Nạn buôn bán ngà voi xuyên biên giới (Ảnh: vtv1.vcmedia.vn) |
Vừa qua, đoàn công tác gồm cán bộ thực thi pháp luật đến từ các tỉnh biên giới trọng điểm của Lào, Trung Quốc và Việt Nam đã hoàn thành chuyến công tác liên ngành, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp tiếp cận và cập nhật tình hình hoạt động của các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) dọc điểm nóng Indo Burma, bao gồm phần đất liền của Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và thêm vào phía Nam Trung Quốc.
Chuyến đi thực tế này được tổ chức bởi cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật hoang dã nguy cấp) tại Việt Nam và Trung Quốc, Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào. Hiệp hội bảo tồn ĐVHD (WCS) đã điều phối thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ Đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) và Blue Moon Foundation.
25 đại biểu đến từ lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cơ quan Chống buôn lậu, Cơ quan quản lý CITES đã xuất phát từ thành phố Quảng Châu, đi qua thành phố Nam Ninh, đến cửa khẩu biên giới giữa Đông Hưng – Trung Quốc và Móng Cái – Việt Nam. Đoàn công tác tiếp tục tới tỉnh Hà Tĩnh, đi qua cửa khẩu Cầu Treo đi sang Lào, tới tỉnh Bolikhamxay và kết thúc chuyến đi tại thủ đô Vientiane, Lào.
Đoàn công tác đã trực tiếp khảo sát, đánh giá thị trường buôn ĐVHD qua chuyến thăm, quan sát tại chợ dược liệu Thanh Bình tại thành phố Quảng Châu và các điểm nóng về tình trạng buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới tại các cửa khẩu nói trên. Đồng thời, đoàn công tác đã có các cuộc họp với cơ quan thực thi pháp luật địa phương của các tỉnh/thành phố nơi đoàn đi qua.
Thông qua các cuộc họp này, đại biểu các nước đã chia sẻ thông tin về tình hình buôn bán ĐHVD nói chung, kết quả điều tra, xử lý một số vụ việc liên quan đến buôn lậu ĐVHD qua biên giới xảy ra gần đây, xây dựng mối quan hệ và đề xuất các biện pháp phối hợp hoạt động trong thời gian tới.
Khu vực điểm nóng Indo – Burma được coi là nơi trung chuyển khét tiếng cho các thương vụ buôn bán “đen” liên quan tới mặt hàng như ngà voi, vẩy tê tê, xương hổ, các loại rùa nước ngọt. Chính quyền tại mỗi địa phương trong khu vực liên tục có những cam kết thể hiện quyết tâm nhằm chống lại các mạng lưới buôn bán trái phép ĐVHD.
Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ, khi mà những cam kết đó chưa biến thành những hành động cụ thể. Trong lúc đó, các mạng lưới tội phạm liên quan tới ĐVHD ngày càng mở rộng hơn, tinh vi hơn, liều lĩnh hơn và mang tính chất quốc tế.
Nhằm đánh giá, tổng kết những kết quả thu nhận được từ chuyến đi, Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào đã chủ trì tổ chức cuộc họp tổng kết tại thủ đô Vientiane. Tại đây, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc phối hợp quốc tế nhằm đấu tranh với tội phạm buôn lậu ĐVHD qua biên giới, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường hợp tác trong năm 2016. Trong đó, ưu tiên quan trọng là thiết lập cơ chế trao đổi thông tin và lồng ghép vấn đề buôn lậu động vật hoang dã vào các cuộc họp đa phương của các cơ quan thực thi pháp luật thông qua xây dựng thỏa thuận hợp tác giữa các tỉnh có chung đường biên giới.
Ông Doãn Bang Tường – Phó Giám đốc, Văn phòng Chống buôn lậu tỉnh Quảng Tây cho rằng: “Tại nhiều quốc gia, ý kiến về việc phối hợp thực thi pháp luật được đưa ra rất nhiều lần, nhưng mới chỉ nằm trong nội dung bàn bạc tại các cuộc hội thảo. Do đó, tôi đề nghị mỗi đại biểu trong đoàn công tác hãy dành nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy các cơ quan chức năng thực hiện cam kết của mình ngay lập tức”.
Đánh giá cao những kết quả thu nhận được sau chuyến đi, Ông Air Vilarket, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh tra động vật hoang dã và sinh vật biển, Cục Thanh tra Lâm nghiệp, Bộ Nông Lâm nghiệp Lào, phát biểu: Chuyến đi thực tế đã giúp ích rất nhiều cho chúng tôi, chúng tôi đã có thêm nhiều hiểu biết về chuỗi buôn bán động vật hoang dã từ Lào đến Việt Nam và sang Trung Quốc. Chúng tôi cũng hiểu hơn về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan đến tội phạm ĐVHD của các nước và hy vọng rằng trong thời gian tới đây chúng ta có thể tổ chức được các khóa tập huấn cho cán bộ thực thi pháp luật của ba quốc gia và tăng cường chia sẻ thông tin nhằm cải thiện tình hình phối hợp trong khu vực.
Đại diện cho các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam trong chuyến thực tế, ông Phạm Quang Tùng – Cơ quan quản lý CITES Việt Nam khẳng định: “Buôn bán ĐVHD đã trở thành một loại hình tội phạm xuyên quốc gia. Tình hình buôn bán ngày càng trở nên phức tạp, do đó cần tăng cường chia sẻ thông tin, đặc biệt là thông tin tình báo, phối hợp điều tra, truy bắt giữa các đơn vị thực thi pháp luật tại các tỉnh có chung đường biên giới của các quốc gia. Việt Nam và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ thực thi Công ước CITES vào năm 2015 ở cấp Trung ương, chúng tôi hi vọng trong thời gian tới các tỉnh biên giới của Việt Nam, Trung Quốc và Lào sẽ tiến hành thảo luận và ký kết các biên bản ghi nhớ ở cấp tỉnh”.