Đại sứ quán Việt Nam tại UAE tổ chức Hội thảo "Tiếp cận thị trường nông sản UAE trong bối cảnh bình thường mới: Thực tiễn tại UAE, kinh nghiệm của các nước ASEAN và bài học cho Việt Nam". |
Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của Đại sứ các nước ASEAN tại UAE, đại diện một số tổ chức kinh tế của UAE, doanh nghiệp UAE hợp tác với Việt Nam.
Ngoài tham dự trực tiếp tại Đại sứ quán, Hội thảo đã kết nối trực tuyến với gần 40 điểm cầu tại Abu Dhabi, Dubai, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đây là Hội thảo đầu tiên được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Đại sứ quán sau hai năm gián đoạn do dịch bệnh.
Trong bối cảnh Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới, hội thảo có ý nghĩa thực tiễn, thu hút sự quan tâm của các cơ quan, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và sở tại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản của UAE là rất lớn. Hơn nữa, là trung tâm thương mại, logistics của khu vực, UAE được coi là một trong những thị trường tái xuất lớn nhất thế giới đối với hàng hóa nói chung cũng như hàng nông sản nói riêng.
Mặc dù là nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường UAE chưa nhiều, khoảng 200 triệu USD/năm trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang UAE là khoảng 5 tỷ USD/năm.
Do đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường UAE là một trong những ưu tiên của Đại sứ quán trong thời gian tới.
Hiện nay, mặc dù dịch Covid 19 chưa được khống chế hoàn toàn, tuy nhiên các hoạt động sản xuất, giao thương bắt đầu được nối lại, từ đó đặt ra các yêu cầu đối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài về việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tìm hướng đi thích hợp trong bối cảnh tình hình mới.
Những kinh nghiệm của các nước ASEAN đi trước như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia sẽ giúp Việt Nam tìm cách tiếp cận đúng để nông sản xuất khẩu vào được và sống được tại thị trường giàu tiềm năng này.
Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của Đại sứ các nước ASEAN tại UAE, đại diện một số tổ chức kinh tế của UAE, doanh nghiệp UAE hợp tác với Việt Nam. |
Hội thảo đã lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ hữu ích của các đại diện thương mại Thái Lan, Philippines, Indonesia và lãnh đạo các tổ chức doanh nghiệp sở tại.
Bà Charmaine Mignon Yalong, Đại diện Thương mại, Đại sứ quán Philippines và ông Panot Punyahatra, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Thái Lan cho rằng hiện các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đang phải cạnh tranh về giá thành sản phẩm từ các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, khó khăn khi xin các chứng chỉ nông sản như ESMA, giá vận chuyển tăng, tranh chấp thương mại gia tăng do thủ tục thành lập và phá sản doanh nghiệp ở UAE còn khá đơn giản.
Ủng hộ quan điểm này, ông Trương Xuân Trung, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Dubai cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp, Đại sứ quán các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác, tham dự các hội chợ nông sản lớn ở UAE như Gulfood, tăng cường tổ chức các diễn đàn, gặp gỡ kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác phù hợp, xác minh thông tin đối tác, đối thủ cạnh tranh, cung cấp thông tin thị trường, xây dựng kênh phân phối nội khối, hoàn thiện khung pháp ly song phương.
Tiến sĩ Raphael Nagel, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Abrahamic Business Circle cho rằng UAE có nhu cầu lớn về nông sản để đảm bảo an ninh lương thực. Muốn kinh doanh thành công tại UAE, các doanh nghiệp nông sản cần có văn phòng đại diện tại UAE.
Trong tình hình giá cước vận chuyển tăng mạnh do dịch bệnh, các nước ASEAN cần xây dựng các kênh phân phối riêng để đảm bảo lưu thông được nông sản xuất khẩu. Đồng thời, các nhà xuất khẩu ASEAN có thể cùng thuê chung kho lạnh, hệ thống vận chuyển để giảm tối đa chi phí xuất khẩu.
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Trong phiên thảo luận mở, Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực của các diễn giả tham dự trực tuyến (đại diện thương mại Malaysia, Singapore, Hội đồng các Nhà đầu tư Quốc tế UAE) và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước.
Qua Hội thảo, các doanh nghiệp đã nắm bắt được tình hình và cách tiếp cận với thị trường nông sản ở sở tại, đồng thời mở rộng mạng lưới thông tin, trao đổi và kết nối với các tổ chức và doanh nghiệp địa phương, giải quyết các vấn đề ách tắc ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản vào UAE.
Các đại biểu, diễn giả đã cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực tổ chức Hội thảo trực tiếp của Đại sứ quán, đồng thời ghi nhận các kết quả tích cực của Hội thảo.