📞

Dầu khí mở ra thời kỳ mới cho châu Phi

10:42 | 24/02/2017
Trong lĩnh vực năng lượng đầy biến động với nguồn cung dầu mỏ tăng và sự cạnh tranh gay gắt để thu hút đầu tư, viễn cảnh tăng sản xuất dầu mỏ tại châu Phi có thể mở ra hy vọng cho lục địa này. 

Tác động của OPEC

Chuyên gia kinh tế Charles Thiemele nhận định, sản xuất dầu mỏ tại châu Phi sẽ tăng. Mặc dù vậy, việc giá dầu quay đầu tăng trở lại lên hơn mức 100 USD/thùng thay vì 57 USD/thùng như hiện nay chưa phải là câu chuyện lâu dài. Thỏa thuận về giảm sản lượng mà các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ký cuối tháng 9/2016 tại Alger chỉ có tác động trong ngắn hạn, nhưng sẽ không đẩy được giá dầu lên mức như thời điểm trước khi bị lao dốc năm 2014.

Theo ông Thiemele, một mặt quy định của OPEC sẽ rất khó được tôn trọng, bao gồm cả tại châu Phi, và các nước ngoài OPEC cũng sẽ không tuân theo thỏa thuận giảm sản lượng. "Vấn đề đau thương" này hiện đang bị chia rẽ bởi phần lớn lãnh đạo của các tập đoàn dầu mỏ lớn trong đó có 4 ông chủ của các tập đoàn lớn nhất đang hoạt động tại châu Phi là Patrick Pouyanné của tập đoàn Total (Pháp), Claudio Descalzi của tập đoàn ENI (Italy), Darren Woods, ông chủ của ExxonMobil (Mỹ) và Bob Dudley, ông chủ của BP (Anh).

Các quốc gia thuộc OPEC. (Nguồn: The Telegraph)

Công bố cuối tháng Một vừa qua, báo cáo BP Energy Outlook đưa ra bức chân dung về ngành năng lượng đang có nhiều thay đổi. Theo ông Spencer Dale, nhà kinh tế trưởng thuộc BP, người phối hợp biên soạn báo cáo này, thế giới hiện đang trải qua giai đoạn dư thừa với trữ lượng dầu mỏ đã tăng gấp đôi trong 35 năm, trong đó 65% (1.700 tỷ thùng dầu) nằm ở Trung Đông, các nước thuộc Liên Xô (cũ) hay tại Bắc Mỹ. Trong bối cảnh giá dầu vẫn luôn ở mức từ 40-80 USD/thùng trong thời gian dài, các nhà sản xuất dầu lớn có sự lựa chọn giữa những giếng dầu khai thác được và sẽ ưu tiên cho những giếng sẽ được khai thác với mức giá tốt nhất.

Ông Thiemele cho rằng, yếu tố bi quan nhất chính là tình hình chính trị khó khăn hiện nay của nhiều nước sản xuất dầu châu Phi như Nigeria, Libya. Hiện nay, hai nước này rất cần sự ổn định chính trị và kinh tế nên sẽ lấy lại được mức sản xuất cao trong trung hạn. Điển hình là trường hợp của Nigeria, nước đã đánh mất vị trí là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi vào tay Angola năm 2016. Dù có tiềm năng lớn và với một nền công nghiệp dầu mỏ đã được định hình, nhưng nước này lại bị suy yếu bởi tình hình chính trị và xã hội phức tạp ở vùng châu thổ Niger. Nước này cũng chịu sự bấp bênh liên quan đến tổ chức của ngành dầu mỏ và luật dầu mỏ mới đang chờ đợi phê duyệt. Trong lĩnh vực khí đốt, nhiều dự án phải chờ đợi do chính quyền hoãn hỗ trợ tài chính cho các dự án điện hóa.

Nhiều tiềm năng phát triển

Trong khi đó, ông Mansur Mohammed, chuyên gia phân tích về châu Phi của Wood Mackenzie dự báo năm 2017, các dự án dầu khí lớn tại châu Phi đã bị đóng băng từ 2014 sẽ được khôi phục. Ông Mohammed cho biết, trong 5 năm qua đã phát hiện ra các mỏ khí đốt có trữ lượng rất lớn tại Mozambique và tại Tanzania, và mới đây là tại Senegal và Mauritania. “Chúng tôi dự báo rằng các quyết định đầu tư cuối cùng sẽ được đưa ra cho 6 dự án khí hóa lỏng lớn đều nằm ở tại châu Phi”, ông nhận định.

Bên cạnh đó, tại khu vực Bắc Phi, tập đoàn ENI đang thực hiện siêu dự án khí đốt Zohr ở ngoài khơi Ai Cập. Những dự án khí đốt mới này giúp tăng sản lượng khí đốt của châu Phi từ 20 tỷ m3 khí/ngày lên 30 tỷ m3 khí/ngày giai đoạn 2015-2035.

Theo như xác nhận của chính các tác giả của báo cáo tiêu thụ năng lượng của châu Phi, hiện viễn cảnh dầu mỏ ở châu Phi vẫn còn là một ẩn số lớn. Chiếm 16% dân số toàn cầu, châu Phi hiện tiêu thụ chỉ dưới 4% năng lượng toàn cầu. Theo BP, nhu cầu sẽ tăng lên 77% trong 20 năm tới nhưng sẽ rất khó để dự báo sự tiến triển giữa dầu khí và năng lượng sạch cũng như sự ảnh hưởng đến thị trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Để giảm sự phụ thuộc vào thị trường thế giới và sự biến động về giá, châu Phi cần phải quan tâm đến tăng tiêu thụ dầu khí mà họ sản xuất được, chẳng hạn như phát triển ngành công nghiệp lọc dầu để tự cung cấp nhiên liệu hay để xây dựng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng.

Tại Bắc Phi, các nước sản xuất lớn như Algeria (1,8 triệu thùng/ngày), Libya (432.000 thùng/ngày) và Ai Cập (723.000 thùng/ngày) có các mỏ dầu hoạt động từ nhiều thập kỷ qua. Các nước này, nhất là Algeria đang tái cấu trúc để tối ưu hóa khai thác các mỏ dầu cũ.

Về khí đốt, khu vực Bắc Phi đang trở thành điểm hấp dẫn nhất kể từ khi ENI phát hiện ra mỏ Zohr (Ai Cập) với trữ lượng lên tới 850 tỷ m3 khí. Morocco cũng có những hy vọng với việc phát hiện mỏ khí đốt có trữ lượng 6 tỷ m3/năm. Những mỏ khí đốt này cũng như các mỏ của Algeria về ngắn hạn sẽ giúp sản xuất điện cho thị trường trong nước, có tính đến yếu tố công nghiệp hóa...

(theo Market Watch)