Vào Đà nẵng công tác tình cờ có dịp trò chuyện với Thạc sĩ Sử học Lưu Anh Rô, một người đã nghiên cứu, thu thập được khá nhiều tư liệu quí về vùng đất Thuận Quảng xưa, mới hiểu thêm lịch sử, địa lý về vùng đất này. Trong đó có câu chuyện cảm động về công chúa Huyền Trân và những người con của đất Thăng Long ra đi mở cõi.
Miếu thờ dưới núi Xuân Dương
Để cưới được Huyền Trân Công Chúa năm 1306, Vua Chăm Chế Mân đã lấy 2 Châu Ô - Lý làm sính lễ dâng lên Vua Trần. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thời gian, ngôi miếu thờ Huyền Trân Công Chúa dưới chân núi Xuân Dương, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng vẫn còn đó. Đây không chỉ là nơi tưởng niệm, ghi nhớ công lao của người con gái Đại Việt “Mượn màu son phấn, đền nợ Ô, Lý”. Ngôi miếu còn gắn liền với sự tích Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân thoát khỏi họa “lửa thiêu” và sự truy sát của quân Chiêm.
Những cụ già cao niên của hai làng Xuân Thiều và Nam Ô vẫn khắc cốt ghi tâm lời dặn dò của ông, cha về việc thờ cúng tại miếu Huyền Trân Công chúa và ngôi mộ Tiền hiền của làng. Với họ, đây là những di tích ghi dấu tiền nhân hai làng cùng với tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công chúa vào năm 1307, trên đường đưa bà trở lại Thăng Long, sau khi Vua Chế Mân qua đời. Các bô lão kể lại rằng, sau khi làm lễ tế ở bãi biển Thị Nại, Qui Nhơn, tướng Trần Khắc Chung đã cướp Huyền Trân Công chúa xuống thuyền dong buồm ra Bắc. Đoàn chiến thuyền của Trần Khắc Chung từ Bình Định ra Thăng Hoa, vào cửa Đại Chiêm (Cửa Đại) rồi theo đường sông Cổ Cò ra Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Từ đó, họ theo đường bộ đến Xuân Sơn Hoa Ô (Nam Ô)...
Tại làng Nam Ô, họ tìm cách vượt Ải Vân ra thành Hóa Châu. Khi biết Huyền Trân Công chúa cùng đoàn quân của Trần Khắc Chung đang trên đường từ Chiêm quốc về lại Đại Việt, dân làng Nam Ô, Xuân Thiều đã tiếp đón và che chở. Nhưng quân Chăm đã đuổi kịp, bao vây bốn mặt. Dân làng đã cùng đoàn quân của Trần Khắc Chung chống trả quyết liệt. Song quân Chiêm đông như kiến nên hai viên tùy tướng của Trần Khắc Chung đã liều chết đánh chặn hậu để Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ đưa Huyền Trân Công chúa ra khơi, thẳng hướng Hòn Hành, thoát ra thành Hóa Châu.
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Huỳnh Diễn ngậm ngùi: “Vùng này được thông báo nằm trong qui hoạch khu đô thị mới. Vì vậy miếu thờ Bà đổ nát mà chẳng ai được phép trùng tu. Đau lòng lắm mấy anh ơi!”. Các bô lão ai cũng băn khoăn rằng, khi qui hoạch khu đô thị mới, liệu miếu thời Huyền Trân Công chúa và mộ hai vị tướng hy sinh trong trận đánh với quân Chiêm để tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công chúa có bị phá bỏ?
Theo Thạc sĩ Sử học Lưu Anh Rô, ở TP Đà Nẵng, ngoài ngôi miếu thờ Huyền Trân Công chúa, tại thôn Sơn Thủy quận Ngũ Hành Sơn, cũng có một miếu thờ Bà. Các miếu thờ đều có trong danh sách khảo sát của Viện Viễn Đông Bác Cổ hồi đầu thế kỷ 20, nên khuyên mọi người hãy yên lòng… Tiến sĩ Sử học Lưu Trang cũng đã đọc bản cổ chỉ “Đà Sơn phổ chí” và kết hợp với tư liệu lịch sử, tìm ra điều hết sức lý thú. Đó là khoảng 40 năm sau đám cưới của Huyền Trân Công chúa với vua Chăm Chế Mân, vua Trần Minh Tông cũng gả một người con gái cho ông Phan Công Thiên, tướng quốc người Việt gốc Chăm – sau này được phong là Tiền hiền làng Đà Sơn của phường Hoà Khánh Nam hiện nay. Nàng công chúa này đã xin vua cha cho chở nhiều thóc, trâu vào và dạy cho dân từ đèo Hải Vân đến bờ Bắc sông Thu Bồn cày cấy.
“Chim kêu Miếu Một, gà gáy Giếng Đôi”
Ở vùng ngã ba sông Hàn và sông Cổ Cò còn có ngôi miếu nhỏ giữa cánh đồng hoang, được gọi là “Miếu Một”. “Chim kêu Miếu Một, gà gáy Giếng Đôi” là câu nói người Đà Nẵng ai cũng biết. Nhiều người cũng rành rẽ “Giếng Đôi”, nhưng “Miếu Một” thì rất ít ai thông thạo, nhất là lớp trẻ. Tại “Miếu Một”, các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm được một tấm bia đá cổ ghi tên người được thờ trong miếu là “Nguyễn Tấn Sĩ vận chuyển quân lương”.
Tra cứu sách “Ô Châu Cận lục” của Dương Văn An, thấy có chép: ‘’Tại cửa biển Đà Nẵng có đền thờ thần họ Nguyễn tên Phục...’’. Thì ra, cái đền thờ vị tướng quân họ Nguyễn ra đi từ đất Thăng Long cách đây đã gần 700 năm trước, ấy chính là “Miếu Một”. Thuê một chiếc thuyền nhỏ chèo ra ngã ba sông Hàn và sông Cổ Cò thị sát, chứng kiến nơi “Miếu Một” ngày xưa chỉ còn lại một cây đa nhỏ gần bật gốc, chúi xuống sông mà không khỏi chạnh lòng. Cụ Trần Cảnh Thuỳ đã ngoài tuổi 94, râu tóc bạc phơ, thắp nén hương trầm, chắp tay khấn nguyện rồi chậm rãi nói: “Ông cố tui lúc sinh thời luôn dặn con cháu phải chăm nom, hương khói Miếu Một. Vì miếu thờ tướng quân Nguyễn Phục, đã khẳng khái “trung quân” mà chết oan trên bước đường Nam chinh”. Theo lời kể của cụ Thùy, Nguyễn Phục là một tiến sĩ nhà Lê, ông đã 3 lần đi sứ sang Trung Quốc, sau đó được vua Lê Thánh Tông giao trọng trách chuyển vận lương thực vào Nam đánh giặc. Trên đường vận chuyển quân lương đến cửa biển Tư Khánh thì gặp lúc bão lớn, ông quyết định cho neo thuyền lại chờ bão tan mới đi tiếp. Mặc cho quân sĩ can ngăn ông, rằng nếu chậm trễ việc quân sẽ bị nhà vua khép tội “khi quân”. Thế nhưng, ông khẳng khái: “Ta thà chịu tội còn hơn để các ngươi và lương thực làm mồi cho cá!”.
Khi ông đưa được đoàn quân lương đến được vùng đất bên cửa Hàn thì bị trễ hai ngày. Vậy là, theo quân pháp, ông bị chém chết tại Hoá Khuê. Uất ức vì chủ tướng bị chết oan, hàng trăm tướng sĩ dưới quyền ông cũng rút gươm tự sát, chết theo ông. Sau khi tướng Nguyễn Phục chết, nhân dân các làng Thị An, Hoá Khuê… phong ông làm thành hoàng và thờ cúng tại Miếu Một!”…
Từ ngã ba sông Hàn và sông Cổ Cò chèo thuyền xuôi ra biển, khi qua địa phận phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), Thạc sĩ Sử học Lưu Anh Rô còn cho biết thêm, có một người khác ra đi từ đất Thăng Long vào làm Thủ ngự cửa Đà Nẵng, đó là tướng quân Lê Thanh Quảng. Ông đã có công giữ yên bờ cõi và cửa Hàn, nên khi chết, được an táng và thờ cúng tại làng An Hải. Song, vào cuối thập niên 70, do phong trào cải tạo đồng ruộng, người ta đã bốc mộ ông chuyển đi nơi khác nay cũng không biết tung tích...
Đến núi Xuân Dương nơi có miếu thờ Huyền Trân Công chúa, viếng mộ các vị tùy tướng của Trần Khắc Chung . Ra ngã ba sông Hàn và sông Cổ Cò tìm lại dấu tích “Miếu Một”, nhớ về tướng quân Lê Thanh Quảng… Ngẫm lại những điều tai nghe mắt thấy, không khỏi xót xa. Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cận kề. Những người con ra đi từ đất Thăng Long xưa, lưu dấu nơi của ngõ yết hầu miền Thuận Quảng, đô thị phồn thịnh Đà Nẵng hôm nay, hỏi mấy ai còn nhớ ?!...
Lưu Hoàng Vân