ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần thử nghiệm sách giáo khoa (SGK) theo nguyên tắc khoa học, đủ độ an toàn mới áp dụng đại trà. |
Nghị Quyết 88/2014 của Quốc Hội khoá 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) đã quy định: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD & ĐT) tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn”.
Làm SGK có quá gấp gáp?
Tuy nhiên, theo tôi được biết, sau hai lần mở thầu công khai để tuyển chọn tác giả viết SGK, Bộ đã không thành công và dẫn đến việc không thể thực hiện được theo nghị quyết đã đề ra. Theo tôi, đây là lí do khách quan và cũng là một điều rất đáng tiếc. Việc Bộ xin dừng lại có thể nói là một quyết định phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm tránh lãng phí thời gian của cải của Nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề mà tôi băn khoăn. Ngay sau khi ban hành Chương trình Giáo dục Phổ thông (GDPT) mới (26/12/2018), Bộ GD&ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn SGK.
Tới thời điểm Bộ GD&ĐT mời thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu SGK lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng (theo báo cáo của Bộ GD&ĐT). Như vậy, ngay sau khi chương trình GDPT mới được ban hành, đã có ngay bản mẫu SGK lớp 1 chờ thẩm định. Điều này liệu có thể đánh giá là công tác làm SGK quá gấp gáp với hậu quả làm chúng ta nghi ngại về chất lượng của các bộ sách không qua thử nghiệm bài bản này.
Là một người làm khoa học, tôi hiểu được giá trị của việc thực nghiệm đối với bất cứ một công trình khoa học nào trước khi đưa vào thực tế. Đầu tiên là tiến hành thực nghiệm khoa học trong phòng thí nghiệm, sau đó đến thực nghiệm ứng dụng (trên phạm vi hẹp rồi rộng hơn có ngẫu nhiên, so sánh) đến khi đủ độ an toàn mới đưa vào áp dụng đại trà.
Các bản mẫu sách giáo khoa (SGK) lần này được quy định dạy thử nghiệm 10% số tiết học của mỗi môn học, sau khi được hội đồng thẩm định (HĐTĐ) thông qua là áp dụng đại trà. Như vậy là đã bỏ qua giai đoạn thực nghiệm ứng dụng. Việc áp dụng như vậy về bản chất có thể hiểu khi chính thức chấp thuận sách, Bộ đã cho phép thử nghiệm trên diện rộng ở bất cứ cơ sở giáo dục nào.
Nhớ lại lần thay SGK năm 1981, SGK đã được dạy thực nghiệm 10 năm ở miền Bắc, nhưng đến khi đưa ra triển khai đại trà cả nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn: hằng năm có hơn nửa triệu học sinh không qua được lớp 1. Giáo dục khi đó rơi vào tình trạng “vừa triển khai vừa điều chỉnh Cải cách giáo dục”.
Cần cẩn trọng hơn
Cuộc đổi mới giáo dục thập niên đầu thế kỉ XX, cũng có tiến hành thực nghiệm 5 năm nhưng cũng chỉ thực nghiệm một số bài mẫu, ở những trường lớp có điều kiện tốt nhất về giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất nên đã không cho kết quả sát thực. Đến khi triển khai thực tế đã xảy ra hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp. TW Đảng phải ra Nghị Quyết: “Kiên quyết giảm hợp lí nội dung chương trình học cho phù hợp tâm sinh lí học sinh cấp Tiểu học và trung học cơ sở” ( NQ 9 – BCHTW Đảng khoá 9).
Chúng ta càng cần cẩn trọng hơn khi đưa SGK vào sử dụng rộng rãi, cần có sự thử nghiệm trên diện hẹp trước, đủ độ an toàn mới nên đưa ra đại trà. |
Vì những hệ quả đã thấy trên, thiết nghĩ, lần thay sách này, với thời lượng thử nghiệm ít, đặc biệt trong bối cảnh việc chuẩn bị thay sách, tập huấn giáo viên bị ảnh hưởng do thời gian nghỉ dịch Covid-19, chúng ta càng cần cẩn trọng hơn khi đưa SGK vào sử dụng rộng rãi, cần có sự thử nghiệm trên diện hẹp trước, đủ độ an toàn mới nên đưa ra đại trà.
Như Ông Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đã nói: “Theo quy trình biên soạn SGK, sau khi biên soạn xong, phải thử nghiệm và sau đó mới hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng chính thức. Do vậy, việc thẩm định của hội đồng thẩm định mới chỉ là bước một, khẳng định bộ SGK đáp ứng được chương trình GDPT mới. Bước hai phải có việc thực nghiệm bộ SGK trong thực tế dạy học và hiệu chỉnh SGK trước khi đưa vào in ấn, xuất bản và tiến hành giảng dạy đại trà” (trích báo Thanh niên, thứ 6 ngày 22-11-2019).
Trong 6 bộ sách trình HĐTĐ vừa qua, có một bộ sách theo HĐTĐ đánh giá là không đạt yêu cầu, và bị loại. Lí do HĐTĐ đưa ra là do bộ sách không đảm bảo đủ các tiêu chí trong văn bản hướng dẫn của Bộ, mà theo nhiều người, những tiêu chí này quá chi tiết và cứng nhắc, dẫn đến tình trạng nhiều bộ sách nhưng thực chất vẫn chỉ là một.
Theo GS. TSKH Trần Ngọc Thêm – Chủ tịch HĐ chức danh Giáo sư ngành Ngôn Ngữ học: “Chúng ta không nên đòi hỏi tất cả các bộ SGK đều phải được biên soạn giống nhau đến từng nội dung, chi tiết. Nếu thẩm định theo cách như vậy, những bộ sách được thông qua của một môn học sẽ trở thành những biến thể của một bộ sách".
Cần thấy, việc đánh giá một bộ SGK không nên và không thể dựa vào những tiêu chí cứng nhắc, vô tình dẫn đến lối tư duy đồng phục đã không còn phù hợp với thời đại, trái với tinh thần của Nghị quyết Quốc Hội.
Đáng nói hơn, bộ SGK bị loại trong đợt thẩm định vừa qua là bộ sách Công nghệ Giáo dục (CGD) của GS Hồ Ngọc Đại – một bộ sách đã chịu đựng được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Đồng thời, đây cũng là bộ sách có tư tưởng và triết lý rõ ràng.
'Lấy học sinh là trung tâm'
Một bộ SGK không đơn thuần chỉ là nơi chứa đựng các kiến thức chuyên ngành, nơi tập hợp các tri thức của nhân loại theo sự sắp xếp quy định của chương trình tổng thể mà còn cần được xây dựng trên cơ sở triết học và tâm lý học. Tư tưởng và triết lý của bộ sách thể hiện ở quan điểm “Lấy học sinh là trung tâm”, “Thầy thiết kế - Trò thi công”, “Học để sống, để dùng”,… đã đáp ứng được đúng tinh thần của chương trình tổng thể là phát triển năng lực của người học.
Giáo dục là cả một quá trình, tư tưởng và triết lý chứ không đơn giản chỉ là những cuốn sách giáo khoa. |
Trong tài liệu tổng kết các phương pháp đổi mới dạy học đối với cấp Tiểu học của Bộ GD & ĐT tháng 8 năm 2019 cũng khẳng định:
“Việc triển khai tài liệu Tiếng Việt 1 CGD tại các địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: nhiều địa phương đã nhân rộng và có nhiều vận dụng linh hoạt trong quá trình triển khai; giáo viên nắm chắc nội dung, phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng mới; học sinh đọc thông, viết thạo, nắm chắc ngữ âm; kỹ năng đọc và nghe-viết chính tả tốt.”
Do vậy, số lượng các địa phương tự nguyện triển khai cũng như số lượng học sinh học theo CGD ngày càng tăng. Đến năm học 2018-2019, đã có 48 tỉnh với 923.842 học sinh ở 8198 trường theo học.
Đưa ví dụ về 2 số phận của 2 bộ SGK để chúng ta nhận thấy cách làm việc thiếu tính khoa học, không bám sát vào thực tế của các nhà quản lý giáo dục của Việt Nam. Cách làm rập khuôn nhiều năm trước đây lại được khoác lên tấm áo “cải cách giáo dục” đã dẫn đến hậu quả rõ ràng là những bất cập trong hệ thống giáo dục hiện nay.
Chúng ta cần nhìn thẳng vào điều này, dũng cảm thay đổi vì giáo dục là cả một quá trình, tư tưởng và triết lý chứ không đơn giản chỉ là những cuốn sách giáo khoa.