📞

Đâu là ranh giới giữa nghệ thuật công cộng và quảng cáo?

11:22 | 18/05/2017
Công chúng và các chuyên gia Mỹ đều quan tâm đến bức tượng “Cô gái không sợ hãi” (Fearless Girl) đang gây tranh cãi ở Manhattan, thành phố New York (Mỹ).

Bức tượng thể hiện một cô gái nhỏ đang nắm hai quả đấm bên hông, đứng đối diện và nhìn chằm chằm vào một con bò đực hung dữ. Tượng đặt tại đường phố trung tâm của quận Manhattan (thành phố New York), một trong những trung tâm kinh tế mạnh nhất thế giới.

Có người cho rằng bức tượng này minh họa cho sự phân biệt nam nữ. Có người lại cho rằng nó biểu trưng cho nữ quyền, thách thức những lĩnh vực mà nam giới đang "thống trị".

Bức tượng cô gái đứng đối diện với con bò được rất đông người đến xem. (Nguồn: AP)

Nhiều người đã phản ứng với bức tượng, cho rằng nó mang tính chất quảng cáo, bởi nó giống hệt trong một đoạn phim quảng cáo.

Những người bênh vực bức tượng thì cho rằng việc bức tượng này do hãng quảng cáo McCann New York và nghệ sĩ Kristen Visbal hợp tác xây dựng nên, chỉ đơn giản là lôi kéo sự chú ý của cộng đồng đối với thuyết bình quyền cho phụ nữ. Họ cho rằng bức tượng có ý nghĩa trao quyền cho các cô gái trẻ, và đừng nên chú ý tới chuyện nó là do một doanh nghiệp dựng nên.

Ranh giới mong manh

Tất cả những cuộc tranh luận đều cho thấy sự căng thẳng giữa nghệ thuật nơi công cộng và quảng cáo, và lằn ranh mỏng manh giữa hai bên.

“Bức tượng Cô gái được mô tả chính xác như trong một clip quảng cáo” - bà Margaret Johnson, giám đốc sáng tạo của công ty Silverstein & Partners, nói. "Nó thực sự thu hút người tiêu dùng và khuyến khích họ tham gia vào thế giới thực bằng những hành vi mua bán. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hình ảnh cô gái nhỏ dũng cảm đối diện với con bò hung dữ lại thuộc lĩnh vực nghệ thuật công cộng hơn”.

Các chuyên gia coi nghệ thuật nơi công cộng là một lĩnh vực nghiên cứu. Các tác phẩm nghệ thuật thường được làm từ thép có phun sơn, hoặc bằng đá. Các tác phẩm nghệ thuật đặt ra những câu hỏi về nơi chúng ta sinh sống bằng cách tạo ra các tương tác giữa con người với không gian, đồng thời giúp chúng ta hiểu biết hơn về địa phương nơi ta sinh sống và lịch sử ở đó.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nghệ thuật Công cộng Philadelphia, bà Penny Bach, cho biết: "Mọi người mang kinh nghiệm sống của riêng họ đến với các tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi muốn nói rằng nghệ thuật công cộng là nghệ thuật cho mọi người, vào bất cứ lúc nào. Vì vậy, đừng nên cứng nhắc quá, bởi các tác phẩm nghệ thuật thực sự là cái để chúng ta khám phá”. 

Một đường phố đông đúc ở quận Manhattan, thành phố New York. (Nguồn: Lense Moments)

Ông Jack Becker, người sáng lập công ty Nghệ thuật cộng đồng phi lợi nhuận Minneapolis và là giám đốc chương trình dịch vụ cộng đồng của công ty này, nói: "Bức tượng Cô gái này là một ví dụ tuyệt vời về nghệ thuật công cộng, nhưng nó lại là một phép thử đối với mắt nhìn của công chúng".

"Công chúng sẽ phản ứng như thế nào vào thời điểm này? 'Cô gái không sợ hãi' là một chương trình quảng cáo. Bức tượng này có thể coi vừa là một tác phẩm nghệ thuật công cộng vừa là một loại hình quảng cáo. Nó cũng là một cái gì đó có thể khơi gợi lên ý thức xã hội đối với phụ nữ và phụ nữ đứng lên trong những doanh nghiệp mà nam giới thống trị", ông Becker nói.

Ông cho rằng, dù là quá trình hoặc sản phẩm, dù là nghệ thuật nơi công cộng và quảng cáo cũng đều không chồng chéo hoàn toàn. Quảng cáo thường hướng đến sự rõ ràng, giải trí cho khán giả, và thuyết phục họ thực hiện một hành động cụ thể - đó là mua sắm. Còn nghệ thuật nơi công cộng thông báo cho khán giả về một môi trường, bối cảnh không gian và khuyến khích người xem tự tìm tòi, phát hiện. Nó giúp người xem cảm thấy tự hào về nơi họ sinh sống.

Các chuyên gia từ cả hai lĩnh vực này đều cho rằng chuyên môn của họ là tạo ra một kinh nghiệm để chia sẻ, và giúp người ta tham gia vào thế giới thực tế.  

Công trình nghệ thuật sắp đặt có tên "Những cánh cổng"  ở New York cũng từng gây tranh cãi trong công chúng. (Nguồn: AP)

Thông điệp của tác phẩm

Trong khi các tác phẩm dành cho mục đích quảng cáo chia sẻ không gian với các tác phẩm nghệ thuật công cộng, cả hai đều có những mối quan hệ rất khác nhau theo thời gian. Không phải tất cả các tác phẩm nghệ thuật công cộng đều có thể vĩnh viễn xem được – thí dụ những bức tranh tường có thể bị các tòa nhà mới xây che khuất.

Các tác phẩm dành cho quảng cáo ít quan tâm hơn đến tuổi thọ so với những tác phẩm nghệ thuật.

"Các tác phẩm điêu khắc trở nên có ý nghĩa vì môi trường xung quanh chúng thay đổi", bà Bach nói. Bà cũng chỉ ra những tác phẩm gây tranh cãi lúc ban đầu đã dần dần trở nên được yêu mến, như Tháp Eiffel, Tượng Nữ thần Tự do và Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh.

“Biến bức tượng thành một tác phẩm nghệ thuật nơi công cộng có thể làm cho tác phẩm thực sự thành công. Hãy kiểm tra vị trí của bức tượng. Nếu để cô gái đứng đối diện con bò là ngụ ý sự tự tin và thách thức, nhưng nếu đặt cô ấy bên cạnh con bò, nó sẽ trở thành bạn của cô ấy, hoặc công cụ của cô ấy. Sự làm chủ của cô gái đối với con bò trở nên rõ ràng hơn nếu cô đứng sau nó, điều khiển được nó” – bà Bach nói. "Tóm lại, một tác phẩm thành công giúp công chúng quan tâm đến môi trường công cộng và những thông điệp mà nó chuyển tải". 

(theo CityLab)