Hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN - Nhật Bản lần thứ 2. (Nguồn: Bộ Xây dựng) |
Về phía Nhật Bản có ông Akaba Kazuyosi, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch cùng lãnh đạo các Bộ trong nội các Chính phủ Nhật Bản; Đầu cầu Singapore có ông Lim Jock Hoi, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á .
Hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN - Nhật Bản lần thứ 2 này nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, kế hoạch tương lai trong phát triển đô thị thông minh của các đô thị trong Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN và các đô thị của Nhật Bản; trao đổi các giải pháp thúc đẩy triển khai các dự án đô thị thông minh, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các thành viên trong Mạng lưới và Nhật Bản.
Năm 2020, Việt Nam là chủ tịch ASEAN, theo đó cũng là Chủ tịch Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (Mạng lưới ASCN). Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì phía Việt Nam tham gia điều hành Mạng lưới ASCN.
Phát biểu tại Hội nghị với vai trò đồng chủ trì, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn thông qua Hội nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia thành viên và các đô thị thành viên trong Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN với các đối tác Nhật Bản để cùng nhau gia tăng những cơ hội phát triển, vì sự thịnh vượng chung hướng đến mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, vì sự phát triển bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, đô thị luôn giữ vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tại nhiều nước ASEAN, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, nhưng đi kèm với các vấn đề như hạ tầng quá tải, ô nhiễm môi trường, gia tăng phát thải khí nhà kính.
Bối cảnh khó khăn đó cộng với sự khó lường của biến đổi khí hậu thì việc ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, công nghệ thông tin nói riêng trong quản lý và phát triển đô thị là xu thế và nhu cầu tất yếu của các quốc gia, nhất là các quốc gia ASEAN.
Năm 2020, đại dịch Covid 19 đã làm gián đoạn nhiều hoạt động trên phạm vi toàn cầu, gây suy thoái kinh tế và tác động tiêu cực đến xã hội của nhiều nước. Tuy nhiên, đại dịch này cũng làm nổi rõ vai trò quan trọng của việc ứng dụng các giải pháp thông minh trong nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội các quốc gia.
Tại Hội nghị Cấp cao Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN – Nhật Bản lần thứ nhất tại thành phố Yokohama Nhật Bản năm 2019, các bên đã thống nhất quan điểm “tiếp cận tối ưu”, chia sẻ nhu cầu, mục tiêu phát triển đô thị thông minh của các đô thị trong khối ASEAN và bước đầu tìm hiểu các cơ hội hợp tác với Nhật Bản.
Tuy nhiên, đại dịch Covid 19 đã hạn chế các cơ hội để các bên trao đổi về các vấn đề đã được đưa ra tại hội nghị lần thứ nhất. Chính vì vậy, tại Hội nghị lần này các bên cùng nhau cập nhật tình hình phát triển đô thị thông minh tại mỗi nước, trao đổi về kế hoạch hành động để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh; thảo luận về các giải pháp khả thi để đối mặt với những thách thức trong thực tiễn, cùng nhau đề xuất các cơ chế và hành động cụ thể duy trì kết nối và hợp tác.
Tham dự Hội nghị có ông Akaba Kazuyosi, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch cùng lãnh đạo các Bộ trong nội các Chính phủ Nhật Bản. (Nguồn: Bộ Xây dựng) |
Ông Lim Jock Hoi, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đánh giá cao sự lãnh đạo và cam kết của Chính phủ Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN trong việc thúc đẩy các nỗ lực của ASEAN trong phát triển thành phố thông minh, cũng như sự ủng hộ kiên định của Chính phủ Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác thành phố thông minh giữa ASEAN và Nhật Bản.
Ông Lim Jock Hoi cũng cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của đô thị và mang lại những tác động lên các mô hình phát triển đô thị. Tuy nhiên nó cũng cung cấp bằng chứng về những lợi ích đối với sự phát triển của thành phố thông minh và cần phải tăng cường hợp tác trong phát triển đô thị thông minh.
Theo ông Lim Jock Hoi, cần ưu tiên 3 vấn đề đối với một đô thị thông minh để có thể hỗ trợ hội nhập khu vực và phát triển bền vững:Thứ nhất , đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giải pháp kỹ thuật số để cung cấp cho các thành phố một nền tảng công nghệ mạnh mẽ; Thứ hai, phát triển thành phố thông minh nên mang tính bao trùm, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp và các ngành của chính phủ, giữa khu vực công và tư, và quan trọng nhất là với người dân; Thứ ba là việc chia sẻ kiến thức, phương thức hiệu quả và bài học kinh nghiệm có thể giúp các thành phố, tìm ra các giải pháp tốt hơn phù hợp với họ.
Ông Toriyama, Bí thứ Ban Kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc khảo sát nguyện vọng của 26 thành phố trọng Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN để định hình các dự án và thực hiện gói hỗ trợ mới với khoản đầu tư cho vay lên tới 250 tỷ Yên ( khoảng 2.4 tỷ USD) để đẩy nhanh tiến độ hình thành dự án phát triển đô thị thông minh.