📞

Dễ bỏ lọt tội phạm bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch, lữ hành

15:52 | 14/07/2017
Hành vi lạm dụng tình dục trẻ em trong du lịch có tính chất vô cùng đặc biệt là đối tượng di chuyển thường xuyên. Vi phạm khi phát hiện ra thì đối tượng đã di chuyển đi nơi khác. Do đó, nếu không phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực và quốc tế thì rất dễ bỏ lọt tội phạm.

Thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo tham vấn hoàn thiện Báo cáo: "Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: Phân tích hệ thống pháp luật quốc gia” diễn ra hôm nay (14/7) tại Hà Nội.

Hội thảo do cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam tổ chức.

Các đại biểu cùng thảo luận về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành tại Việt Nam và khu vực. (ẢNh: YN)

Vấn đề cấp bách

Xâm hại tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, vấn nạn này tồn tại nhiều ở các nước đang có ngành du lịch phát triển và hệ thống pháp luật cũng như quản lý nhà nước trong vấn đề liên quan còn hạn chế. Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Với chính sách hội nhập quốc tế trong nhiều lĩnh vực và chính sách quốc gia về phát triển du lịch, Việt Nam hiện nay là điểm đến của nhiều du khách quốc tế. Điều này đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam, đặc biệt về kinh tế. Tuy nhiên, chính sách mở cửa và du lịch phát triển cũng đem đến nhiều thách thức. Trong đó có vấn đề liên quan đến sự gia tăng của tội phạm về tình dục trẻ em nói chung, tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch và lữ hành nói riêng. Từ đó, đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách pháp luật chặt chẽ nhằm đảm bảo xử lý nghiêm minh, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi liên quan đến tình dục trẻ em. Đồng thời, đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện trong việc bảo vệ và thực hiện các quyền của trẻ em nói chung. 

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư Pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa nhận định: “Trong những năm gần đây ở Việt Nam, tình hình lạm dụng tình dục trẻ em đã trở nên phức tạp hơn về bản chất, quy mô và mức độ nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để kinh doanh, sinh sống, du lịch và học tập. Một số người trong số họ đã dính dáng tới hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Ngoài ra, nhiều khách du lịch trong nước đã lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn của trẻ em và đã sử dụng các em cho mục đích bóc lột và lạm dụng tình dục".

Bà Thoa cho hay, việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục trong ngành du lịch, bao gồm các biện pháp pháp lý để bảo vệ trẻ đã trở thành một vấn đề mang tính cấp bách. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình và chính sách nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và phòng chống lạm dụng trẻ em, bao gồm du lịch tình dục trẻ em ở Việt Nam.

Tuy nhiên, hành vi lạm dụng tình dục trẻ em trong du lịch có tính chất vô cùng đặc biệt là đối tượng di chuyển thường xuyên. Vi phạm khi phát hiện ra thì đối tượng đã di chuyển đi nơi khác. Do đó, nếu không phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực và quốc tế thì rất dễ bỏ lọt tội phạm.

Bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột tình dục là nhiệm vụ hàng đầu. (Nguồn: PLO)

Cần nhiều cải cách

Các đối tượng phạm tội tình dục trẻ em trong hoạt động lữ hành gây ra một vấn đề lớn và ngày càng gia tăng với các cơ quan thực thi pháp luật trong nước. Những kẻ phạm tội đang di chuyển xa nhà có thể khai thác các trẻ em dễ bị tổn thương, duy trì tình trạng ẩn danh trong cộng đồng. Cùng với đó, chúng còn khai thác các kẽ hở trong luật và các biện pháp thực thi pháp luật; không bị phát hiện và do đó không bị đưa ra công lý.

Phát biểu tại hội thảo, ông Christopher Batt, Phụ trách văn phòng UNODC tại Việt Nam nhấn mạnh: "Bên cạnh việc phản ánh những tiến bộ gần đây về luật pháp và chính sách ở các nước tham gia dự án, báo cáo này đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho công tác cải cách đang diễn ra - trên cơ sở các nỗ lực tích cực thực hiện từ năm 2014. Các khuyến nghị này là căn cứ mang tính xây dựng để các chính phủ thúc đẩy các cải cách pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả hơn cuộc chiến chống lại những đối tượng phạm tội liên quan tới du lịch tình dục trẻ em".

Ông Jun Yanagi, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: "Tôi hy vọng hội thảo sẽ có các phiên thảo luận hiệu quả về hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật liên quan đến vấn đề bóc lột tình dục trẻ em. Từ đó, góp phần cho ra đời một báo cáo có ý nghĩa trong thời gian tới và thúc đẩy biện pháp phòng chống vấn đề này một cách hiệu quả hơn”.

Bà Noriko Shibata, cán bộ Phòng ngừa Tội phạm và Tư pháp hình sự, UNODC khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương cho rằng: “Sau những thảo luận ngày hôm nay, chúng tôi sẽ hoàn thiện báo cáo pháp luật. Báo cáo pháp luật này là một trong những kết quả chính của dự án về phòng chống bóc lột tình dục trẻ em. Báo cáo sẽ được trình bày tại Hội nghị Nhóm Nghiên cứu pháp luật khu vực lần tới tại Campuchia vào tháng 9 năm nay”.