Triển lãm ảnh diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Seoul. |
Cuộc sống bên trong Triều Tiên, một trong những xã hội khép kín nhất thế giới, vẫn là một bí ẩn đối với nhiều người trên thế giới. Những câu chuyện khủng khiếp về các trại lao động hay chế độ kiểm soát người dân chặt chẽ… vẫn là những “từ khóa” phổ biến khi nói về đất nước này. Không nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài chớp được những khía cạnh ít được biết đến của Triều Tiên: Cuộc sống đời thường của người dân…
Nhiếp ảnh gia người Anh Nick Danziger là một trong số ít.
Một bức tranh khác
Năm 2013, theo lời mời chính thức từ chính quyền Triều Tiên, Nick Danziger đã chụp khoảng 80 bức ảnh về con người thuộc các tầng lớp khác nhau trong đất nước được mệnh danh là “vương quốc ẩn dật” này. Gần một nửa trong số đó đang được giới thiệu với công chúng Hàn Quốc trong một triển lãm kéo dài đến ngày 29/9. "Tôi đã dành rất nhiều thời gian chụp ảnh người dân, chứ không phải là các sự kiện", Danziger nhớ lại chuyến đi cách đây hai năm: "Thật thú vị khi người dân nơi đây không chỉ chia sẻ về cuộc sống mà cả đồ uống của họ"…
Chăm sóc tóc trong một tiệm làm đầu. |
Cùng với nhà văn Rory MacLean và Andrea Rose, Giám đốc nghệ thuật thị giác tại Hội đồng Anh, anh đã đến Bình Nhưỡng và 3 thành phố khác - Nampo, Sariwon và Wonsan - trong 3 tuần. Anh chớp khoảnh khắc một vũ công đang tập luyện cho Thế vận hội Arirang, liên hoan nghệ thuật và thể dục dụng cụ của Triều Tiên. Những phụ nữ đang làm tóc trong một tiệm tạo mẫu tóc hay những người đàn ông đang chơi bóng trên bãi biển. Một em bé sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Bình Nhưỡng hay những học sinh đang làm bài tập trong nhà của một nông dân…
"Khi gặp tôi, mọi người rất vui vẻ. Chẳng hạn như trên bãi biển, họ còn mời tôi cùng ăn uống với họ”, Danziger nói.
Thái độ thân thiện đó rõ ràng là không giống với những người giám sát luôn đi theo anh trong cuộc hành trình. “Những gì mà ban đầu họ chỉ cho tôi hoàn toàn khác với những gì tôi muốn chụp. Mỗi ngày tôi đều phải đấu tranh với họ để chụp những bức ảnh theo ý mình”, anh nói.
Tuy nhiên, cuối cùng thì anh đã có thể “khoe” những bức ảnh mà không cần phải qua sự “sàng lọc” nào. "Tôi biết điều này là không bình thường, song thành thực mà nói, họ không bao giờ xem lại các tấm ảnh, trừ tấm tôi chụp trong một viện bảo tàng", anh nói.
Cuộc đời là những chuyến đi
Sinh ra ở London và lớn lên ở Monaco và Thụy Sỹ, Nick Danziger sớm đam mê du lịch khám phá. Được truyền cảm hứng từ phóng viên Tintin trong truyện Những cuộc phiêu lưu của Tintin của nhà văn người Bỉ Hergé, năm 13 tuổi, anh đã một mình đến Paris – không hộ chiếu, không vé máy bay, chỉ ngao du và bán tranh phác thảo để kiếm tiền.
Nhiếp ảnh gia Nick Danziger. |
Với mơ ước trở thành nghệ sĩ, Danziger theo học ngành Mỹ thuật ở trường Mỹ thuật Chelsea. Tuy nhiên, tình yêu du lịch vẫn bùng cháy trong anh. Năm 1982, với Học bổng Tưởng nhớ Winston Churchill (Winston Churchill Memorial Fellowship), anh đã đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Quốc bằng cách đi bộ hoặc sử dụng các phương tiện địa phương…
Nhật ký và những bức ảnh từ chuyến đi đó được tổng hợp thành cuốn sách đầu tiên của anh là Danziger’s Travels năm 1987 và cuốn sách thứ hai cũng ăn khách không kém là Danziger’s Adventures (1993). Ấn phẩm thứ ba Danziger’s Britain (1996), mang tính bình luận chính trị và xã hội về nhà nước Anh, được báo Independent (Anh) khẳng định là “rất quan trọng mà mỗi chúng ta nên đọc”.
Sau này, Nick Danziger đã đến rất nhiều nơi, đặc biệt là các khu vực chiến sự như Rwanda, Afghanistan, Bờ Tây, Myanmar và Ethiopia để làm phim tài liệu và chụp ảnh về cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây. Các tác phẩm của phóng viên ảnh này đã xuất hiện ở nhiều tờ báo tạp chí và báo, được giới thiệu ở nhiều viện bảo tàng và phòng triển lãm, trong đó có Triển lãm Chân dung Quốc gia ở London, Bảo tàng Truyền thông Quốc gia ở Bradford và Triển lãm Mỹ thuật Hiện đại ở Glasgow.
Anh đã đoạt giải Nhất Ảnh báo chí thế giới năm 2004 cho bức ảnh chụp khoảnh khắc Thủ tướng Tony Blair và Tổng thống George W. Bush nhìn nhau ở lâu đài Hillsborough, trước khi lính Mỹ tiến vào Baghdad và phim tài liệu War, Lives and Videotape về những trẻ em ở Kabul đã giành giải Prix Italia cho Phim tài liệu truyền hình xuất sắc nhất năm 1991.
Vinh Hà (tổng hợp)