Trong phiên chất vấn sáng nay, vấn đề dạy và học trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 hiện nay được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trong đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, việc tổ chức dạy và học trực tuyến là giải pháp tình thế để duy trì và giữ học sinh, sinh viên không dừng việc học. Tuy nhiên, theo đại biểu này việc đào tạo theo hình thức này hiện nay chưa có kế hoạch bài bản cũng như chưa có sự chuẩn bị chu đáo, do còn nhiều khó khăn, bất cập.
Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về các giải pháp của Bộ trong thời gian tới để đảm bảo tính căn cơ về chất lượng đào tạo theo hình thức trực tiếp nói chung và dạy học theo hình thức trực tuyến nói riêng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Quan tâm đến việc cho trẻ em lớp 1 học trực tuyến là chưa đạt hiệu quả như mong muốn, làm khó khăn nhiều mặt cho các bậc phụ huynh, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm và giải pháp trong trường hợp nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp như hiện nay.
Đại biểu Dương Minh Ánh (TP. Hà Nội) cho rằng, việc dạy và học trực tuyến trong tình hình hiện nay là hết sức phù hợp, tuy nhiên, đại biểu này băn khoăn chương trình thì vẫn theo chương trình trực tiếp, gây áp lực cho cả cô và trò và sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên sẽ ưu tiên nội dung giảng, như vậy thì học sinh sẽ bị lệch kiến thức.
Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ có kế hoạch gì để điều chỉnh chương trình học trực tuyến phù hợp với từng bậc học để đảm bảo khi học sinh quay lại trường không bị lệch, không bị hổng kiến thức.
Cần xây dựng một nền tảng học trực tuyến đủ lớn mang tầm quốc gia
Về kế hoạch lâu dài để cho việc dạy và học trong tương lai mà diễn biến dịch bệnh có thể còn lâu dài mà chúng ta cần phải chung sống và ứng phó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cần phải có đầu tư để hình thành một nền tảng đồng bộ đủ lớn và bền vững mang tầm quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong phiên trả lời chất vấn sáng 11/11. |
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết được một số việc mang tính cụ thể:
Trong số 1.919 điểm lõm sóng, chỉ trong vòng 2 tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giải quyết được 283 điểm tăng cường ngay và kịp thời. Như vậy, việc lõm sóng còn ở rất nhiều nơi, đó là một phần của vấn đề hạ tầng cẫn phải tăng cường và xây dựng nền tảng tốt để phục vụ học tập trực tuyến, đủ lớn, mang tầm quốc gia.
Bộ trưởng cho rằng, việc này trước hết, cần có sự tham gia của các tập đoàn lớn trong hệ thống Bưu chính Viễn thông. Vấn đề thuộc về một kế hoạch lớn thuộc về chuyển đổi số toàn quốc gia, chứ không chỉ là mỗi nơi một nền tảng khác nhau, rất thiếu tính bền vững và lâu dài.
Thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các quy định hướng dẫn hiện nay tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn đang thiên về tính ứng phó tạm thời. Cho nên sau đợt ứng phó với dịch bệnh này, Bộ sẽ có đánh giá sâu hơn và pháp chế hóa một số văn bản còn có tính chất hướng dẫn quy định tạm thời. “Đây là việc đảm bảo tính bền vững và lâu dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba, người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng, cần phải xây dựng một kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để khi có một nền tảng tốt thì việc học tập trực tuyến sẽ đảm bảo.
“Trong chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược của ngành trong thời gian sắp tới. Và trong chiến lược về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục, chúng ta đã có các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị một cách bền vững lâu dài cho việc chuyển đổi này”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.
Về tư tưởng và nhận thức, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc dạy trực tuyến lúc này đang là một hình thức ứng phó tạm thời, nhưng vẫn là một việc công việc lâu dài, ngay cả khi dịch đã ổn định thì vẫn là một nội dung quan trọng mà ngành cần phải đưa vào thực hiện trong tầm nhìn chiến lược của mình.
Khó có giải pháp thỏa mãn được tất cả các yêu cầu
Về việc học sinh lớp 1 học qua truyền hình, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương lớp 1 và lớp 2 chủ yếu sẽ học trên truyền hình. Các trường có thật đầy đủ điều kiện và được đồng ý của giáo viên mới dạy trực tuyến.
Trong vòng hơn 2 tháng qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất được 166 bài giảng, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu dạy các bài giảng của hai lớp 1 và lớp 2 và mỗi một môn học theo Đài truyền hình thống kê có hàng triệu lượt học sinh vào học và xem. Đối với các cháu lớp 1, việc dạy trên truyền hình là một lựa chọn, được đông đảo phụ huynh và dư luận xã hội ủng hộ.
“Tôi nghĩ đó cũng là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp, khó có một giải pháp nào thỏa mãn tất cả các yêu cầu, vì vậy chúng ta chọn một giải pháp tối ưu hơn cả”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Về việc kiểm tra đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu như các cháu học lớp 1 và lớp 2 học qua truyền hình, khi quay trở lại trường sẽ được củng cố kiến thức rồi kiểm tra, đánh giá. Còn số học sinh phải tiếp tục học trên truyền hình cũng phải có phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách phù hợp.
"Chúng tôi đã có hướng dẫn cho việc này. Khi các cháu đến trường vẫn phải có hỗ trợ, củng cố mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Dạy học lớp 1 trên truyền hình chỉ là một giải pháp", Bộ trưởng cho biết.
Không bê nguyên si chương trình học trực tiếp vào dạy trực tuyến
Đại biểu quốc hội Dương Minh Ánh (TP. Hà Nội). |
Liên quan đến vấn đề chương trình dạy học trực tuyến vẫn dùng chương trình học trực tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã ban hành Văn bản số 4040 về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để phù hợp cho việc dạy trực tuyến và qua truyền hình.
Về việc tinh giản chương trình, năm 2019-2020 trước tình hình dịch bệnh, Bộ cũng đã hai lần tinh giản chương trình để phù hợp với tình hình dạy học trong điều kiện dịch bệnh.
Năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo một lần nữa rà soát lại, chương trình hiện tại được xác định có tính chất cốt lõi chứ không phải mỗi năm rút một ít thì không còn gì.
Điểm khác biệt của chương trình trong Văn bản 4040 là xác định rõ những yêu cầu, nội dung mang tính cốt lõi. Đối với các địa phương đang dạy trực tiếp thì dạy trước các nội dung đúng theo chương trình cốt lõi, nếu như vẫn tiếp tục an toàn thì quay lại củng cố và mở rộng, còn những nơi dạy trực tuyến thì bám theo chương trình cốt lõi đó, nếu được quay trở lại nhà trường thì sẽ củng cố và mở rộng thêm.
Chương trình cốt lõi là một giải pháp về chuyên môn để ứng phó với tình hình dạy học đa dạng ở các khu vực, các vùng miền. Theo chương trình này, việc dạy trực tuyến chỉ cần bám theo chương trình cốt lõi và các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa trên chương trình cốt lõi này, như vậy không phải bê nguyên xi chương trình trực tiếp vào dạy trực tuyến.
| Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Giáo viên đọc văn mẫu cho học sinh chép là rất tai hại Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội sáng 11/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, việc giáo viên đọc văn mẫu ... |
| Dạy học trực tuyến: Cởi bỏ áp lực 'một tiết dạy, trăm mắt nhìn' cho giáo viên Theo ĐBQH Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh), nhiều giáo viên bị áp lực tâm lý khi 'một tiết dạy trăm mắt nhìn'. Khán, thính ... |