TIN LIÊN QUAN | |
Những sự kiện văn hoá ấn tượng Việt Nam 2016 | |
Tính thời sự trên sân khấu kịch |
Sau những năm đi nghiên cứu học tập ở một số nước châu Âu, với nhiều trường phái (phương pháp) nghệ thuật sân khấu như Nga, Đức, Romania…, tôi càng nhận ra nghệ thuật truyền thống Việt Nam có những nét đặc sắc, tiến bộ vượt trội so với một số nước phương Tây. Có lẽ vì thế trong vài thập kỷ trở lại đây, những nhà nghiên cứu nghệ thuật châu Âu dường như đã “xoay trục” hướng về văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian làm Viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều đạo diễn, biên kịch hay chuyên gia sân khấu từ các nước châu Âu và châu Á đến tìm hiểu về nghệ thuật Tuồng của Việt Nam. Từ đó, tôi cho rằng, vấn đề quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam ra nước ngoài – trong đó có nghệ thuật Tuồng, là một nhiệm vụ quan trọng đối với ngành văn hóa, trong đó có Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
Giáo sư Hoàng Chương đang hướng dẫn các học viên Mỹ về nghệ thuật Tuồng của Việt Nam. (Ảnh: Tác giả cung cấp). |
Hơi thở nghệ thuật phương Đông
Từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, tôi đã có nhiều chuyến đi quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam ở các nước trên thế giới. Riêng với Mỹ, trong tháng 10 vừa qua, tôi đã đi tới chuyến thứ tư. Trong chuyến đi này, tôi chú trọng quảng bá nghệ thuật Tuồng ở các trường Đại học. Trước đó, nhiều đoàn sinh viên Mỹ và chuyên gia văn hóa Mỹ đã đến Hà Nội và mời tôi giới thiệu về môn nghệ thuật này.
Trong gần hai tuần lễ, chúng tôi đã thuyết giảng tới 5 lượt tại trường Đại học New Pallz và trường Cao đẳng Marist College. Buổi trình diễn đầu tiên của chúng tôi tại Đại học New Pallz có rất đông người dự, gồm các giáo sư, các nhà nghiên cứu và đông đảo sinh viên. Khán giả đã nhiệt liệt hoan nghênh nghệ thuật Tuồng của Việt Nam do tôi thuyết trình và minh họa những động tác, vũ đạo như vuốt râu, bắt ngựa, bơi thuyền, câu cá… Đối với người Mỹ, nghệ thuật cách điệu, ước lệ phương Đông còn rất xa lạ với họ, nhưng hiểu ra rồi thì họ rất thích. Đặc biệt tại khoa Sân khấu phương Đông, nhờ có sự chuyển ngữ hoàn hảo của PGS. Laurent, hầu hết các học viên đều hiểu những gì mà tôi đang diễn giải và minh họa.
Tại buổi thuyết trình, từ thầy giáo đến sinh viên đều hào hứng theo dõi và sau mỗi tiết mục là những tràng vỗ tay nhiệt liệt. Đây là lần đầu tiên họ có cơ hội so sánh Tuồng Việt với Kinh kịch của Trung Quốc và kịch Noh của Nhật Bản.
Người Mỹ rất mê… Tuồng
Nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là Tuồng, không chỉ được các giảng viên và sinh viên Đại học Mỹ quan tâm mà cả người dân nước này cũng rất thích thú khi được thưởng thức. Ông bà Meeke-Sosan, chủ nhà chúng tôi ở tại New York, có lần đã đi ô tô gần trăm cây số tới Viện Văn hóa Giáo dục ở New York để xem chúng tôi diễn Tuồng, hát Xẩm. Không chỉ vậy, nhiều lần tại gia đình họ, tôi đã được yêu cầu diễn tuồng để họ xem. Thậm chí, có gia đình còn nhờ tôi dạy cho một số động tác như uống rượu, vuốt râu và mặc áo bào, đóng vai vua… Dĩ nhiên, không phải họ học để diễn mà học để hiểu biết thêm về văn hóa Việt Nam. Điều đó cũng giống như họ thích ăn phở và nem rán Việt Nam chứ không phải để thay văn hóa ẩm thực Mỹ bằng ẩm thực Việt Nam. Người Mỹ có thể múa ballet, múa hiện đại rất hay nhưng múa tuồng thì rất khó. Tại trường Marist College, sau khi nghe tôi thuyết giảng, thầy giáo và sinh viên đã lên sân khấu nhờ tôi hướng dẫn thực hiện động tác uống rượu, vuốt râu… nhưng không thể làm được.
Trí thức Mỹ, nói chung, rất hồn nhiên và nhiệt tình khi tiếp xúc với văn hóa Việt Nam, không chỉ có Tuồng mà cả hát Xẩm và âm nhạc đương đại (do hai nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa và Giáng Son trình bày). Chương trình của chúng tôi tại các trường Đại học Mỹ bao giờ cũng được kết thúc bằng độc tấu T’rưng của nghệ sĩ Thanh Dần, với bài Suối đàn T’rưng và bài dân ca Mỹ. Người Mỹ thấy rất lạ lùng vì sao từ những ống tre có thể rung lên được những âm thanh quen thuộc của người Mỹ.
Có thể thấy, từ nghệ thuật Tuồng đến Hát xẩm và đàn T’rưng… đều mang cho người Mỹ những ấn tượng nghệ thuật mới lạ, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Cán bộ nữ Bộ Ngoại giao tìm hiểu nghệ thuật Tuồng Chiều 29/7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao đã diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật Tuồng Việt Nam. |
Những sự kiện văn hoá ấn tượng Việt Nam 2016 Năm 2016 được xem là năm có nhiều biến động của âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, di sản, thời trang… Đây cũng ... |
Khán giả Ninh Bình hào hứng đi xem Chèo Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp Toàn quốc 2016 đang diễn ra tại Ninh Bình và khán giả đêm nào cũng đến ... |