ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định, đầu tư cho giáo dục và văn hóa phải tương xứng để tạo nên những thế hệ người Việt trẻ có trí tuệ, bản lĩnh, khát khao cống hiến. (Nguồn: TTBC Quốc hội) |
Một trong những điểm mới của văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quôc lần thứ XIII của Đảng là đặt ra vấn đề "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Bà suy nghĩ gì về điểm mới này?
Tôi rất ấn tượng đối với nội dung "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì Đại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu định hướng 5 năm, 10 năm, mà còn đưa ra tầm định hướng đến năm 2045 với những mục tiêu gắn với hai dấu mốc quan trọng: 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045.
Trước hết, ý nghĩa của việc đưa nội dung khát vọng vào văn kiện Đại hội Đảng thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu hạnh phúc cho người dân và khát vọng phát triển đất nước theo lộ trình cụ thể: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bên cạnh đó, ý nghĩa còn nằm ở tính nhân văn, vì mục tiêu xuyên suốt trong đường lối của Đảng ta chính là phụng sự nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Thực tế cho thấy, trong các nghị quyết của Đảng, nhân dân luôn được đặt ở vị trí chủ thể; nhưng đến Đại hội XIII, vai trò của nhân dân được xem xét một cách hài hoà ở cả hai phương diện: “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đây sẽ là động lực để người dân phát huy cao độ tinh thần cống hiến hết mình vì đất nước phồn vinh.
Tất cả những ý nghĩa ấy đòi hỏi mục tiêu "hạnh phúc của người dân" cần được đo lường bằng những tiêu chí về giá trị vật chất và tinh thần. Chẳng hạn, bên cạnh tiêu chí thu nhập cần có các tiêu chí về mức độ hài lòng, môi trường sống, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội... Hạnh phúc của người dân phải trở thành chỉ số đo lường chất lượng cuộc sống của con người và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo bà, để hiện thực hoá khát vọng “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, yếu tố văn hoá, yếu tố con người có vai trò gì?
Tôi cho rằng, giá trị văn hoá nằm ngay ở nội hàm “khát vọng”. Đối với mỗi người, khát vọng chính là động lực để cống hiến; đối với một quốc gia, khát vọng chính là động lực để phát triển. Một khi khát vọng của mỗi cá nhân được khơi dậy sẽ tạo được sự cộng hưởng, làm nên sức mạnh của cả cộng đồng, cả dân tộc. Đó là vấn đề của văn hoá, là sức mạnh được kết tinh bởi giá trị, tiềm năng, thế mạnh của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Cùng với văn hoá, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chịu sự chi phối của nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực thực tế, hội đủ ba yếu tố: thể lực, trí lực và tâm lực. Con người có trí tuệ, có hoài bão, có khát vọng chính là chủ nhân tạo ra giá trị mới cho xã hội, hình thành sức bật mới cho đất nước, góp phần xây dựng một Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc trong tương lai gần.
Như vậy, với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần phải nhận thức một cách đầy đủ tầm quan trọng và vai trò to lớn của văn hóa, của nguồn lực con người trong sự phát triển của đất nước, nhất là trong thời đại 4.0 này.
Vậy làm sao để có được nguồn nhân lực trẻ Việt Nam, từng bước hiện thực hoá khát vọng?
Việc hiện thực hoá mục tiêu này không thể thành công nếu thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hội tụ trí lực, thể lực và tâm lực, có ý chí và khát vọng. Mà nguồn nhân lực này chính là sản phẩm của giáo dục đào tạo, cũng như kết tinh của văn hóa Việt Nam.
Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, con người Việt Nam phát triển toàn diện phải là con người có lý tưởng sống, có ý thức trách nhiệm, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, thể hiện qua phẩm chất năng lực của công dân toàn cầu.
Nguồn nhân lực chất lượng phải bao gồm cả thể lực, trí lực và tâm lực. Theo đó, đầu tư cho giáo dục và văn hóa nhất định phải có sự tương xứng để tạo nên những thế hệ người Việt trẻ có trí tuệ, bản lĩnh và khát khao cống hiến để hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như mục tiêu chúng ta đang hướng tới.
Bà từng đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ tư vấn văn hóa giáo dục. Ý tưởng này đến từ đâu, thưa bà?
Thực ra, ý kiến ấy chủ yếu xuất phát từ mong muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hoá, giáo dục đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tôi cũng biết, hiện nay Chính phủ đã có Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là khi bàn tới chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta sẽ thấy ngay, đây không chỉ là sản phẩm của giáo dục đào tạo, mà trong đó phải có cả yếu tố văn hóa. Rồi mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục như thế nào, đó cũng là điều cần trăn trở.
Trên thực tế, chúng ta nói nhiều về quan điểm coi văn hoá “là nền tảng tinh thần của xã hội”, còn giáo dục “là quốc sách hàng đầu”. Bảo vệ giá trị văn hoá là giữ được hồn cốt dân tộc, còn phát triển giáo dục đúng hướng là tăng cường sức mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, dường như sự đầu tư cho văn hóa và giáo dục vẫn chưa đúng tầm.
Chúng ta không thể đồng nhất tăng trưởng kinh tế với phát triển, cũng không thể bằng mọi giá để chạy theo chỉ tiêu tốc độ tăng GDP và thu nhập bình quân đầu người. Bởi muốn phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải nằm ở yếu tố con người, ở các giá trị văn hóa cốt lõi.
Nhiều vấn đề đang đặt ra tác động tiêu cực đến nhân cách con người Việt Nam hiện nay như tình trạng đảo lộn về hệ giá trị, bệnh thành tích, thiếu trung thực, những giá trị lệch chuẩn lên ngôi, làm suy thoái các giá trị văn hóa truyền thống… có một phần nguyên nhân do tăng trưởng nóng, do sự lệch lạc trong phát triển kinh tế thị trường.
Việc đề nghị thành lập thêm Tổ tư vấn Văn hoá, Giáo dục bên cạnh Tổ tư vấn Kinh tế, hay là vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, suy cho cùng cũng chỉ hướng tới mong muốn Chính phủ cần có những quyết sách đúng đắn hơn, kịp thời hơn trong phát triển văn hoá, giáo dục.
Xin cảm ơn bà!