📞

Dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị phá dỡ căn cứ tên lửa Tongchang-ri!

21:46 | 06/03/2019
Theo hãng tin Yonhap, một số chuyên gia Hàn Quốc ngày 6/3 cho rằng các hoạt động khôi phục được phát hiện tại địa điểm phóng tên lửa tầm xa chính của Triều Tiên dường như không nhằm mục đích gây sức ép cho Mỹ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều không thành công tuần trước mà có thể đó là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị phá dỡ cơ sở này.

Trước đó, ngày 5/3, Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết đã phát hiện các dấu hiệu Triều Tiên đang khôi phục một phần cơ sở phóng vệ tinh Sohae gần biên giới với Trung Quốc, còn được gọi là căn cứ tên lửa Tongchang-ri.

Căn cứ tên lửa Dongchang-ri bị nghi ngờ có dấu hiệu khôi phục hoạt động. (Nguồn: 38 North)

Cùng ngày, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ đã công bố hình ảnh chụp căn cứ này từ vệ tinh thương mại và cho biết đã phát hiện các hoạt động đó tại bệ thử động cơ thẳng đứng và cấu trúc vận chuyển tên lửa gắn trên bệ phóng. Tổ chức tư vấn này nói rằng động thái trên có thể "cho thấy các kế hoạch của Triều Tiên thể hiện quyết tâm" trước sự thất bại của Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tuần trước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia ở Seoul đã bác bỏ nhận định đó và cho rằng Triều Tiên có thể đã bắt đầu công việc khôi phục trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều để sẵn sàng phá hủy theo thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà nhiều người cho là hai bên sẽ đạt được.

Ông Kim Dong-Yub, Giám đốc Viện Nghiên cứu viễn Đông của Hàn Quốc, nhận định: "Triều Tiên có thể đã chuẩn bị sửa chữa cơ sở này phòng khi các thanh sát viên bên ngoài đến xem, như một phần của các nỗ lực lớn hơn nhằm nâng cao giá trị sự nhượng bộ của họ".

Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết vì hai bên đã không thu hẹp sự khác biệt về phạm vi các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Washington.

Ông Choi Yong-hwan, một nhà nghiên cứu tại Viện chiến lược An ninh quốc gia, bình luận: "Hai ngày là thời gian quá ngắn để cho rằng Triều Tiên đã đưa ra quyết định như vậy (tiếp tục khiêu khích) trong khi tất cả những người ra quyết định quan trọng lại đều ở trên một chuyến tàu với nhà lãnh đạo Triều Tiên".

Ông Choi giải thích thêm mặc dù hình ảnh vệ tinh đã được chụp vào cuối tuần qua, nhưng không có đủ bằng chứng để xác định liệu các công việc khôi phục như vậy đã được thực hiện trước hay sau sự thất bại của Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.

(theo Yonhap)