Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã lôi ngành Vật lý, Sinh học và Tự động hóa chung tay tạo ra những con robot thông minh, thay thế dần công việc của con người.
Thế thì con người được nghỉ ngơi mà “trà tam, tửu tứ” dành thời gian vàng để thi thố văn chương? Mọi việc đã có “thằng Người máy” lo hộ. Chỉ việc ra lệnh là nó làm răm rắp từ hút bụi, rửa bát, ép cọc bê tông trong xây dựng, chặt cây tỉa cành đến chăm sóc người ốm, trẻ nhỏ, thậm chí làm phiên dịch... đủ cả.
Mới đây Hàn Quốc đã cho ra đời sản phẩm robot NUGU có thể giải đáp các câu hỏi không cần tra cứu trên Google. Bên Đức, người ta sử dụng robot xây biệt thự chỉ có 2 ngày thay vì 6 tháng đến 1 năm như bên ta. Giỏi thật!
Những năm 60-70 của thế kỷ trước, người ta đã vẽ ra viễn cảnh của năm 2000, con người chỉ việc rong chơi nơi công viên để tận hưởng hạnh phúc.
Robot đang dần thay thế con người ở nhiều lĩnh vực (Nguồn: Genk) |
Con người đã tạo ra máy móc và bắt máy móc phục vụ các nhu cầu của mình. Nhưng đến một ngày, máy móc đã lấy mất chỗ làm việc của con người. Nạn thất nghiệp đang gia tăng nhanh ở nhiều quốc gia. Các dây chuyền sản xuất tự động đẩy dần người lao động ra hè phố - không phải để rong chơi mà là mất việc. Mà không chừng, chỉ mươi năm nữa sẽ có những con robot thông minh lên nắm quyền lãnh đạo và không khéo, nó lại bắt con người phục vụ nhu cầu của chúng nó! Điều đó là có khả năng? Rất có thể!
Chả thế mà thế giới đã vội khẩn trương tổ chức một hội nghị bàn về các nguy cơ thảm họa toàn cầu với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Hội nghị diễn ra hồi tháng 7/2016 rồi, tại Đại học Oxford (Anh). Các đại biểu đã tập trung bàn về những hiểm họa tiềm ẩn từ các công nghệ mới nổi như công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ robot..., mà nếu bị lợi dụng vì những mục đích không trong sáng, có thể gây hậu quả khôn lường cho nhân loại.
"Bất kỳ một thực thể nào thông minh hơn con người cũng sẽ rất mạnh bạo. Nếu chúng ta xử lý sai có thể dẫn tới những hậu quả đe dọa sự tồn vong của loài người”, Tiến sĩ Nick Bostrom, Giám đốc Viện Tương lai Nhân loại thuộc ĐH Oxford, đơn vị tổ chức hội nghị, nhận định.
Theo Tiến sĩ Bostrom, nhân loại sẽ bước vào một kỷ nguyên, mà ở đó công nghệ sinh học, công nghệ nano phân tử, trí thông minh nhân tạo và những công cụ nhận thức thế hệ mới sẽ được ứng dụng để khuếch đại năng lực trí tuệ, thể chất và thậm chí cảm xúc của con người. Khi đó, sẽ xuất hiện một dạng cuộc sống “hậu con người” với các cá thể sở hữu những kỹ năng, phẩm chất vượt trội đến mức không thể gọi là con người.
Đấy là chưa kể trái đất đang bị ô nhiễm, loài người có nguy cơ bị diệt vong nếu không nhanh chóng tìm ra hành tinh mới làm nơi cư trú sinh tồn. Khi mà trái đất già nua mỗi ngày hứng chịu bao nhiêu khí độc, người ta đang hút từ lòng đất mấy triệu thùng dầu, mấy vạn tấn than, khí đốt một ngày? Cứ hình dung thế đã thấy rùng mình! Thế thì khốn khổ chứ sung sướng nỗi gì?
Ấy vậy mà con người cũng chẳng biết thế để mà thương nhau. Vẫn súng đạn ùng oàng nhiều nơi trên thế giới, vẫn khủng bố, di cư. Cứ ngỡ là thế giới phẳng.
Dù thế nào, toàn cầu hóa vẫn chưa tạo ra được sự cân đối nhất định về chất lượng sống cũng như mức sống giữa các dân tộc, giữa các quốc gia. Vào dịp cuối năm, người ta tưng bừng công bố danh sách người giàu nhất thế giới với tài sản quy đổi thành USD là con số có tới chín chữ số. Trái lại, dường như chẳng mấy ai quan tâm tới vô vàn người lao động trên khắp năm châu chỉ với thu nhập 1-2 USD một ngày. Nhưng họ vẫn cười: “May mà còn có việc làm, chứ không bị thất nghiệp!”.
Vấn đề là chúng ta – Con người Việt suy nghĩ và hành động như thế nào?
Cho dù chiến tranh đã qua đi khá lâu, nhưng nước nhà còn trăm ngàn gian khó. Cuộc hội nhập toàn cầu cho thấy thách thức nhiều hơn cơ hội, không khéo Việt Nam có nguy cơ trở thành “vùng trũng” cả về giáo dục, khoa học và công nghệ!
Đó cũng là lúc người Việt phải biết thương yêu nhau, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để phát huy tiềm năng, giá trị, nhân cách của mỗi con người. Chả lẽ mình cam chịu thua thiệt, bần hàn? Chả lẽ khi so tài với thế giới, mình không có ai đứng vào hạng giàu, chẳng có một giải Nobel phát minh sáng chế, chẳng có sản phẩm mang thương hiệu Việt?
Một xã hội phát triển là xã hội có nền giáo dục tốt. Một nền giáo dục tốt chính là sự gắn bó khăng khít giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Mà trong nền giáo dục đó, vai trò của các thầy cô giáo vô cùng quan trọng!
Để chấn hưng đất nước, làm rạng danh dân tộc, mọi người cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ.
Hội nhập cùng thế giới, chúng ta không thể thua, cho dù sân nhà hay sân nước nào khác!