thao Pháp ngữ (CONFEJES) và các Thế vận hội Pháp ngữ; Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế là thành viên chính thức của Hiệp hội quốc tế các thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF); gần 40 trường đại học của Việt Nam là thành viên của AUF…
Một dấu ấn khác là tháng 9/2020, Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện Văn phòng Pháp ngữ tại khu vực Tây Phi, là người châu Á đầu tiên đứng đầu một văn phòng khu vực của OIF.
Hiện nay, do tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.
OIF thể hiện coi trọng, thường xuyên cử đoàn cấp cao thăm Việt Nam. Tổng thư ký Pháp ngữ sáu lần thăm Việt Nam (1998, 2004, 2014, 2016, 2019 và 2022), bên cạnh đó là chuyến thăm của lãnh đạo các thể chế và cơ quan Pháp ngữ khác. Văn phòng khu vực của OIF và AUF đặt tại Hà Nội; Trung tâm hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp khu vực châu Á-Thái Bình Dương (thuộc OIF) đặt tại TP. Hồ Chí Minh.
Năm nay, Hội nghị cấp cao lần thứ 18 của OIF diễn ra từ ngày 19-20/11 tại đảo Djerba ở miền Đông Tunisia. Với chủ đề “Kết nối trong đa dạng: kỹ thuật số, yếu tố thúc đẩy và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ”, Hội nghị dự kiến quy tụ ít nhất 30 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ. |
Những lĩnh vực hợp tác thế mạnh
Về giáo dục, đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, các dự án hợp tác giữa Việt Nam với AUF có quy mô khá lớn như Dự án các lớp song ngữ tiếng Pháp (1994-2006); Dự án dạy thí điểm tiếng Pháp ngoại ngữ thứ hai (2001-2005); các hoạt động hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CREFAP, từ 1993), Dự án Tăng cường tiếng Pháp ở khu vực Đông Nam Á (VALOFRASE, 2006-2015); Thành lập Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương (CECOFAP) từ 2014 đặt tại Học viện Ngoại giao; thành lập Viện quốc tế Pháp ngữ (từ 1993 trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội)…
AUF hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp ở cấp phổ thông và đại học, cấp học bổng nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, kinh tế, thương mại, dược, khoa học cơ bản, luật pháp… AUF thành lập Không gian kỹ thuật số tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Thỏa thuận hợp tác khung với AUF.
Bên cạnh đó, OIF bắt đầu hỗ trợ đào tạo một số sĩ quan tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Về kinh tế, OIF phối hợp với Đại học Quốc gia tổ chức diễn đàn kinh tế quốc tế Franconomics hàng năm (bắt đầu từ 2019); hỗ trợ Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Phi, gần đây nhất là phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế về hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi (9/2021).
Từ tháng 9/2020 đến nay, OIF triển khai dự án thí điểm hợp tác phi tập trung nhằm hỗ trợ thanh niên và phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất kỹ nghệ, khắc phục hậu quả thiên tai tại Sơn La, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Đồng Tháp. OIF hỗ trợ các dự án quy mô nhỏ hơn về tin học, pháp luật, năng lượng, môi trường, giảm nghèo, giúp đào tạo giáo viên và hỗ trợ cơ sở vật chất trường học ở các vùng sâu vùng xa...
Đặc biệt, đi cùng Tổng thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-26/3/2022 là đoàn gồm gần 100 lãnh đạo tổ chức và doanh nghiệp của 24 nước Pháp ngữ nhằm tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư về các lĩnh vực nông nghiệp, tài sản-dịch vụ số và năng lượng tái tạo. Chuyến thăm mở ra cơ hội hợp tác mới giữa các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và các đối tác Pháp ngữ, giúp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Về văn hóa, hàng năm, OIF đều phối hợp với các Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Liên hoan phim Pháp ngữ để quảng bá đến người dân các tác phẩm điện ảnh của các nước thành viên, tổ chức cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ”.
OIF hỗ trợ Học viện Ngoại giao xây dựng Không gian Pháp ngữ tại trường (hỗ trợ về tài chính, cung cấp tài liệu và sách), khai trương vào tháng 3/2022 nhân chuyến thăm của Tổng thư ký Pháp ngữ.
Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã ký thỏa thuận với TV5Monde phát sóng kênh này 24/24 giờ trên hệ thống truyền hình cáp viba (MMDS) từ tháng 11/1997.
Các hoạt động thể thao và thanh niên cũng thành công với việc tổ chức hai Giải bóng đá Pháp ngữ năm 2020 và 2022 có sự góp mặt của 20 đội bóng đến từ các trường đại học và cấp ba.
Thêm vào đó, ngày 21/5/2022, Giải chạy Pháp ngữ “Elle peut” (Cô ấy có thể), lần đầu tiên được tổ chức ở xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, thu hút gần 2.000 người tham dự.