Nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch Hà Nội tại thị trường Nhật Bản, ngày 29/3, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản”.
Tham dự Hội nghị có khoảng 200 đại biểu là Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP Hà Nội; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; các Tổ chức, Hiệp hội Nhật Bản cùng hơn 100 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Hà Nội.
Hội nghị “Trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản” ngày 29/3 tại Hà Nội. (Ảnh: M.L) |
Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu môi trường, cơ hội đầu tư tại Hà Nội; thúc đẩy, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản vào Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường của 2 nước; tìm kiếm các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực để đầu tư các dự án tại Hà Nội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và gắn kết giữa người dân hai nước đồng thời là dịp trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, kinh tế giữa Hà Nội và Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, quan hệ giữa Hà Nội và Nhật Bản thời gian qua không ngừng phát triển, là những “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Tại Hà Nội, Nhật Bản luôn giữ vị thế là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 10 tỷ USD và hỗ trợ ODA với 32 dự án với tổng vốn đã cam kết gần 3 tỷ USD.
“Các dự án từ nguồn vốn của Nhật Bản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô như: Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài; cầu Nhật Tân; cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; các khu công nghiệp sản xuất tập trung như Khu công nghiệp Thăng Long, khu đô thị thành phố thông minh. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang là đối tác lớn thứ ba về du lịch đến Hà Nội với trên 303 nghìn lượt khách trong năm 2018”, ông Toản nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Iijma Isao - Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ kỳ vọng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ trở nên sâu sắc hơn, trong bối cảnh năm 2019 đánh dấu 46 năm thiết lập quan hệ hai nước. Hiện Việt Nam và Nhật Bản đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thông qua Hiệp định sẽ đem lại tiềm năng phát triển kinh tế giữa hai nước.
Cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư xây dựng lên tới 13.600 tỷ đồng, gồm vốn vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. (Nguồn: JICA) |
Ông Iijma Isao nhấn mạnh, Hội nghị là dịp để thắt chặt hơn nữa quan hệ ngoại giao, hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, đây là dịp trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, kinh tế giữa thủ đô Hà Nội và Nhật Bản; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường của hai nước; tìm kiếm các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực để đầu tư các dự án tại Hà Nội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp của Nhật Bản với các cơ quan, doanh nghiệp thành phố Hà Nội trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Các biên bản ghi nhớ là cơ sở để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực, cụ thể hóa các nội dung đã ký kết đảm bảo thiết thực, hiệu quả, mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai bên.