Thống kê của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước cho thấy, 278 ứng viên trong tổng số 703 tân Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016 có công bố khoa học quốc tế. Bên cạnh đó, số lượng công bố khoa học quốc tế của các Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016 là 2.431 bài báo (thuộc hệ thống ISI và Scopus), chiếm chưa tới 10% tổng số bài báo khoa học được tính điểm xét tiêu chuẩn của các Giáo sư, Phó Giáo sư năm nay (24.446 bài).
Dường như trình độ dạy và học tiếng Anh của nước ta vẫn là một dấu hỏi trong hội nhập phát triển. TG&VN đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam về vấn đề này.
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam |
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đi được 2/3 chặng đường với gần 10.000 tỉ Đồng được đầu tư, nhưng hiệu quả mang lại theo nhiều đánh giá là chưa tương xứng. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận đến năm 2020 không thể đạt được mục tiêu đề ra. Trước sự thất bại của Đề án này, Tiến sĩ có suy nghĩ gì?
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đặt ra mục tiêu nghe rất "kêu": đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng và Đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; đồng thời có thể biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Còn 4 năm nữa mới đến năm 2020, nhưng đã có thể thấy trước là mục tiêu đó không đạt được, cho dù chỉ ở mức 50%. Công bằng mà nói, đây không phải là mục tiêu 2020 duy nhất bị thất bại. Chúng ta có thể nhìn thấy trước một số mục tiêu không thể trở thành hiện thực như Việt Nam có một số trường đại học trong Top 200 thế giới, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 (mà Đề án Ngoại ngữ 2020 nhắc đến).
Việt Nam sẽ chưa trở thành nước công nghiệp ở thời điểm đó. Nước ta chủ yếu vẫn gia công, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp của nước ngoài, biết cách sử dụng, sửa chữa máy móc, thiết bị nước ngoài, chứ có rất ít năng lực sáng tạo, thiết kế máy móc, sản phẩm công nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Thực tế, tiếng Anh không chỉ giúp chúng ta, đặc biệt là giới trẻ có thể giao lưu, hội nhập với quốc tế mà còn có vai trò quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Tiến sĩ, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trình độ ngoại ngữ của nước ta còn ì ạch, chậm chạp như hiện nay?
Chính Bộ GD&ĐT thừa nhận phần đông giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn. Ngay cả số giáo viên mà Bộ GD&ĐT cho là "đạt chuẩn", thì tôi cũng nghi ngờ về cái gọi là "chuẩn" đó. Thầy còn chưa ra thầy thì trò học tốt thế nào được? Tôi cho rằng chất lượng giáo viên tiếng Anh là nguyên nhân đầu tiên.
Tôi không biết trong trường phổ thông, trường Đại học ngoại ngữ đang được dạy như thế nào, nhưng qua phỏng vấn tuyển dụng, tôi thấy đa số các em tốt nghiệp Đại học nói tiếng Anh rất... buồn cười. Có thể không sai về ngữ pháp, nhưng mà người ta không nói bằng tiếng Anh như thế. Nó như là cái thứ "Google Translate" từ tiếng Việt, với các từ tiếng Việt được thay bằng các từ tiếng Anh.
Đó là hậu quả của cách dạy tiếng Anh thông qua tiếng Việt. Cách dạy này không thể làm cho học sinh thuần thục tiếng Anh được. Một số trung tâm ngoại ngữ hiện nay đã dạy ngoại ngữ với đội ngũ giáo viên nước ngoài, với chất lượng cao hơn hẳn. Vì vậy, tôi nghĩ nên dạy tiếng Anh thông qua việc diễn giải bằng tiếng Anh, kể cả với giáo viên người Việt.
Về phương pháp, tôi có cảm giác ở nước ta trọng tâm được đặt quá nhiều vào phát âm và ngữ pháp, làm cho người học thấy khó và nản chí. Tôi thường xuyên làm việc với người nước ngoài, thấy họ sử dụng tiếng Anh dễ dàng, tự tin khi nói và viết, mặc dù nhiều người phát âm chưa tốt, viết còn nhiều lỗi ngữ pháp (trừ những người mà tiếng Anh là quốc ngữ).
Theo tôi, trọng tâm nên đặt vào khả nghe, đọc và diễn đạt. Phát âm còn chưa chuẩn, ngữ pháp còn có lỗi cũng không có gì đáng để lo lắng. Cách dạy tiếng Anh phải làm sao cho người học thấy dễ, đừng làm người học thấy khó và sợ. Với môn học nào cũng thế, giáo viên giỏi thì làm cho mọi kiến thức dễ hiểu, dễ học, còn giáo viên yếu lại làm cho kiến thức trở nên khó hiểu, khó học, học sinh sợ học. Cho nên, như tôi đã nói, chất lượng giáo viên là mấu chốt cho việc nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh. Sau đó mới đến giáo trình, phương pháp dạy, cách thức đánh giá trình độ học sinh...
Chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường thất bại vì trình độ giáo viên chưa đạt chuẩn? (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Chưa tới 40% Giáo sư, Phó giáo sư năm 2016 có công bố khoa học quốc tế. Giáo sư Trần Văn Nhung từng đặt câu hỏi: "Thử hỏi trong những thời khắc thử thách khốc liệt trên Biển Đông, chúng ta đã có được bao nhiêu bài báo khoa học và bao nhiêu bài viết, bài nói đại chúng bằng tiếng Anh trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để bảo vệ chân lý và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia?". Theo ông, làm sao để cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh?
Với cách dạy tiếng Anh của chúng ta ở nhà trường hiện nay không thể mang lại năng lực tiếng Anh như Giáo sư Trần Văn Nhung mong muốn.
Trước đây, ngoài việc học tiếng Anh trong trường, tôi còn cho các con học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ tốt. Nếu không như thế thì các cháu đã không thể có đủ vốn tiếng Anh để đi du học (một cháu du học từ lớp 11, một cháu từ lớp 8). Mà đó mới là vốn tiếng Anh để sống và học ở nước ngoài. Còn để viết báo, làm nghiên cứu khoa học, diễn thuyết bằng tiếng Anh còn khó hơn nhiều.
Từ kinh nghiệm của mình (tôi học tiếng Nga ở trường, tiếng Anh thì tự học ở nhà và qua công việc), tôi thấy điều quan trọng nhất trong học ngoại ngữ là phải nhanh chóng đẩy kiến thức ngoại ngữ đến mức "bắt đầu sử dụng được" và duy trì sử dụng nó. Trong khi đó, ở nhà trường hiện nay (trừ các trường quốc tế) không có môi trường để học sinh sử dụng ngoại ngữ. Học sinh học ngoại ngữ chủ yếu để làm các bài kiểm tra và thi.
Nếu không gắn việc học với sử dụng thì kết quả học ngoại ngữ trong nhà trường không thể khá lên. Học sinh học trước quên sau, trong khi nội dung học cứ tăng theo chương trình định sẵn. Việc đa số học sinh thi tốt nghiệp môn tiếng Anh đạt dưới điểm 5 là đương nhiên, vì nhiều kiến thức người ra đề thi nghĩ là học sinh phải có, nhưng trên thực tế thì các em đã quên mất rồi, không thể làm tốt bài thi được.
Đối chiếu với các nước trên thế giới và khu vực thì chuyện học và dạy ngoại ngữ của nước ta có gì giống và khác? Từ đó, chúng ta có nên học tập nước bạn về phương pháp?
Trong đợt cải cách giáo dục Malaysia giai đoạn 2013-2025, họ không coi tiếng Anh là ngoại ngữ, mà gọi nó là "ngôn ngữ thứ hai" (sau tiếng Malaysia).
Bộ GD&ĐT nước ta cũng vừa nâng tầm tiếng Anh lên "ngôn ngữ thứ hai", cho nên nơi đáng học tập là Malaysia, cả về phương pháp dạy tiếng Anh lẫn dạy các môn học khác bằng tiếng Anh.
Để thứ tiếng này trở thành "ngôn ngữ thứ hai" thì việc dạy một số môn học bằng tiếng Anh là điều kiện cần thiết để tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh ngay trong trường học. Việc dạy các môn học bằng tiếng Anh không dễ, nhất là về khả năng của giáo viên, nhưng Malaysia vẫn quyết tâm thực hiện. Cải cách là việc luôn luôn kèm theo áp lực nhưng điều quan trọng là đừng cầu toàn, mà nên theo cách tiếp cận "tốt dần lên".
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!