Học sinh Trường Việt Nam Công nhân Tân Thế Giới. |
Chuyện ngày ấy...
Vào khoảng năm 1953-1954, ở Nouméa, Nouvelle Calédonie (Tân Thế Giới), trường “Việt Nam Công nhân Tân Thế Giới” - trường dạy học bằng tiếng Việt Nam - bị chính quyền địa phương đóng cửa. Chẳng biết có điều luật mới ban hành cấm việc dạy học bằng tiếng Việt hay vì trụ sở “Hội Việt Nam Công nhân Tân Thế Giới” bị nhà cầm quyền đóng cửa nên trường học nằm tại trụ sở Hội cũng bị cấm theo. Chỉ biết rằng những năm tháng đó, một số bọn thất trận ở Việt Nam có mặt tại Nouméa đã “lồng lộn” thoá mạ, xua đuổi người Việt Nam và gây áp lực với chính quyền địa phương rất mạnh về sự có mặt và sinh hoạt, làm ăn của người Việt trên đất này. Vậy là trẻ con Việt Nam, lớn bé đều phải xin vào học ở trường Tây hoặc là bỏ học để bắt đầu theo người lớn đi làm, kiếm kế sinh nhai.
Ở trường Tây, ngoài việc học chữ ra, mọi việc khác từ cách ăn mặc, chải tóc cho đến nói năng, cử chỉ, cư xử…, việc gì cũng được dạy dỗ một cách văn minh, có đầu có cuối. Tuy vậy, việc con cái không còn được học tiếng mẹ đẻ nữa vẫn là nỗi đau và âu lo canh cánh trong lòng của hầu hết các bậc cha mẹ người Việt ở Nouméa. Rồi sẽ ra sao đây nếu bọn trẻ này không biết đọc, biết viết tiếng Việt? Có lẽ chúng sẽ quên cả nói tiếng Việt và quên luôn gốc gác người Việt nữa chăng?
Vậy là lác đác, tuỳ thời gian ngắn dài, đây đó các lớp dạy trẻ con tiếng Việt ở trường Sainte – Marie, trường Minh Thành, ở ngay trong một số nhà dân được hình thành… Riêng với anh em tôi, ba tôi rất nghiêm khắc nên tuy đi học trường Tây mà những ngày nghỉ trong tuần và 3 tháng hè ở nhà vẫn “bị rèn” tiếng Việt. Ba tôi bắt “thằng lớn dạy thằng bé”.
Một kỷ niệm khá đậm nét với tôi về việc rèn tiếng Việt là khoảng năm 1955 – 1956, một số em hàng xóm cũng lên nhà tôi để được học tiếng Việt cùng các em tôi và thầy giáo chính là tôi. Lớp học của tôi cũng khá vui và rôm rả vì thầy trò đều là loại sàn sàn “dở dở ương ương” không lớn hơn nhau là mấy. Lớp đang “nở rộ” thì bỗng một hôm thấy xe police cùng mấy nhân viên cảnh sát ập tới khiến chúng tôi nhớn nhác chẳng hiểu gì. Họ hỏi ai là thầy giáo, thì thấy một thằng bé tự nhận “c’est moi” (chính tôi). Lũ học sinh lúc này đã hoàn hồn và lại tỏ ra thích chí đứng xem, chỉ trỏ nhí nhố. Mấy quyển sách để dạy học và vài quyển vở học sinh nhàu như “búi dưa” bị cảnh sát tịch thu mang lên xe chở về “bốt cú-lít” (Sở Cảnh sát).
Tôi nhớ có quyển dạy “cách trí” của Sài Gòn in đen trắng nhưng minh hoạ đẹp có bài “Ruột non và ruột già”, có truyện “Mai ăn khỏi trả tiền”, quyển “Việt Sử” mươi trang in ronéo mờ mịt có tranh vẽ của hoạ sỹ Mạnh Quỳnh với trang đầu là bài về bà Trưng Trắc - Trưng Nhị và tranh ông Ngô Quyền tuốt gươm rất ấn tượng, quyển dạy văn to khổ, bìa vàng cũ nhàu nát có bài về “thằng Minh lười tắm nằm mơ thấy rắn rết ở rừng U-minh đang vây xung quanh mình”, quyển Toán tiếng Tây… Lớp học tự nguyện không lấy tiền công, vậy nhưng chắc là có đứa nào ghen ghét đã báo cảnh sát thì người ta mới buộc phải đến như vậy. Thế là lớp tan!
Tuy vậy, tình cờ cái lớp học tiếng Việt bé bỏng của thời thơ ấu yêu thương ấy còn gây một ấn tượng trong tôi thật mạnh mẽ về mãi sau này… Đó là chuyện một tuần sau tôi được gọi xuống “bốt cú-lít” để lấy cung. Người hỏi cung tôi là ông De Massiac – một cú-lít người Tây chính cống, mắt xanh tóc vàng, nói tiếng Việt rất sõi và có cách cư xử thật nhẹ nhàng lễ độ, có văn hóa (có lẽ ông là chánh thanh tra). Vì vậy nên tôi cũng chẳng cảm thấy sợ sệt gì khi trả lời các câu hỏi của ông.
Việc là khi hỏi cung, tôi được ngồi đối diện với ông De Massiac. Ông vừa hỏi vừa ghi chép. Nhưng con trẻ vốn rất tinh mắt nên tôi vẫn đọc ngược được những gì ông viết… Khi ông hỏi tôi trả lời xem dạy những môn gì thì trong những dòng viết, tôi thấy ông ghi “Histoire de France” (Sử nước Pháp). Tôi biết ngay là ông cố tình viết trái ra vậy chứ đâu phải là nhầm lẫn vì quyển “Việt Sử” còn rành rành ra kia mà. Khi đó và bây giờ tôi vẫn nghĩ là ông chủ tâm ghi như thế là để “bớt tội” cho tôi chứ ông có cần gì và có “ngờ đâu” là tôi đọc được điều ấy.
Theo luật định vẫn phải ra toà và xử kín vì tôi chưa đầy 14 tuổi. Kết quả quan toà phán tôi được “Tha bổng! Lần sau không được làm thế nữa”. Đó là về tội "dạy học”, nhưng cũng nhờ có chút “văn sử” ít ỏi ấy mà vào dịp Tết năm 1961, khi gia đình tôi mới về nước được Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng mời lên Uỷ ban Hành chính “ăn bánh kẹo”, tôi đã trả lời suôn sẻ về “truyền thuyết vua Lê trả kiếm cho cụ rùa” khi Chủ tịch thành phố chỉ ra Hồ Hoàn Kiếm hỏi chuyện.
Còn về bản thân tôi và các học sinh của tôi, cũng nhờ những “lớp học chui” ấy mà nhiều đứa sau này về nước có được nền móng để theo học trường lớp tiếng Việt khá dễ dàng, vào học phổ thông, rồi đại học và cả trên đại học nữa.
Lớp học tiếng Việt tại Nouvelle Calédonie ngày nay. |
Chuyện bây giờ...
Đến nay đã qua hơn 60 năm, thời thế đã khác và các trường lớp “dạy tiếng Việt chui” ấy cũng đã biến đổi.
Với tinh thần luôn hướng về cội nguồn của ngày ấy, anh chị em kiều bào ở Tân Thế Giới đã cố gắng và cũng được chính quyền địa phương giúp đỡ, cho phép xây dựng những lớp học tiếng Việt khang trang ngay ở thủ đô Nouméa. Ở các lớp học này, không chỉ có các cháu bố mẹ là người Việt Nam mà còn có các cháu lai Việt – Pháp, lai dân bản xứ Kanak hay Indonesia, mà còn có cả các ông bà già Việt Nam cũng đến học cùng để trau dồi lại tiếng Việt của mình. Bởi vậy, thầy cô phải chia ra thành một “lớp già” khoảng 15 người và một “lớp trẻ” đông hơn - trên 20 cháu, mỗi lớp lại chia thành hai trình độ đảm bảo thích hợp cho cả người học đã lâu hoặc mới vào học đều theo được dễ dàng.
Thật cảm động và đáng khen nỗ lực của cộng đồng người Việt Nam ở Nouvelle Calédonie đã đoàn kết cùng nhau xây dựng “Ngôi nhà Việt Nam” của Hội Ái hữu Việt Nam (AVNC) để sum họp, đồng thời cũng là nơi cho các cháu học tiếng Việt. Cũng chẳng khác gì mấy trường Việt Nam Công nhân Tân Thế Giới của cha ông thuở nào.
Ông Jean-Pierre Dinh (Đinh Ngọc Riệm) - Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Nouvelle Calédonie từ năm 2016 và đang tiếp tục khoá thứ 2 từ 12/7/2019 - khi đó là Chủ tịch AVNC đã là một trong những người hoạt động tích cực nhất cùng mấy anh chị em khác như Phạm Ngọc San Roland, Gilbert Tố… Các anh đã liên hệ và về Việt Nam mua sách dạy tiếng Việt mang sang cho các cháu học. Bằng tiền đóng góp của nhiều anh chị em trong và ngoài Hội, lớp học cũng được miễn phí và AVNC trả tiền thuê giáo viên dạy.
Niềm vui khi được học tiếng Việt. |
Cho đến năm 2015, sau khi có đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam dẫn đầu sang Nouvelle Calédonie, thăm và làm việc với chính quyền sở tại, đồng thời gặp gỡ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của hàng trăm bà con kiều bào ở đây mấy tiếng đồng hồ, thì sau đó lớp học mới lại được tiếp sức bằng những lần gửi sách giáo khoa chính quy từ Việt Nam sang cho các cháu.
Những hình ảnh giản dị của Việt Nam xa xôi in đẹp trong những cuốn sách này đã nâng đỡ tâm hồn thơ ngây của lũ trẻ, giúp các cháu tưởng tượng được phần nào về quê hương, bản quán của cha ông mình trước khi được phụ huynh dẫn về thăm. Hôm nay đã hơn hẳn thời kỳ của những cuốn sách đủ kiểu cách trước kia cha ông mình đã dùng để “học chui” tiếng Việt!