ĐBQH Bùi Hoài Sơn mong muốn nghệ sĩ có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội của mình. |
Ông nhận định thế nào về trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ khi đưa sản phẩm đến với công chúng?
Nghệ sĩ là những người được công chúng quan tâm, hâm mộ, vì vậy có ảnh hướng rất lớn đến hành vi, lối sống của công chúng. Họ là người của công chúng nên xã hội mong muốn họ sống vì công chúng, tạo ra những tấm gương tốt trong xã hội, định hướng đạo đức, sự phát triển nhân cách cho công chúng.
Đây vừa là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm xã hội nặng nề của nghệ sĩ. Đó là lý do tại sao mỗi khi nghệ sĩ đưa ra các sản phẩm nghệ thuật của mình thường bị soi xét kỹ lưỡng về mức độ ảnh hưởng đến xã hội.
"Uy tín, thương hiệu của nghệ sĩ không dễ để đạt được nhưng rất nhanh chóng bị đánh mất. Do vậy, hình ảnh đẹp của nghệ sĩ nhất định phải được giữ gìn ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc". |
Trong thời gian vừa qua, bên cạnh nhiều sản phẩm nghệ thuật có chất lượng, những tấm gương nghệ sĩ cống hiến quên mình, truyền cảm hứng về lòng tốt thì cũng có số ít các sản phẩm không phù hợp, cổ vũ cho những hành vi, lối sống lệch chuẩn, tiêu cực. Đó là điều đáng tiếc không chỉ đối với cá nhân nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường nghệ thuật nước nhà.
Vậy theo ông, cần làm gì để chấn chỉnh những hành động lệch chuẩn của nghệ sĩ?
Để chấn chỉnh những hoạt động này, chúng ta cần có giải pháp toàn diện, đủ sức răn đe nhưng cũng đủ độ bao dung, để nghệ sĩ lan tỏa những thông điệp tốt đẹp của cuộc sống.
Các chế tài từ quy định của pháp luật sẽ giúp nghệ sĩ ý thức đầy đủ và rõ ràng hơn về hành vi của mình, nhưng cũng chỉ nên coi là điều quan trọng phải được xem xét cuối cùng.
Điều chúng ta mong đợi là các nghệ sĩ không phạm sai lầm để không phải xử lý theo các quy định của pháp luật. Vì thế, trước hết, chúng ta mong muốn nghệ sĩ có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội của mình.
Có thể nói, uy tín, thương hiệu của nghệ sĩ không dễ để đạt được nhưng rất nhanh chóng bị đánh mất. Do vậy, hình ảnh đẹp của nghệ sĩ nhất định phải được giữ gìn ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc.
"Nhiều người không có tài năng thực nhưng nhờ vào chiêu trò để tạo ra sự nổi tiếng. Chính điều này khiến không ít người, trong đó có cả nghệ sĩ, đã lạm dụng chiêu trò để làm 'đòn bẩy' tạo ra sự nổi tiếng cho mình, dẫn tới sự lệch chuẩn trong xã hội". |
Các bộ quy tắc ứng xử do Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành có thể giúp nghệ sĩ ý thức nhiều hơn về những gì nên làm, không nên làm để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Những áp lực từ phía dư luận xã hội, sự chung tay của các tổ chức văn hóa nghệ thuật, đơn vị tổ chức sự kiện cũng là những giải pháp khác để chúng ta cùng nhau chấn chỉnh hiện tượng này.
Vậy ông nghĩ gì về những danh xưng như “ông hoàng”, “nữ hoàng” trong giới showbiz hiện nay?
Chúng ta đang sống trong thời buổi của nền kinh tế thị trường, chính vì thế, danh xưng rất có ý nghĩa trong việc hình thành nên thương hiệu cho các nghệ sĩ.
Thị trường nghệ thuật cũng giống như thị trường hàng hóa, cần có những thương hiệu để định hướng khách hàng, tạo ra giá trị cho sản phẩm. Cùng với ảnh hưởng của kinh tế thị trường, các danh xưng vì thế cũng xuất hiện nhiều hơn. Đây là quy luật tất yếu của cuộc sống.
Chúng ta không lên án việc thị trường nghệ thuật có cách tôn vinh bằng danh xưng theo cách riêng của nó. Điều chúng ta cần nói đến chỉ là những danh xưng này không hoàn toàn xứng đáng với tài năng của nghệ sĩ, hoặc bị lợi dụng cho những hoạt động không hướng đến giá trị thực của nghệ thuật, không tôn vinh danh hiệu nghệ sĩ, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.
Nhất là trên thực tế, hiện nay mạng xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong việc lăng xê, đánh bóng tên tuổi, hình ảnh của nhiều nghệ sĩ, thậm chí cả những người không phải nghệ sĩ nhưng đẩy lên thành những hiện tượng mạng như Lệ Rơi, Thông Soái Ca...
Nhiều người không có tài năng thực nhưng nhờ vào chiêu trò để tạo ra sự nổi tiếng. Chính điều này khiến không ít người, trong đó có cả nghệ sĩ, đã lạm dụng chiêu trò để làm “đòn bẩy” tạo ra sự nổi tiếng cho mình dẫn tới sự lệch chuẩn trong xã hội.
Khi hội nhập quốc tế, chúng ta đã tận dụng phương tiện truyền thông để quảng bá tinh hoa văn hóa ra thế giới, đồng thời tiếp nhận tinh hoa của thế giới để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Theo ông, cần làm gì để đón “gió lành” và tránh “gió độc”?
Chúng ta phải chấp nhận câu chuyện, hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Ở đó, chúng ta sẽ đồng thời tiếp nhận cả tinh hoa, những yếu tố tích cực, đồng thời cả “rác”, những yếu tố tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Nói như thế để hiểu rằng, chúng ta không thể đóng cửa và cần chấp nhận với một thực tế đa dạng và phong phú, với nhiều màu sắc khác nhau trong quá trình phát triển. Cách duy nhất chúng ta cần xử lý là làm sao có nhiều “gió lành” và có càng ít càng tốt “gió độc” đối với văn hóa nghệ thuật của đất nước mà thôi.
Để làm được điều đó, chúng ta cần nhấn mạnh đến việc xây dựng bản lĩnh văn hóa Việt Nam, đặc biệt là cho giới trẻ, để họ biết những gì là có giá trị, phù hợp với sự phát triển của chính bản thân họ và đất nước, cũng như ngược lại.
Xây dựng một môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh, có định hướng giá trị, hành lang luật pháp thuận lợi, sản phẩm văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam, hình thành nên khát vọng cống hiến vì đất nước cũng là những giải pháp khác để chúng ta hướng tới.
Xin cảm ơn ông!
| Liệu có thể xếp loại đạo đức nhà giáo được không? Vấn đề được đặt ra trong đổi mới giáo dục hiện nay đội ngũ nhà giáo có vai trò thế nào? Đánh giá, xếp loại ... |
| 'Thước đo sự thành công không phù hợp sẽ biến tướng mục tiêu giáo dục' Thạc sĩ Khoa học Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc điều hành Hệ thống trường Tiểu học và THCS FPT Hà Nội cho rằng, ... |