📞

Dầu thô Mỹ - mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc trong thương chiến?

14:02 | 20/08/2019
TGVN. Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo, cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tác động tiêu cực đến triển vọng của các lô hàng dầu thô của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tranh chấp “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giá dầu giảm mạnh, trong đó, giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua. (Nguồn: CNBC)

Đồng thời, các nhà phân tích cũng quan ngại Trung Quốc có thể sớm đưa ra quyết định về việc giảm đáng kể việc nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong thời gian tới.

Đầu tháng Tám vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Nhà Trắng sẽ áp dụng mức thuế 10% bổ sung đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới. Đáp lại, lần đầu tiên Trung Quốc đã để đồng Nhân dân tệ suy yếu tới mức 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Tổng thống Trump đã khiến căng thẳng leo thang nhanh hơn khi tuyên bố Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ". Tranh chấp “ăn miếng trả miếng” giữa hai quốc gia đã khiến giá dầu giảm mạnh, trong đó, giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua.

Mỹ đang mất khách hàng LNG lớn thứ hai

Không chỉ các dòng chảy thô bị ảnh hưởng do căng thẳng thương mại, Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData nhấn mạnh rằng, đã không có giao dịch đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đến Trung Quốc kể từ tháng Ba.

Một báo cáo công nghiệp của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, Mỹ hiện là nhà xuất khẩu LNG lớn thứ ba, nhưng sẽ sớm vượt qua Australia và Qatar để trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong 5 năm tới.

Hiện tại, Nhật Bản giữ vị trí đầu tiên, Trung Quốc giữ vị trí thứ hai trong danh sách nhập khẩu LNG từ Mỹ. Tuy nhiên, thương mại LNG giữa Trung Quốc và Mỹ đang rơi vào bế tắc và Mỹ cũng đứng trước nguy cơ mất người mua LNG lớn thứ hai là Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Refinitiv, số lượng tàu chở LNG đến Trung Quốc từ Mỹ đã giảm kể từ nửa cuối năm 2018, khi Tổng thống Trump bắt đầu "châm ngòi" cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tính trong khoảng 5 tháng đầu năm nay, chỉ có hai tàu LNG rời Mỹ đã đến Trung Quốc. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2018, trước khi hai nền kinh tế lớn nhất rơi vào tình trạng tranh chấp thương mại, số lượng tàu LNG của Mỹ đến Trung Quốc là 14.

Trung Quốc sẽ “nhắm” vào dầu Mỹ?

Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData nói với trang CNBC rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại khó nắm bắt như hiện tại, vẫn còn quá sớm để biết liệu lượng nhập khẩu dầu thô của Mỹ có tiếp tục giảm trong những tuần gần đây hay không.

Trong một nghiên cứu, nhà phân tích dầu mỏ của PVM Oil Associates Brennock cho biết, năm 2018, Trung Quốc là người mua dầu thô lớn nhất của Mỹ. Ông Brennock cũng nhấn mạnh, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô Mỹ giảm 76,2% (xuống 2,12 triệu tấn) trong nửa đầu năm nay trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra. Mặt khác, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Saudi Arabia, đạt 37,8 triệu tấn trong nửa năm đầu tiên. Chỉ riêng trong tháng Sáu, Trung Quốc đã nhập từ Saudi Arabia một lượng kỷ lục 7,72 triệu tấn, tăng 84% so với một năm trước. "Thế chân" Mỹ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, Saudi Arabia trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc.

Công ty dầu khí hàng đầu Saudi Arabia Aramco cũng tăng cường sự “hiện diện” tại Trung Quốc bằng cách thành lập một liên doanh có tên Huajin Aramco Petroch Chemicals Co. Ltd, liên doanh lớn nhất nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD Mỹ.

Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ áp đặt thuế quan đối với hầu hết hàng nhập khẩu của Mỹ, bao gồm cả dầu thô nếu Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế đối với một phần hàng hóa của Trung Quốc vào đầu tháng Chín.

Ông Meidan cảnh báo rằng, mặc dù Bộ Thương mại Mỹ đã kéo dài thời gian hoãn lệnh cấm đối với "gã khổng lồ" công nghệ Huawei nhưng rủi ro vẫn còn ở trươc mắt, vì vậy, không có lý do nào ngăn cản việc Trung Quốc sẽ xem xét "nhắm" mục tiêu vào một công ty dầu khí lớn của Mỹ.

(theo CNBC, CGTN)